Bài cuối: Coi trọng giáo dục, ngăn ngừa

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng không chỉ là việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, việc ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực bằng các giải pháp đồng bộ mới là cốt lõi, căn bản.

Công tác phòng, chống tham nhũng tại thị xã Sa Pa

>>> Bài 1: Đấu tranh cương quyết

Cán bộ Trạm Kiểm lâm Tả Van xử lý vụ việc vi phạm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Công khai chế độ, chính sách

Trong bài viết đầu tiên, chúng tôi đã nêu 4 vụ việc điển hình về tham nhũng, tiêu cực xảy ra trên địa bàn thị xã Sa Pa thời gian qua thì có đến 3 vụ việc liên quan đến thực hiện chế độ, chính sách. Đây cũng là lý do để cấp ủy đảng, chính quyền thị xã Sa Pa tăng cường công khai, minh bạch chế độ, chính sách nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm.

Đồng chí Phan Đăng Toàn, Bí thư Thị ủy cho biết, thời gian qua, thị xã Sa Pa thực hiện 6 giải pháp căn bản để ngăn ngừa tham nhũng, bao gồm: Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn trong cơ quan, đơn vị; thực hiện các nguyên tắc về ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; luân chuyển vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ trong quản lý, hạn chế thanh toán tiền mặt khi thanh toán lương, chế độ từ tiền ngân sách; kiểm soát tốt nguồn gốc tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Cụ thể, cấp ủy đảng, chính quyền thị xã Sa Pa luôn coi trọng việc công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, xây dựng nông thôn mới, chính sách xã hội. Khi thực hiện chế độ, định mức tiêu chuẩn, các đơn vị, địa phương kiểm soát chặt việc mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc; thực hiện nghiêm quy chế tự kiểm tra tài chính, kế toán trong sử dụng ngân sách. Các cơ quan, đơn vị cũng được yêu cầu thực hiện hiệu quả các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, xử lý, ngăn chặn hiệu quả những biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp khi giải quyết công việc.

Bên cạnh việc tăng cường luân chuyển vị trí công tác của cán bộ, công chức, thị xã Sa Pa cũng coi nhiệm vụ cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những giải pháp nhằm ngăn ngừa tham nhũng. Từ nhiều năm nay, các xã, phường trên địa bàn thị xã Sa Pa đã công khai bộ thủ tục hành chính tại nơi tiếp nhận và trả kết quả cho công dân; triển khai hệ thống điều hành, chữ ký số tới các cơ quan, đơn vị, các xã, phường. Hầu hết cơ quan, đơn vị tại thị xã đến nay đã thực hiện thanh toán, trả lương qua tài khoản cho người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, số ít xã, phường ở xa trung tâm, thiếu dịch vụ ATM nên chưa thể triển khai hình thức này.

Lấy tuyên truyền, giáo dục làm “mặt trận hàng đầu”

Đề ngăn ngừa hiệu quả hiện tượng tham nhũng, hành vi tiêu cực, cấp ủy đảng, chính quyền thị xã Sa Pa đã lấy giải pháp tuyên truyền, giáo dục làm nhiệm vụ hàng đầu. Trong đó yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các xã, phường đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và các quy định về phòng, chống tham nhũng nói riêng. Đó là tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng; các nghị quyết, kết luận, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, các hành vi tiêu cực. Gắn với đó là triển khai hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng Đảng.

Với cấp ủy thị xã, gần đây nhất, ngày 28/12/2020, Thị ủy Sa Pa ban hành Kế hoạch số 24 về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trên địa bàn. Ngày 9/8/2021, Thị ủy ban hành Kế hoạch số 82 về tổ chức quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Chỉ thị số 04 và Kết luận số 50 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Việc đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, coi trọng giải pháp ngăn ngừa, răn đe đã mang lại hiệu quả, thể hiện qua những việc làm, hành động cụ thể, đáng biểu dương. Tiêu biểu gần đây nhất là ngày 15/7/2021, tại khu vực thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van, Vũ Duy Phương, sinh năm 1987, trú tại thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc có hành vi đưa hối lộ 5 triệu đồng cho anh Nguyễn Phúc Thành, sinh năm 1980, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Tả Van với mục đích được san gạt đất lâm nghiệp trái phép. Bị từ chối cương quyết nhưng Vũ Duy Phương vẫn cố tình nhét số tiền trên vào người Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm nên anh Thành đã thông tin tới Công an xã Tả Van phối hợp với Công an tỉnh bắt quả tang Phương về hành vi đưa hối lộ. Hiện vụ án đã được các cơ quan chức năng điều tra, truy tố, chuẩn bị đưa bị can Vũ Duy Phương ra xét xử.

Phòng, chống tham nhũng là việc làm lâu dài, kiên trì, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân. Tuy nhiên, không thể chỉ lo “chống” mà thiếu quan tâm “xây”. Những gì thị xã Sa Pa triển khai thực hiện trong thời gian qua thật đáng khích lệ và nhân rộng.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/350801-bai-cuoi-coi-trong-giao-duc-ngan-ngua