BÀI CUỐI: Giải pháp nâng chất hoạt động cơ quan dân cửBÀI 1: Lắng nghe tiếng nói từ nhân dânBÀI 2: Quyết định nhiều vấn đề quan trọng

BÀI 1: Lắng nghe tiếng nói từ nhân dân

BÀI 2: Quyết định nhiều vấn đề quan trọng

Trước những yêu cầu đặt ra trong tình hình mới đòi hỏi đại biểu HĐND có giải pháp khả thi, thiết thực, nhằm phát huy tốt vai trò của cơ quan dân cử. Để nâng cao chất lượng hoạt động cơ quan dân cử, phóng viên Báo Ấp Bắc đã lược ghi nhiều giải pháp từ các đại biểu HĐND tỉnh Tiền Giang.

* ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC HĐND TỈNH TIỀN GIANG TRẦN THANH NGUYÊN:

Tham mưu Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới hoạt động của HĐND

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh trong thời gian tới, nhất là những năm còn lại trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND tỉnh sẽ tích cực tham mưu Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tổ chức, hoạt động của HĐND; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh với lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội, UBND, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các cơ quan hữu quan tổ chức tốt các Kỳ họp của HĐND tỉnh khóa X.

Đặc biệt là chỉ đạo HĐND tỉnh, cấp huyện phân tích kỹ từng hạn chế còn tồn tại để có giải pháp thiết thực hơn, sớm khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, tập trung chỉ đạo việc tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp công dân tại địa phương nơi đại biểu ứng cử; có giải pháp phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri nơi công tác và địa bàn cư trú, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo giới, lĩnh vực...

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của HĐND, đại biểu HĐND trong việc giám sát kết quả thực hiện kiến nghị cử tri và sau giám sát của HĐND các cấp; phối hợp trong rà soát, theo dõi việc triển khai, tổ chức thực hiện các nghị quyết của HĐND đảm bảo tính kịp thời, thống nhất; tổ chức giám sát, khảo sát để đánh giá kết quả triển khai, thực hiện để kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc có liên quan.

Bên cạnh đó, cần chú trọng tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi người dân đề đạt tâm tư, nguyện vọng, bày tỏ ý kiến, kiến nghị về những chủ trương, chính sách còn bất cập, nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị từ cơ sở; tiếp tục phát huy hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động HĐND tỉnh…

Đồng thời, tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND; chủ động cập nhật các quy định của Đảng và pháp luật cũng như các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp ủy Đảng và cơ quan nhà nước cấp trên để chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031…

* NGUYÊN ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC HĐND TỈNH TIỀN GIANG KHÓA IX NGUYỄN THỊ SÁNG:

Cần tranh luận, truy vấn đến cùng vấn đề được chất vấn

Để hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND đạt hiệu quả, mang tính phản biện cao và công khai, minh bạch, đại biểu HĐND cần nâng cao hơn nữa năng lực, trách nhiệm, tính tích cực trong hoạt động chất vấn, không ngừng rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng chất vấn như: Kỹ năng lựa chọn vấn đề đưa ra chất vấn, lựa chọn ngôn ngữ đối thoại trong chất vấn...

Nội dung chất vấn tại kỳ họp phải là những vấn đề có tính bức xúc, có tầm ảnh hưởng lớn, được đông đảo cử tri và đại biểu HĐND quan tâm. Bên cạnh đó, đại biểu cần nắm rõ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giải quyết của từng ngành, từng cấp để những câu hỏi chất vấn và những kiến nghị của đại biểu sát thực, đúng địa chỉ.

