Bài cuối: Đừng 'đánh cược' vào sự may rủi

Bài 1: Vì sao người dân đốn bỏ thanh long?Bài 2: 'Cơn bão' từ phân bón

Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng đang là gánh nặng đối với người chăn nuôi. Bởi lẽ, chi phí tăng cao mà giá bán lại không ổn định khiến người chăn nuôi luôn trong tình cảnh thắc thỏm. Đã đến lúc tìm cách làm kinh tế nông nghiệp chứ không thể vẫn cứ “mù mờ” đầu cung và cầu.

1. Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại khiến người chăn nuôi càng thêm khó khăn. Đặc biệt, trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, tình hình tiêu thụ gặp khó khăn, người chăn nuôi đang điêu đứng. Đến thời điểm này, áp lực của giá xăng, dầu dẫn đến chi phí đầu vào tăng thêm nhiều khoản, “khó khăn chồng chất khó khăn”.

Người nuôi cá đang đau đầu với chi phí thức ăn tăng cao.

Người nuôi cá đang đau đầu với chi phí thức ăn tăng cao.

Theo ông Nguyễn Văn Tràng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Huy Duy (xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo), bên cạnh giá xăng, dầu tăng làm chi phí đầu vào tăng, giá thức ăn chăn nuôi cũng đang tăng cao. Trong khi đó, giá vịt thịt hiện nay rất thấp. Hiện HTX thu mua tại trại của thành viên với giá khoảng 37.000 đồng/kgđối với vịt trắng, nếu ở xa giá thấp hơn 2.000 đồng/kg. Riêng vịt Xiêm có giá khoảng 53.000 đồng/kg.

Dù giá thức ăn tăng cao, nhưng do tình hình tiêu thụ chậm nên bắt buộc phải hạ giá bán. Trong đợt này, HTX xuất chuồng khoảng 1.000 con vịt, lỗ hơn 10 triệu đồng. Hiện tình hình chăn nuôi rất khó khăn, nếu HTX không thu mua vịt thì các thành viên không nuôi nữa dẫn đến đứt nguồn cung cho đối tác. Hiện dù giá rẻ, nhưng HTX bắt buộc phải bán. Nếu không bán thì vịt ùn ứ, giá sẽ tiếp tục thấp nữa.

Thời điểm này, HTX đang nỗ lực tìm kiếm thêm đối tác để giải quyết bài toán đầu ra. “Đối với thịt vịt, sau khi giết mổ, HTX bỏ mối cho tiểu thương ở các chợ. Tuy nhiên, họ lại bán với giá như trước, chứ không thấp như giá tại chuồng. Không riêng gì giá vịt, thịt bò bán ra cho người tiêu dùng thì cao, nhưng giá bán tại trại rất thấp. Tôi vừa bán mấy chục con bò với giá rất thấp”.

Theo ông Nguyễn Quốc Kiệt, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công (TX. Gò Công), quy trình nuôi gà ta Gò Công của HTX hiện tiết kiệm được nhiều thức ăn bởi cho ăn theo định lượng, chứ không phải ăn tự do. Do đó, khi cho ăn, thức ăn rơi xuống đất sẽ được gà tìm ăn hết. Mặt khác, HTX không cho gà ăn thức ăn công nghiệp ròng. Khi gà qua 2 tháng tuổi, HTX sẽ cho ăn 50% thức ăn công nghiệp, 40% bắp hạt và 10% cỏ tươi xay nhuyễn, từ đó tiết kiệm khoảng 10% chi phí thức ăn.

Thực tế cho thấy, nhiều nhóm thức ăn khác cũng nằm trong xu thế tăng. Ông Nguyễn Hữu Phước (xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây) cho biết, từ trước Tết Nguyên đán 2021 đến nay, giá thức ăn cho heo liên tục tăng. Công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn cho biết, nguyên liệu đầu vào tăng dẫn đến công ty phải tăng giá bán. Trung bình mỗi con heo đến lứa xuất chuồng phải tốn thêm 3 triệu đồng tiền thức ăn, tiêm phòng. Với giá heo hơi như hiện nay, người nuôi có nguy cơ thua lỗ nên không dám tái đàn.

Còn theo ông Nguyễn Minh Thuần, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang, hiện giá thức ăn chăn nuôi đang tăng quá cao. Từ Tết Nguyên đán 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 3 lần (khoảng 10.000 đồng/bao 25 kg); trong khi đó, giá các loại gia súc, gia cầm lại không tăng. Hiện nay, tình hình tái đàn heo hầu như chững lại, do giá thức ăn liên tục tăng, nhưng giá heo hơi chững lại ở mức 54.000 - 55.000 đồng/kg. Giá thành nuôi heo hiện đã ngoài 50.000 đồng/kg, cộng thêm dịch tả heo châu Phi vẫn còn rủi ro nên người chăn nuôi có tâm lý ngại tái đàn.

