Bài cuối: Dấu ấn của cơ quan lập pháp

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, việc ban hành các quyết sách quan trọng về an sinh xã hội (ASXH) là dấu ấn đậm nét của cơ quan lập pháp.

Những quyết sách ấy dù được ban hành trong bối cảnh bình thường hay đặc biệt, đều mang đậm hơi thở cuộc sống, có ý nghĩa vô cùng lớn đối với xã hội, với từng người dân. Quốc hội đã nhiều lần khẳng định chủ trương "không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội". Nhưng với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

An sinh - an lòng dân

Ngay tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới (cuối tháng 7/2021), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết quan trọng về bảo đảm ASXH, đó là về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 với tổng nguồn vốn thực hiện chương trình là 75.000 tỷ đồng; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được thông qua với tổng kinh phí hơn 196.000 tỷ đồng.

Các đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Thắng

Các đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Thắng

Chỉ ít lâu sau đó, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, số người chết không ngừng tăng lên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập tức họp phiên bất thường để cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, vào ngày 6/8/2021.

Từ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV.

Trong đó, nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo là “không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu đói”; chăm lo đời sống Nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch bệnh Covid-19 và lực lượng tuyến đầu chống dịch, bảo đảm kịp thời, thực chất, hiệu quả.

Song song với đó, Chính phủ tung ra gói an sinh 26.000 tỷ đồng (theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg) hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 30/6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho 35.873.422 người lao động, người dân, 394.445 đơn vị sử dụng lao động và 508.391 hộ kinh doanh với tổng số tiền là 45.662,502 tỷ đồng; trong đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân hơn 4.730 tỷ đồng cho gần 1,4 nghìn đơn vị sử dụng lao động để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động.

Đối tượng yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội được quan tâm, tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống; bảo đảm 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói. Thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho 3.336.267 đối tượng bảo trợ xã hội và 354.340 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng hàng tháng.

Đầu năm 2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 với nhiều chính sách mạnh mẽ, quyết liệt, mang tính đặc thù, chưa từng có tiền lệ nhằm đạt “mục tiêu kép”: hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân và DN, giúp phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Quốc hội đã có những quyết sách rất kịp thời, đúng thời điểm hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp... để an lòng dân.

Tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 11/2023), Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, Nghị quyết nhấn mạnh chú trọng bảo đảm ASXH, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; chăm lo các đối tượng chính sách…

Lấy người dân, DN làm trung tâm, tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Từ đầu năm đến nay, Quốc hội tiếp tục có những quyết sách quan trọng. Trong đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Cũng tại Kỳ họp này (sáng 18/1/2024), Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Chính sách đất đai gắn liền mật thiết với chính sách ASXH; trong đó, Luật Đất đai 2024 đã quán triệt đầy đủ, trọn vẹn các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Trong các nhiệm vụ đó có các nhiệm vụ đối với hệ thống mạng lưới ASXH.

Nghị quyết 18-NQ/TW đã chỉ rõ: “thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi”. Luật Đất đai 2024 đã thể chế hóa trọn vẹn, đầy đủ, sâu sắc nội dung đặc biệt quan trọng này của Nghị quyết; xác định rõ nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Trong đó, Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất... Điều này thể hiện sự quan tâm với trách nhiệm cao của Nhà nước đối với người bị thu hồi đất.

Kỳ họp thứ 7 là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn. Trong 11 luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng đặc biệt được quan tâm. Việc đẩy sớm thời gian có hiệu lực của các luật nêu trên nhằm sớm đưa các điểm mới của các luật vào thực tiễn, được kỳ vọng khơi thông nguồn lực đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tạo động lực mới cho phát triển và thực hiện các chính sách ASXH.

Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; tạo điều kiện cho DN và người dân sớm được tiếp cận với các chính sách mới theo hướng có lợi như: chính sách nhà ở xã hội, chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, quyền lợi của người có đất bị thu hồi, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Cũng tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật BHXH (sửa đổi), trong bối cảnh thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024, góp phần khắc phục nhiều hạn chế, bất cập về chính sách BHXH thời gian qua, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, bảo đảm ASXH, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân…

Bứt phá, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Thực tiễn công tác lập pháp từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay đã được thực hiện theo đúng yêu cầu tại Kết luận 19-KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/2021/UBTVQH15 để triển khai cụ thể Kết luận 19-KL/TW, đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật từ quản lý sang kiến tạo phát triển, xuất phát từ yêu cầu cuộc sống, vì cuộc sống, lấy người dân và DN làm trung tâm. Chính phủ và Quốc hội đã đồng hành, phối hợp chặt chẽ với nhau, rà soát kỹ lưỡng từng nội dung, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể để bảo đảm cao nhất chất lượng và tiến độ các dự án Luật. Chính sự chuẩn bị căn cơ ngay từ đầu nhiệm kỳ, nên công tác lập pháp của Quốc hội thời gian qua được tiến hành chủ động, vững vàng.

Đăng ký khám chữa bệnh bằng sinh trắc học tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Thanh Hải

Đăng ký khám chữa bệnh bằng sinh trắc học tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Thanh Hải

Cùng đó, xuyên suốt qua các kỳ họp, đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, tâm huyết; đặc biệt, số lượng đại biểu đăng ký tham gia phát biểu, thảo luận, chất vấn rất lớn, nhất là tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp thứ 7 vừa qua. Có thể thấy, tinh thần đổi mới ở nghị trường đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; cho thấy những nỗ lực trong thực hiện lời hứa với cử tri.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội sáng 21/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển năm 2025. Người đứng đầu Chính phủ cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.

Ước tính cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%). Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm (có thặng dư cao). Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép.

Đặc biệt, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88% (trong bối cảnh tăng lương với mức cao từ 1/7/2024). Thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ, trong khi ước cả năm miễn, giảm, gia hạn gần 200 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất.

Cũng theo Thủ tướng Chính phủ, các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai hiệu quả theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, còn 1,93%; chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Công tác xây dựng nhà ở xã hội đạt kết quả tích cực; trong thời gian ngắn, đã huy động trên 6.000 tỷ đồng cho phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Đánh giá về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Trong thành tựu chung của đất nước, có đóng góp rất quan trọng của Quốc hội nói chung, Quốc hội khóa XV nói riêng. Trong thời gian qua, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, thực chất và hiệu quả hơn. Quốc hội ngày càng phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất".

Tổng Bí thư cũng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ tổ chức, hoạt động của Quốc hội, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, coi đây là một trong những yếu tố then chốt của then chốt để đổi mới hoạt động của Quốc hội. “Hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội phải "đúng vai, thuộc bài"; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quan hệ giữa các cơ quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, bảo đảm chặt chẽ, hài hòa trong quy trình quản trị quốc gia” – Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Về việc thực hiện các Nghị quyết, Tổng Bí thư cho rằng, Nghị quyết đã đúng, trúng thì tổ chức thực hiện là khâu đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa then chốt đưa Nghị quyết vào cuộc sống, biến chủ trương của Đảng thành hành động cách mạng, tạo ra của cải vật chất, sản phẩm tinh thần, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc; cũng qua triển khai Nghị quyết trong cuộc sống để phát hiện, bổ sung, ngày càng hoàn thiện bước đi, tìm ra con đường ngắn nhất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu.

“Hiện nay là thời điểm ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu. Từ những vấn đề trên, có thể thấy, đây là thời điểm “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới” - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Cử tri và Nhân dân rất kỳ vọng vào Kỳ họp thứ 8 để Quốc hội quyết sách những vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước. Nhân dân tin tưởng, Quốc hội phải làm việc hết sức mình.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Hồng Thái - Hải Lý - Trần Oanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-cuoi-dau-an-cua-co-quan-lap-phap.html