Bài cuối: Để có chính kiến đối với nội dung bàn thảo

Để có chính kiến đối với một vấn đề cụ thể HĐND bàn thảo cũng như am hiểu các quy định liên quan, khi có thông tin về nội dung các kỳ họp, đại biểu HĐND trên cương vị công tác nếu có chuyên đề liên quan sẽ thuận lợi trong tiếp cận, còn nếu không liên quan nên sắp xếp thời gian tìm hiểu cụ thể. Có rất nhiều cách để khai thác thông tin như: Khai thác trên môi trường mạng, tham gia các hội nghị, hội thảo liên quan, qua liên hệ với cử tri… Đặc biệt, đại biểu có thể tự mình khảo sát, thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin đối với nội dung có thực tiễn tại địa phương để tiếp cận trước.

Đừng vì kiêm nhiệm

Để thực hiện tốt chức năng quyết định, trước hết mỗi đại biểu HĐND cần am hiểu quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND nói chung cũng như các ngành luật, quy định liên quan đến việc thực thi các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND trên các lĩnh vực. “Đã là đại biểu của dân, là người ưu tú được dân lựa chọn bầu ra, việc đầu tiên đại biểu nhất định phải có chính là sự am hiểu về các quy định của pháp luật. Không hiểu các quy định của luật thì anh chưa xứng đáng là đại biểu của dân, xứng đáng là một phần của HĐND” - cử tri Lê Văn Huân, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk trăn trở.

Những nhiệm kỳ gần đây, tỷ lệ đại biểu chuyên trách đã được tăng lên nhưng đại biểu HĐND đa số vẫn hoạt động kiêm nhiệm. Trong khi đó, tâm lý chung ở một bộ phận đại biểu kiêm nhiệm là việc nắm bắt các thông tin, quy định để bàn và quyết định các quyết sách của HĐND chủ yếu là do các đại biểu chuyên trách lo liệu là chính. Việc quyết định tại kỳ họp phần lớn ý kiến trái chiều, thảo luận làm rõ chủ yếu tập trung vào một số đại biểu chuyên trách và đại biểu là thành viên các Ban của HĐND.

Do đó, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND trong quyết định các vấn đề của HĐND, việc đầu tiên là đại biểu tự thân phải nhận thức được trọng trách của mình. “Theo tôi, đại biểu dân cử cần bỏ ngay tư tưởng mình là kiêm nhiệm. Đại biểu chưa nắm chắc các quy định và khẳng định chính kiến của mình trên nghị trường, chưa biết hổ thẹn khi giơ tay hoặc ấn nút biểu quyết quyết sách mà mình chưa am hiểu tường tận thì chưa phải lắm với cử tri. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, các đại biểu của dân có đầy đủ phương tiện, trang thiết bị hiện đại để tiếp cận thông tin, văn bản hàng ngày, hàng giờ” - cử tri Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Thường trực HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh bày tỏ.

Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lai Châu quan sát hoạt động vận hành của Nhà máy Thủy điện Hua Be, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên

Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lai Châu quan sát hoạt động vận hành của Nhà máy Thủy điện Hua Be, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên

Ảnh: Hoàng Hà

Trúnghướng, hợp pháp, hợp lòng dân

Làm sao để đại biểu dân cử có chính kiến đối với một vấn đề cụ thể HĐND bàn cũng như am hiểu các quy định liên quan, vấn đề này nhiều người biết, nói, nhưng khi thực hiện lại chưa bao giờ là dễ dàng đối với những ai chưa để tâm vào đó.

Đối với đại biểu HĐND cấp tỉnh, việc HĐND bàn các nghị quyết, nhất là nghị quyết là văn bản QPPL thường được thực hiện chặt chẽ. Đối với HĐND cấp huyện và xã, mặc dù không có bước xem xét đề nghị xây dựng nghị quyết, tuy nhiên tại kỳ họp thường lệ cuối năm, HĐND đã bàn đến kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ của năm sau, trong đó đã có dự kiến các nội dung quyết sách chuyên đề sẽ trình ra kỳ họp. Nghĩa là ít hay nhiều, đại biểu HĐND đã có thông tin ban đầu về nội dung quyết sách HĐND sẽ bàn và quyết định trước đó (trừ những kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất).

Do đó, khi có thông tin về nội dung các kỳ họp, đại biểu trên cương vị công tác nếu có chuyên đề, nội dung liên quan sẽ thuận lợi trong tiếp cận, còn nếu không liên quan thì cũng nên sắp xếp thời gian tìm hiểu cụ thể. Có rất nhiều cách để đại biểu khai thác thông tin, như khai thác trên môi trường mạng, tham gia các hội nghị, hội thảo liên quan, qua liên hệ với cử tri… Quan tâm hơn nữa, đại biểu có thể tự mình đi khảo sát, thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin đối với nội dung có thực tiễn tại địa phương để tiếp cận trước.

Ví dụ trong chương trình kỳ họp năm sau, HĐND dự kiến bàn về hỗ trợ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, đại biểu có thể lên mạng tìm hiểu: Thẩm quyền của HĐND có được quyết định nội dung này không; những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố là những ai; hiện nay đã có quy định nào của Trung ương, tỉnh quy định về họ và chế độ phụ cấp như thế nào... Sau khi tìm hiểu quy định, đại biểu sẽ phải xem xét, tìm hiểu tại sao có quy định rồi mà ở địa phương lại phải ban hành hỗ trợ phụ cấp, nghĩa là tìm hiểu căn cứ thực tiễn. Để có căn cứ thực tiễn, có thể liên hệ với cử tri là những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, các cử tri liên quan… để xem họ nói gì; có thể đối chiếu với nguồn lực (nghị quyết phân bổ ngân sách, báo cáo tình hình thu chi…) xem khả năng cân đối của địa phương...

Từ đó, khi tiếp nhận tài liệu kỳ họp (trước 7 ngày đối với văn bản quy phạm pháp luật và 5 ngày đối với tài liệu thông thường) thì với các quyết sách đại biểu đã có định hình thông tin ban đầu, đó là chưa kể những đại biểu có chức vụ, trong cấp ủy thì họ đã được bàn nhiều lần. Có tài liệu, ngoài nghiên cứu dự thảo nghị quyết, đối chiếu quy định, thực tiễn cần nghiên cứu báo cáo thẩm tra. Trên cơ sở đó, đại biểu có thể soạn ý kiến của mình. Nếu mỗi đại biểu HĐND đều thực hiện tròn vai và có trách nhiệm, chắc chắn quyết sách tập thể HĐND bàn và quyết định sẽ trúng hướng, hợp pháp và hợp cả lòng dân.

BÌNH NGUYÊN - PHƯƠNG NGUYÊN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-cuoide-co-chinh-kien-doi-voi-noi-dung-ban-thao-0owlbctfyq-80764