Bài cuối: 'Cuộc chiến' vẫn tiếp diễnBÀI 1: Ứng phó với 'bão' Covid-19BÀI 2: Xuyên đêm chống 'bão' Covid-19BÀI 3: Bệnh viện dã chiến là nhà

BÀI 1: Ứng phó với 'bão' Covid-19

BÀI 2: Xuyên đêm chống "bão" Covid-19

BÀI 3: Bệnh viện dã chiến là nhà

“Cơn bão” Covid-19 đã quét qua Tiền Giang với cường độ và tốc độ chưa từng có. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà, trong đó có đóng góp rất lớn của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên y tế, Tiền Giang đã trở thành “vùng xanh”, đưa cuộc sống của người dân trở về bình thường mới. Trong niềm vui chung ấy, BS CKII Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ:

BS CKII Trần Thanh Thảo. Ảnh: HẠNH NGA

BS CKII Trần Thanh Thảo. Ảnh: HẠNH NGA

Khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng (ngày 5-6-2021), lãnh đạo Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cùng ngành Y tế kịp thời ứng phó và chủ động dập dịch.

Tuy nhiên, do Tiền Giang rất gần TP. Hồ Chí Minh, nên tại thời điểm đó khả năng kiểm soát dịch trong cộng đồng rất khó khăn.

Có những lúc cao điểm, khối lượng công việc rất lớn, tính chất lại khẩn trương, áp lực nặng nề nên các cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên y tế phải làm việc hết sức vất vả, cùng với các ngành Quân sự, Công an đã tập trung thực hiện hơn 100% sức lực có được (có đồng nghiệp còn nói rằng họ đã làm việc gấp 2 - 3 lần so với bình thường, tức 200% - 300% công suất thường ngày), không kể ngày đêm, trong hay ngoài giờ, ngày nghỉ, lễ…

Nhìn chung, hầu hết cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế tỉnh nhà đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được giao, mà tưởng chừng như không thể thực hiện nổi.

* Phóng viên (PV): Trong giai đoạn bình thường mới hiện nay, các bệnh viện dã chiến (BVDC) có phải đã hoàn thành nhiệm vụ, thưa đồng chí?

* BS CKII Trần Thanh Thảo: Trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, số ca F0 tăng rất nhanh, có ngày lên đến hơn 500 ca; số ca F1 cũng tăng nhanh tương ứng. Lãnh đạo Sở Y tế đã đề xuất UBND tỉnh thành lập 8 BVDC và Quân khu 9 hỗ trợ thành lập 1 BVDC do Quân đội quản lý, để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân. BVDC được thành lập chỉ là cơ sở điều trị, không có nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, phải huy động để phục vụ.

Giai đoạn đầu, lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa và các trung tâm y tế cử 10% nhân viên với đủ các chức danh chuyên môn gửi về Sở Y tế, để Sở chủ động điều phối nhân lực cho hoạt động của các BVDC và các khu cách ly. Đến khi số ca mắc tăng nhanh, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị này cử thêm 20% nhân viên nữa, với đủ các chức danh chuyên môn, để Sở Y tế điều phối nhân lực.

Đồng thời, Sở Y tế cũng đã ban hành nhiều công văn kêu gọi các y, bác sĩ đã nghỉ hưu hoặc chưa có việc làm, cán bộ hành nghề y dược tư nhân, sinh viên các trường Y, trường cao đẳng, đại học và các tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch cùng ngành Y tế.

Ngoài ra, Sở Y tế Tiền Giang cũng đã đề xuất Bộ Y tế điều động cán bộ y tế từ các tỉnh, thành chưa có dịch hoặc chưa ở giai đoạn cao điểm dịch đến hỗ trợ cho Tiền Giang. Bộ Y tế cũng đã có 4 quyết định điều động hàng chục cán bộ, nhân viên y tế (bác sĩ và điều dưỡng từ Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) đến hỗ trợ Tiền Giang trong giai đoạn khó khăn nhất.

Lực lượng này, với chuyên môn, nghiệp vụ hiện có, từng bước đào tạo, tập huấn thêm về chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế trên địa bàn toàn tỉnh để có đủ nguồn nhân lực, nhất là chuyên môn hồi sức cấp cứu để điều trị bệnh nhân hiệu quả nhất.

Như vậy, tỉnh có tất cả 9 BVDC, mang tên từ BVDC số 1 đến BVDC số 9. Ngành Y tế đã huy động hàng ngàn cán bộ, y, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế và các lực lượng khác trực tiếp phục vụ điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại các BVDC, bất kể ngày đêm hay ngày nghỉ, lễ.

Do tình hình dịch tạm thời được kiểm soát, số bệnh nhân F0 được điều trị tại nhà rất nhiều, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh giải thể các BVDC, gồm: Cơ sở 2 - BVDC số 1 và các BVDC số 3, 4, 5, 7, 8; hiện còn cơ sở 1 - BVDC số 1, BVDC số 2 và Trung tâm Hồi sức Covid-19 (riêng BVDC số 6 của Quân đội chưa giải thể, nhưng không còn tiếp nhận bệnh nhân). Dự kiến cuối tháng 2-2022, tùy theo lượng bệnh nhân mà có thể xem xét đề nghị UBND tỉnh giải thể các BVDC còn lại, trừ Trung tâm Hồi sức Covid-19.