2. Thực tế cho thấy, không riêng gì nuôi gia súc, gia cầm, người nuôi cá trên địa bàn tỉnh cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao. Thời điểm này, dù giá cá tra đang nằm ở mức cao, người nuôi có lãi khá, nhưng người nuôi cũng đang dè dặt với việc thả nuôi.

Bởi lẽ, thời gian qua, do đại dịch Covid-19 nên nhiều hộ “treo ao” tạm thời. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp thủy sản đẩy mạnh sản xuất trở lại, dẫn đến nguồn cung cá tra nguyên liệu bị thiếu hụt. Đây là nguyên nhân dẫn đến giá cá tra nguyên liệu tăng. Người nuôi cá lo ngại với tình hình chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay, khi thả nuôi và thời điểm xuất bán, giá sẽ không giữ được mức như hiện tại.

Theo Quản lý vùng nuôi của Công ty cổ phần Thủy sản Ngọc Xuân (huyện Châu Thành), hiện vùng nuôi tại xã Phú Túc, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) của công ty có 10 ao, với diện tích khoảng 7 ha. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên trong một thời gian dài, công ty phải tạm ngừng cho cá ăn vì lo ngại vấn đề đầu ra.

Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, công ty đã cho cá ăn lại. Hiện nay, khó khăn của công ty cũng như người nuôi cá tra là chi phí đầu vào tăng cao; trong đó, thức ăn và con giống là tăng cao nhất. Hiện giá thành nuôi cá tra khoảng 27.000 đồng/kg, chi phí cho thức ăn đã tốn khoảng 20.000 đồng. Nếu giá bán giữ mức 32.000 đồng, người nuôi có lời, nhưng đến lúc xuất bán giá không biết như thế nào.

Ghi nhận thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân tác động đến giá thành thức ăn chăn nuôi. Theo đại diện bộ phân kinh doanh Công ty cổ phần Việt Pháp Proconco, những ngày qua, giá thức ăn tăng là do nguyên liệu trên thế giới tăng. Bên cạnh đó, giá thuê container, giá xăng, dầu tăng liên tục cũng là nguyên nhân dẫn đến giá thức ăn chăn nuôi tăng. Do đó, trong đầu tháng 3, công ty đã điều chỉnh giá thức ăn tăng, khoảng 250 đồng/kg. Điều này cũng ảnh hưởng không ít đến tình hình nuôi của người dân…

Nhìn trên bức tranh tổng thể hơn, không chỉ giá thức ăn biến động theo hướng tăng, hiện nay có rất nhiều yếu tố tác động đến chi phí đầu vào, đầu ra của sản xuất nông nghiệp, chưa kể tình hình dịch bệnh và những tác nhân khác.

Xuất phát từ tình hình thực tế và dự báo xu hướng phát triển, mới đây UBND tỉnh đã phê duyệt “Đề án điều chỉnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2030”. Một trong những quan điểm được đề cập là thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; sản xuất tiết kiệm giống, phân vô cơ, nước; sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp.

Bên cạnh đó, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trên cơ sở thích ứng với biến đổi khí hậu, theo cơ chế thị trường, dựa trên các ngành hàng có lợi thế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm, phù hợp điều kiện sinh thái của từng vùng… Tiền Giang cũng đưa ra mục tiêu giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 3% - 3,5%/năm; cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 29,7% GRDP của tỉnh vào năm 2025 và từ 12,5% - 14,5% GRDP của tỉnh vào năm 2030.

Đây cũng là lúc ngành Nông nghiệp phải nhìn nhận lại, nhất là cần đổi mới tư duy trong sản xuất mới mong mang lại hiệu quả. Nhìn nhận về những vấn đề mang tính nội tại của ngành Nông nghiệp hiện nay, tại cuộc tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức gần đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhìn nhận, cách làm kinh tế nông nghiệp của chúng ta vẫn “mù mờ” đầu cung và cầu; không đi vào quỹ đạo, đôi khi giống như đi buôn chuyến nhiều hơn là hợp tác bài bản, kết nối cung - cầu. Nền kinh tế nông nghiệp “đánh cược” vào sự may rủi của thị trường.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng, ở các địa phương, hoạt động nuôi trồng hầu hết là thả nổi, nông dân tự làm. Hầu hết địa phương cũng chỉ biết trồng diện tích bao nhiêu ha. Còn các câu chuyện cụ thể hơn về mùa vụ, sản lượng, chất lượng, thị trường còn chưa chắc chắn. Tư duy sản xuất nông nghiệp của chúng ta mới chú ý tạo ra sản lượng, chưa có tư duy kinh tế. Việc tìm kiếm các thị trường còn hạn chế. Do vậy, có sự vênh nhau giữa sản xuất và thị trường. Tất cả những điều đó dẫn tới nền kinh tế nông nghiệp “đánh cược” vào sự may rủi của thị trường…

ANH PHƯƠNG - TRỌNG ĐẠT

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202204/ap-luc-de-nang-nong-dan-bai-cuoi-dung-danh-cuoc-vao-su-may-rui-947638/