Tại phiên chất vấn, nếu người trả lời chất vấn, giải trình chưa rõ thì cần tranh luận, truy vấn đến cùng nhằm mục đích làm sáng tỏ vấn đề với tính xây dựng cao, tìm ra giải pháp khắc phục khả thi, hữu hiệu. Đối với việc xem xét trả lời chất vấn, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, có tính quyết định đối với hiệu quả và ý nghĩa của quyền chất vấn; Thường trực HĐND nên tổ chức tập huấn hoặc tổ chức Hội thảo chuyên đề để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa đại biểu tham gia HĐND nhiều nhiệm kỳ với các đại biểu đương nhiệm hoặc mới tham gia lần đầu, được như vậy từng bước sẽ nâng cao chất lượng hoạt động HĐND.

Bên cạnh đó, HĐND các cấp nên tiếp tục kiến nghị với Quốc hội nghiên cứu quy định các chế tài cụ thể nếu việc giải quyết và trả lời chất vấn không nghiêm túc, không đạt yêu cầu nhằm nâng chất hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đáp ứng nguyện vọng cử tri cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển…

* TRƯỞNG BAN VĂN HÓA - XÃ HỘI HĐND TỈNH TIỀN GIANG NGUYỄN THỊ TUYẾT VÂN:

Tăng cường tiếp xúc cử tri theo lĩnh vực, ngành nghề, nhóm đối tượng

Để hoạt động tiếp xúc cử tri (TXGC) đạt được chất lượng, hiệu quả, cần nghiên cứu đa dạng hóa các hình thức TXCT, tăng cường TXCT theo lĩnh vực, ngành nghề, nhóm đối tượng; nên nghiên cứu tăng số điểm TXCT, đại biểu HĐND ở mỗi đơn vị bầu cử cần chia lẻ ra để có thể mỗi đợt TXCT được nhiều điểm nhất. Đặc biệt, người đại biểu HĐND cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động TXCT, đại biểu phải lắng nghe, cởi mở, tiếp thu, giải trình ý kiến, kiến nghị của cử tri; phải cố gắng nghiên cứu nắm chắc tình hình kinh tế - xã hội, nhất là các vấn đề bức xúc của địa phương nơi TXCT, chuẩn bị các tình huống giải đáp thắc mắc của cử tri hoặc giao cho các cơ quan có trách nhiệm giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Bên cạnh đó, cần bố trí người điều hành hội nghị TXCT có năng lực tổ chức, nắm chắc nội dung, trình tự và nhiệm vụ cụ thể hội nghị đặt ra; biết xử lý tình huống linh hoạt, gợi ý thu hút nhiều cử tri phát biểu ý kiến đúng trọng tâm, trọng điểm vào nội dung chương trình đã thông qua; dẫn dắt, định hướng sự đóng góp ý kiến của cử tri đối với chủ trương, chính sách, các giải pháp hữu hiệu để tổ chức thực hiện tốt nội dung tại buổi TXCT.

Bên cạnh đó, các địa phương cần dự báo có vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực nào thì cần mời đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên môn cùng tham dự để kịp thời nắm bắt, trả lời và làm sáng tỏ những vấn đề mà cử tri kiến nghị; đồng thời, cũng phải có sự tham dự xuyên suốt của đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương để cùng với đại biểu giải đáp và giải quyết tại chỗ những vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương.

Đại biểu cần dẫn chiếu luật, nghị định, thông tư, nghị quyết… để trả lời cử tri. Nếu nhận thấy kiến nghị của cử tri hợp lý mà chưa được pháp luật điều chỉnh thì đại biểu tiếp thu và kiến nghị với cấp trên; nếu kiến nghị hợp lý mà chưa được thực hiện thì tiếp thu và chuyển kiến nghị của cử tri đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét và đôn đốc để có sự trả lời hoặc tiến độ và kết quả giải quyết. Đại biểu giải thích với cử tri về các vấn đề đã được pháp luật quy định, muốn sửa đổi phải kiến nghị với cấp có thẩm quyền. Đại biểu trả lời thẳng vào nội dung kiến nghị với thái độ cầu thị và tôn trọng người bầu mình làm đại biểu theo quy định về trách nhiệm của đại biểu dân cử.

* TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ HĐND TỈNH TIỀN GIANG KHÓA IX NGUYỄN VĂN HÙNG:

Cần quan tâm chú trọng hậu giám sát

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát trong thời gian tới, cần chú trọng chọn nội dung, đối tượng và thành phần đoàn giám sát. Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND quan tâm xem xét, cân nhắc chọn lựa nội dung giám sát phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và các điều kiện cần và đủ để đảm bảo tính khả thi của nội dung giám sát của HĐND, đặc biệt là các nội dung giám sát chuyên đề phải xuất phát từ thực tế cuộc sống, từ kiến nghị của cử tri, từ những yêu cầu bức thiết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt là cần quan tâm đến hậu giám sát. Đối với các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát mà cơ quan có thẩm quyền không thực hiện hoặc chưa tổ chức thực hiện nghiêm túc thì Thường trực HĐND cần phải chủ trì tổ chức xem xét việc thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát bằng hình thức tổ chức phiên họp.

Đối với những vấn đề kiến nghị nhiều lần mà không được thực hiện, Thường trực HĐND cân nhắc các giải pháp: Kiến nghị với cấp ủy, cơ quan quản lý cán bộ đối với người đứng đầu; đề nghị cơ quan thanh tra, kiểm tra xem xét; đề nghị HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Có như vậy thì chất lượng giám sát chắc chắn sẽ được nâng lên.

Đối với hoạt động thẩm tra, đại biểu cần phát huy vai trò, trách nhiệm, kinh nghiệm, năng lực và bản lĩnh trong hoạt động thẩm tra; phân tích, đánh giá một cách toàn diện, kết quả đạt được, những hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan của những hạn chế tồn tại, xác định những giải pháp cơ bản chủ yếu để giải quyết; những kiến nghị cụ thể đối với UBND và các cơ quan liên quan.

Đối với những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, Ban được phân công thẩm tra cần báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp để xin ý kiến xử lý. Khi cần thiết, Thường trực HĐND xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy địa phương, nhất là những vấn đề lớn, quan trọng. Sau khi phân tích tại phiên họp, các nội dung mà các cơ quan chức năng không thực hiện thì Thường trực HĐND tiếp tục đưa ra để các Ban và đại biểu HĐND tiếp tục chất vấn, đề nghị giải trình cho đến khi vấn đề được giải quyết triệt để.

Nhận diện khó khăn

Theo phân tích của nhiều đại biểu HĐND tỉnh, huyện, đại biểu HĐND chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, nên thời gian dành cho hoạt động của HĐND chưa nhiều, từ đó dẫn đến việc nghiên cứu, xem xét, đưa ra các giải pháp hiệu quả và quyết định những vấn đề quan trọng, nhất là về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, xây dựng cơ bản còn có nội dung chưa sâu, chưa nêu được các giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Còn theo đánh giá của Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang, nội dung giám sát chuyên đề hằng năm của HĐND tỉnh, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực, chưa mang tính toàn diện, bao quát được những vấn đề nổi cộm, bức xúc phát sinh mà đại biểu và cử tri quan tâm…

Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Kim Nhung cho rằng, hình thức tiếp xúc cử tri (TXCT) chưa phong phú, đa dạng, chủ yếu chỉ mới tổ chức TXCT định kỳ theo Tổ đại biểu trước và sau kỳ họp thường lệ, đa phần chưa tổ chức được TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực, nhóm đối tượng cử tri, nhóm vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.

Việc tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri một số nơi chưa rõ ràng; chất lượng giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri của UBND và các cơ quan chức năng có lúc chưa kịp thời, có những ý kiến kéo dài cử tri phải kiến nghị nhiều lần… phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác TXCT, ít nhiều ảnh hưởng đến lòng tin của cử tri với đại biểu dân cử.

THU HOÀI (lược ghi)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202404/dai-bieu-hdnd-tinh-tien-giang-bam-sat-hoi-tho-cuoc-song-bai-cuoi-giai-phap-nang-chat-hoat-dong-co-quan-dan-cu-1007568/