* PV: Xin đồng chí cho biết, trong giai đoạn bình thường mới, “cuộc chiến” với Covid-19 có gì khác so với giai đoạn cao điểm của dịch năm 2021?

* BS CKII Trần Thanh Thảo: Để chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19 trong điều kiện “thích ứng, an toàn, linh hoạt trong tình hình mới”, Sở Y tế đã thiết lập “cơ sở điều trị tách đôi” tại các bệnh viện và trung tâm y tế. Theo đó, mỗi cơ sở điều trị dành từ 50 - 100 giường điều trị bệnh nhân Covid-19, các giường còn lại điều trị bệnh nhân thông thường. Tương ứng với số giường bệnh, mỗi nơi có từ 50 - 120 y, bác sĩ và nhân viên y tế phục vụ cho bệnh nhân Covid-19.

Song song với phương thức điều trị F0 tại các trung tâm y tế và các BVDC còn lại, trong giai đoạn hiện nay, “cuộc chiến” với Covid-19 có nhiều thay đổi, chuyển từ điều trị tại BVDC sang điều trị tại cộng đồng (tại nhà, tại cơ sở điều trị tuyến xã…). Việc chuyển đổi phương thức điều trị này giúp bệnh nhân Covid-19 nhẹ, không triệu chứng không phải nhập viện điều trị, được thoải mái hơn, đồng thời làm giảm áp lực cho các y, bác sĩ tại các bệnh viện, trung tâm y tế.

Tuy nhiên, việc điều trị bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng lại làm tăng thêm áp lực cho lực lượng y tế tuyến xã, hiện rất thiếu, mà phải làm rất nhiều việc như: Theo dõi, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà (có lúc cao điểm, với 6 - 8 người mỗi trạm y tế mà phải chăm sóc hàng trăm F0 tại nhà), thực hiện tiêm chủng vắc xin thần tốc phòng Covid-19, truy vết, xét nghiệm theo yêu cầu và phải thực hiện nhiệm vụ thường xuyên (quản lý các chương trình mục tiêu y tế, phòng chống các loại dịch bệnh khác, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho bệnh nhân thông thường khác…).

Lực lượng y tế đã phấn đấu hơn 100% sức lực của mình để đóng góp xứng đáng vào “cuộc chiến” phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: PHÚC THỊNH

Lực lượng y tế đã phấn đấu hơn 100% sức lực của mình để đóng góp xứng đáng vào “cuộc chiến” phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: PHÚC THỊNH

* PV: Xin đồng chí cho biết, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên ngành Y tế có vai trò như thế nào khi Tiền Giang trở thành “vùng xanh”, nhân dân tỉnh nhà có cuộc sống bình thường mới như hiện nay?

* BS CKII Trần Thanh Thảo: Thời gian qua, ngành Y tế cùng với các ngành và địa phương đã và đang nỗ lực bảo vệ “vùng xanh” để nhân dân và các doanh nghiệp “thích ứng, an toàn, linh hoạt” trong tình hình “bình thường mới”, phục vụ cho việc sản xuất, kinh doanh và cuộc sống an lành của nhân dân. Khi phòng, chống dịch, cả hệ thống chính trị đều tham gia và đều có đóng góp nhất định vào thành quả chung của cả tỉnh. Tuy nhiên, mỗi ngành, mỗi cấp có vị trí, vai trò khác nhau.

Đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên ngành Y tế là lực lượng nòng cốt, chủ lực trong sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân nói chung và trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nói riêng. Vì vậy, khi Tiền Giang trở thành “vùng xanh”, nhân dân tỉnh nhà có cuộc sống bình thường mới như hiện nay, thì đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên ngành Y tế cũng có vai trò hết sức quan trọng, không thể thiếu được và cũng không có lực lượng nào thay thế được.

Chúng tôi ý thức được điều này, nên đã phấn đấu cống hiến hết sức mình trong các giai đoạn của dịch bệnh, nhất là giai đoạn cao điểm. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là niềm vinh dự và tự hào của các cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế, vì đã có những đóng góp mang tính quyết định vào một “trận chiến” vô cùng gian nan, vất vả, hiểm nguy, để đến hôm nay xem như chúng ta đã có được cuộc sống bình thường mới.

Một lần nữa, thay mặt lãnh đạo ngành Y tế của tỉnh, tôi xin cảm ơn tất cả các ngành, các cấp đã sát cánh cùng chúng tôi trong các hoạt động phòng, chống dịch, nhất là các cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên ngành Y tế (trong và ngoài tỉnh) đã không quản ngại gian khổ (thậm chí có thể hy sinh vì nhiễm bệnh), phấn đấu hơn 100% sức lực để đóng góp xứng đáng vào “cuộc chiến” phòng, chống dịch Covid-19 đầy cam go, thử thách.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THIÊN QUANG (thực hiện)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202203/nhung-doa-hoa-noi-tuyen-lua-bai-cuoi-cuoc-chien-van-tiep-dien-945253/