Bài cuối: Đưa người đi xuất khẩu lao động trái phép?
Trước tố cáo của nhiều người dân về hành vi lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản của bà N.T.N.A. (xã Xuân Thành, huyện Xuân Lộc), Công an tỉnh và Công an huyện Xuân Lộc đã tiến hành điều tra vụ việc.
Sự việc đã được Công an huyện Xuân Lộc tiếp nhận từ cuối năm 2018. Qua điều tra bước đầu, Công an huyện xác định vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng, thuộc thẩm quyền điều tra của cấp tỉnh nên lập hồ sơ chuyển cho Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh thụ lý giải quyết.
* “Cò” xuất khẩu lao động
Đến cuối tháng 2-2019, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh lại xác định, vụ việc có dấu hiệu tội phạm “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài, hoặc ở lại nước ngoài trái phép” quy định tại Điều 349, Bộ luật Hình sự thuộc thẩm quyền cấp huyện xử lý nên lại chuyển hồ sơ cho Công an huyện Xuân Lộc điều tra theo thẩm quyền.
Cần cảnh giác chiêu lừa xuất khẩu lao động
Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng khuyến cáo, người lao động nên cảnh giác với các hành vi lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động. Thực tế để đi lao động ở Nhật Bản không hề đơn giản. Người lao động phải qua các khâu tuyển dụng, đáp ứng đủ các yêu cầu, điều kiện mới có thể làm thủ tục xuất cảnh. Ngoài ra, những người đi lao động phải trải qua khóa giáo dục định hướng: đào tạo nghề, đào tạo ngôn ngữ, kiến thức cơ bản của nước sở tại… sau đó kiểm tra sức khỏe đủ điều kiện thì mới được đi.
Thượng tá Cao Xuân Hoa, Phó trưởng Công an huyện Xuân Lộc cho biết, ngay sau khi nhận được phản hồi từ Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, lãnh đạo Công an huyện đã bố trí điều tra viên vào cuộc điều tra xác minh.
Qua điều tra, Công an huyện Xuân Lộc xác định bà N.T.N.A. có quen biết với bà H.T.T.H. (ngụ huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận) là cộng tác viên của một công ty chuyên tư vấn xin visa đi du lịch (có trụ sở đóng tại quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh).
Nghe bà H. nói có thể đưa người sang Nhật Bản để lao động nên bà A. đã nhờ bà H. làm thủ tục cho con trai mình là N.A.P. sang Nhật Bản theo diện du học. Anh P. sang Nhật Bản du học còn đi làm thêm bên ngoài với mức thu nhập khoảng 50 triệu đồng/tháng. Biết con trai bà A. đi Nhật Bản thành công và còn có việc làm thu nhập cao nên một số người tìm đến hỏi thăm bà A. để tìm cách đi “du học” như vậy.
Thấy nhiều người có nhu cầu đi lao động ở Nhật Bản, bà A. gợi ý để bà H. lo cho một số người đi xuất khẩu lao động. Bà H. thông báo cho bà A. cách đưa người sang Nhật Bản trước hết bằng visa du học sau đó đổi visa và xin gia hạn tạm trú để ở lại làm việc. Nếu ai muốn đi như vậy thì phải chấp hành quy trình làm việc bên đó, nếu vi phạm và bị cảnh sát Nhật Bản bắt thì bà H. không chịu trách nhiệm. Bà H. cũng báo chi phí cho một người sang Nhật Bản để lao động theo diện trên là 9 ngàn USD (khoảng 207 triệu đồng). Nếu bà A. thỏa thuận với người lao động được số tiền cao hơn thì được hưởng phần chênh lệch đó.
Bắt được mối làm ăn, bà A. trực tiếp đứng ra làm hợp đồng với những người có nhu cầu với chi phí là 10 ngàn USD (khoảng 230 triệu đồng)/người. Từ khoảng giữa năm 2016 đến giữa năm 2017, bà A. đã ký hợp đồng thỏa thuận với 7 người có nhu cầu xuất khẩu lao động và thu 70 ngàn USD (tương đương 1,6 tỷ đồng). Số tiền này bà A. đã đưa lại cho bà H. 63 ngàn USD (hơn 1,44 tỷ đồng). Riêng bà A. hưởng khoản chênh lệch 7 ngàn USD (hơn 160 triệu đồng).
Trong số 7 người được bà A. làm thủ tục sang Nhật Bản có 6 người đã được bố trí đi làm việc được một thời gian. Tuy nhiên, đến tháng 6-2018, những người này bị cảnh sát Nhật Bản bắt vì lao động bất hợp pháp và bị trục xuất về nước. Riêng trường hợp của chị Đặng Thị Tuyết Nhung (ngụ xã Xuân Thành) chỉ mới bay sang Nhật Bản đã bị trục xuất về nước ngay vì đi theo diện du lịch nhưng không có vé may bay khứ hồi.
Theo Công an huyện Xuân Lộc, trong vụ việc này, ngoài một số người dân tố cáo bà A. về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì phía bà A. cũng đang tố cáo bà H.
* Có liên quan đến một số người ở nước ngoài
Quá trình điều tra Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Xuân Lộc xác định, trong vụ việc này còn có liên quan đến một số người ở nước ngoài (trực tiếp nhận và hướng dẫn những người sang lao động), Công an huyện không thể thu thập được chứng cứ. Do đó, Công an huyện đã thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để thụ lý điều tra theo thẩm quyền (do vụ việc có liên quan đến yếu tố nước ngoài).
Trao đổi với chúng tôi về vụ việc này, Thượng tá Phan Văn Cảnh, Phó chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cho biết, Công an tỉnh vừa tiếp nhận hồ sơ vụ việc từ Công an huyện Xuân Lộc chuyển lên lần 2, tuy nhiên trong hồ sơ chưa xác định rõ có dấu hiệu “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài, hoặc ở lại nước ngoài trái phép” hay không. Ban giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo trước mắt giao lại cho Công an huyện Xuân Lộc tiếp tục xác minh, làm rõ có dấu hiệu tội phạm hay không? Nếu có căn cứ mà thuộc thẩm quyền điều tra cấp tỉnh thì sẽ chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh điều tra, còn nếu thuộc thẩm quyền cấp huyện thì Công an huyện Xuân Lộc sẽ tiếp tục điều tra.
Theo luật sư Thái Văn Chung, Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh, trong vụ việc này không có dấu hiệu lừa đảo mà chỉ là hợp đồng giao dịch thông thường giữa hai bên. Tuy nhiên, giao dịch này đã vô hiệu do đây là thỏa thuận trái quy định pháp luật. Do cả hai bên cùng có lỗi nên bà A. phải trả lại khoản tiền đã nhận của người lao động. Tuy nhiên, trong vụ việc này, cơ quan công an cần phải điều tra để làm rõ có hay không hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Trong trường hợp vụ án hình sự được khởi tố thì tài sản trong phần tranh chấp dân sự nói trên sẽ được giải quyết trong vụ án hình sự.