Bài cuối: Đầu tư bài bản cho 'bến đỗ'

Hiện nay, nhiều trường nghề và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) đã kín chỗ, khó có thể mở rộng quy mô tuyển sinh, đào tạo. Do đó, để tiến tới mục tiêu phân luồng sau THCS đạt 40%, tỉnh cần đầu tư bài bản hơn cho các trường nghề, các trung tâm GDNN-GDTX cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn đội ngũ giáo viên.

Học viên Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai trong giờ thực hành. Ảnh: H.YẾN

Học viên Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai trong giờ thực hành. Ảnh: H.YẾN

Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực GDNN cần được đẩy mạnh, triển khai đúng hướng. Trong khi chưa thể thu hút được doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực GDNN, việc liên kết đào tạo nghề trong các trung tâm GDNN-GDTX là tất yếu. Tuy nhiên, để đảm bảo cho hoạt động liên kết này bền vững, đạt chất lượng cao thì cần có chính sách, hành lang pháp lý phù hợp.

Hàng loạt khó khăn, bất cập của trung tâm GDNN-GDTX

Khi lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS, các trung tâm GDNN-GDTX vẫn được học sinh, phụ huynh xem là “bến đỗ” cuối cùng, khi những cánh cửa khác đã khép lại. Đây là thực tế đang diễn ra và sẽ còn là xu hướng trong thời gian tới, nếu các trung tâm GDNN-GDTX không được đầu tư một cách căn cơ, bài bản hơn.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH cho biết, hiện nay Đồng Nai chỉ riêng khối 12 hệ GDTX đã có gần 8 ngàn học viên, tương ứng với phân luồng chỉ 30% trong giai đoạn này. Như vậy để đón đầu cho phân luồng sau năm 2025, các trung tâm GDTX cần có sự chuẩn bị các nguồn lực: cơ sở vật chất, đội ngũ, chương trình, kinh phí… để đáp ứng nhu cầu học tập da dạng của người dân. Đặc biệt, các cấp quản lý cần hiểu rõ mục tiêu sau phân luồng để tạo điều kiện cho các trường nghề, các trung tâm GDTX hoạt động hiệu quả, chất lượng.

Tại hội nghị tổng kết năm học khối GDTX do Sở GD-ĐT tổ chức mới đây, đại diện ban giám đốc các trung tâm GDNN-GDTX đã nêu ra hàng loạt khó khăn, bất cập mà việc tháo gỡ cần có chủ trương, chính sách của cấp tỉnh. Những khó khăn này tập trung ở nhiều mảng: điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị; đội ngũ nhân sự (gồm cả cán bộ quản lý và giáo viên); kinh phí; hành lang pháp lý cho việc liên kết đào tạo nghề… Tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy học, đặc biệt là trong bối cảnh triển khai chương trình GDTX mới.

Theo đó, nhiều trung tâm GDNN-GDTX đã xuống cấp, cơ sở vật chất không được đầu tư nên khó mở rộng quy mô lớp học. Chẳng hạn, Trung tâm GDNN-GDTX TP.Biên Hòa dù nằm trên địa bàn có nhu cầu lớn về phân luồng sau THCS nhưng lại không được đầu tư xây dựng, mở rộng quy mô phòng học. Theo lãnh đạo trung tâm này, trong giai đoạn 2012-2016, trung tâm có đề xuất về việc xây dựng mới trung tâm nhưng đề xuất này không được thông qua. Lý do được đưa ra là trên địa bàn thành phố đã có Trung tâm GDTX tỉnh được xây dựng quy mô, khang trang rồi nên lãnh đạo cấp trên không cho xây thêm Trung tâm GDNN-GDTX TP.Biên Hòa, sợ lãng phí.

Không được xây mới, Trung tâm GDNN-GDTX TP.Biên Hòa xin được chuyển trụ sở sang nơi khác rộng rãi hơn, có nhiều phòng ốc hơn nhưng không được. Vì không mở rộng được quy mô lớp học nên Trung tâm GDNN-GDTX TP.Biên Hòa có muốn cũng không thể nâng chỉ tiêu tuyển sinh lên được.

Cơ sở vật chất không đáp ứng được quy mô học sinh là tình trạng chung của nhiều trung tâm GDNN-GDTX. Ông Hoàng Đình Thọ, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX H.Nhơn Trạch cho biết, năm học 2022-2023, trung tâm này có 17 lớp với tổng số gần 600 học sinh. Điểm chính của trung tâm là vừa cách xa địa bàn khi dân cư vừa chỉ có 3 lớp học, trung tâm phải mượn phòng học cách điểm chính 20km để mở lớp học. Không chỉ tốn tiền trang trải cho việc mượn phòng học, trung tâm còn phải mất thêm kinh phí chi cho nhân sự làm công tác quản sinh nhằm hỗ trợ trong công tác quản lý người học.

Cũng như khó khăn chung của ngành giáo dục, các trung tâm GDNN-GDTX đang thiếu rất nhiều giáo viên cơ hữu. Thậm chí, nhiều đơn vị còn bị yêu cầu phải tiếp tục giảm biên chế giáo viên. Học sinh ngày càng tăng lên nhưng giáo viên lại ngày càng ít đi, các trung tâm buộc phải mời giáo viên thỉnh giảng. Đối với những giáo viên này, các trung tâm sẽ khó có thể tổ chức các cuộc họp để sinh hoạt chuyên môn, về lâu dài khó đảm bảo chất lượng dạy học.

Về mặt kinh phí, hiện nay, nhiều địa phương phân bổ kinh phí dựa trên biên chế nhân sự chứ không cấp ngân sách dựa trên thực tế quy mô học sinh. Vì vậy, càng nhận nhiều học sinh, tổ chức nhiều lớp học thì các trung tâm càng thiệt thòi. Do đó, dù nhu cầu của người học còn nhiều nhưng các trung tâm cũng không mặn mà tuyển sinh vì không có tiền để chi trả cho giáo viên thỉnh giảng…

Đầu tư hợp lý cho hoạt động dạy nghề

Do nhu cầu học nghề tăng nên các trung tâm GDNN-GDTX đã mạnh dạn liên kết với các trường nghề trong và ngoài tỉnh để mở các lớp “song bằng” cho người học lựa chọn. Trung tâm GDNN-GDTX H.Trảng Bom đang là đơn vị đi đầu trong hoạt động hợp tác, liên kết này.

Theo TS NGUYỄN TIẾN MẠNH, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi, năm 2023 là năm thứ 2 trường có sinh viên hệ 9+ thi tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ đậu tốt nghiệp của trường là 90,9%. Năm nay, trường nhận được nhiều hồ sơ xét tuyển hệ 9+4 với gần 1.600 hồ sơ nhưng chỉ nhận 1.050 học sinh, loại khoảng 500 hồ sơ.

Theo đó, Trung tâm GDNN-GDTX H.Trảng Bom đang liên kết với các trường: cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Bảo Lộc; cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai, trung cấp Quốc Việt (Lâm Đồng); trung cấp Kinh tế - kỹ thuật số 2 để tổ chức các lớp trung cấp nghề. Với 9 nghề đào tạo, gần 100% học viên xét tuyển vào lớp 10 của trung tâm lựa chọn vừa học chương trình GDTX vừa học nghề.

Tuy nhiên, việc liên kết đào tạo nghề của các trung tâm đang đứng trước nhiều rủi ro về mặt pháp lý. Bởi lẽ, nếu xét ra thì các trung tâm đang cho các đơn vị tư nhân sử dụng tài sản công để kinh doanh, thu lợi (mặc dù các đơn vị liên kết tự trang bị thiết bị dạy nghề). Dù có rủi ro pháp lý nhưng nếu không liên kết, trung tâm GDNN-GDTX sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của người học (trung tâm GDNN-GDTX chỉ được phép dạy sơ cấp, không được phép cấp bằng trung cấp nghề). Do đó, nếu muốn trung tâm GDNN-GDTX phát triển, đáp ứng được yêu cầu phân luồng sau THCS thì rất cần có chính sách, chủ trương hợp lý về liên kết đào tạo nghề.

Học sinh nghề cơ khí Trường cao đẳng Công nghệ cao Lilama 2 trong giờ thực hành

Học sinh nghề cơ khí Trường cao đẳng Công nghệ cao Lilama 2 trong giờ thực hành

Đối với các trường nghề, theo Quyết định số 73/QĐ-Ttg năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm ít nhất 30% cơ sở GDNN công lập so với năm 2020, trong đó giảm khoảng 50% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở GDNN tư thục, cơ sở GDNN có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 50%.

Theo định hướng này, Đồng Nai sẽ không thể xây thêm trường nghề công lập nữa mà chỉ có thể thúc đẩy các chính sách nhằm thu hút xã hội hóa trong lĩnh vực GDNN. Trong khi đó, việc phát triển xã hội hóa ở lĩnh vực này sẽ rất khó khăn và chỉ có thể phát triển được ở một số nhóm ngành nghề nhất định.

Lãnh đạo một trường cao đẳng nghề chia sẻ, các cơ sở GDNN tư thục phần lớn sẽ chọn đầu tư vào các ngành nghề ít phải đầu tư trang thiết bị chứ sẽ không đầu tư vào các ngành nghề trọng điểm, đòi hỏi nhiều trang thiết bị hiện đại, đắt tiền. Trong khi đó, Đồng Nai đang rất cần phát triển các nhóm nghề thuộc ngành cơ khí, kỹ thuật… Vì vậy, tỉnh cần có đầu tư hơn cho các nghề mũi nhọn này, có như vậy, các trường nghề công lập hiện có trên địa bàn tỉnh mới phát triển được.

Cùng với việc đầu tư thêm về trang thiết bị, đội ngũ giáo viên và các chính sách khuyến khích học sinh tham gia học nghề sau THCS, tỉnh cần tăng cường chỉ đạo, đầu tư để các cơ sở GDNN thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng để các trường duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202308/bao-gio-tuyen-sinh-sau-thcs-het-nong-bai-cuoi-dau-tu-bai-ban-cho-ben-do-3173850/