Bài cuối: Giải pháp nào để nông dân yên tâm sản xuất?

Cơ quan chuyên môn tăng cường công tác theo dõi, dự báo về tình hình sâu bệnh hại và hướng dẫn, hỗ trợ nông dân biện pháp xử lý; hướng dẫn nông dân sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh nhằm cải tạo đất, tạo điều kiện cho cây mía phát triển tốt, tăng khả năng đề kháng...

Cơ giới hóa trong khâu chăm sóc mía (ảnh minh họa)

Cơ giới hóa trong khâu chăm sóc mía (ảnh minh họa)

Trước những bất đồng về lợi ích kinh tế giữa người trồng mía và doanh nghiệp thu mua, Nhà nước có vai trò như thế nào và có những giải pháp cụ thể gì để giải quyết mâu thuẫn này? Bên cạnh đó, nhiều nông dân trồng mía gặp khó khăn về vốn, hiệu quả sản xuất, Nhà nước đã có chính sách, giải pháp nào hỗ trợ tháo gỡ trong thời gian qua? Những băn khoăn của người trồng mía đã được chúng tôi chuyển đến lãnh đạo ngành Nông nghiệp tỉnh.

Vai trò “trung gian” của Nhà nước trong việc mua - bán mía

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tại Tây Ninh, mía là cây trồng truyền thống. Trước đây, cây mía đã mang lại lợi nhuận tương đối cho người nông dân. Tuy nhiên, thời gian qua, tín hiệu và sự vận hành của thị trường mía đường của tỉnh cho thấy dù các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo dựng chuỗi giá trị và liên kết với nông dân, nhưng kết quả không được như mong đợi.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, giá thành sản xuất mía cao dẫn đến giá đường có khả năng cạnh tranh thấp- nhất là trong điều kiện Việt Nam thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Giá thu mua mía nguyên liệu thấp dẫn đến lợi nhuận ít, khiến nông dân không còn quan tâm nhiều đến việc phát triển vùng nguyên liệu, không muốn tập trung vào cây trồng này và đang có xu hướng chuyển đổi diện tích trồng mía sang cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, như cây ăn trái, cây mì...

Để duy trì vùng nguyên liệu mía, gần đây, tỉnh đã có chiến lược định hướng phát triển cây mía và ngành mía đường với một số mục tiêu như: giảm diện tích trồng mía không hiệu quả, tại các vùng đất không phù hợp; quy hoạch lại các vùng trồng mía có tiềm năng và tiếp tục phát triển gắn với cơ giới hóa đồng bộ.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, một trong những giải pháp trước mắt là vận động thiết lập hợp đồng thu mua chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người trồng mía, có sự tham gia của Nhà nước để bảo đảm thực hiện đúng các nội dung hợp đồng đã ký, như: thống nhất giá thu mua mía nguyên liệu; doanh nghiệp ưu tiên thu mua nhanh đối với diện tích mía đã ký kết hợp đồng nhưng gặp phải trường hợp đặc biệt trong quá trình sản xuất như mía cháy, ngập nước…

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp quan tâm đến công tác nghiên cứu giống mía mới có năng suất và chữ đường cao; thủy lợi hóa những vùng nguyên liệu mía… nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân.

Hỗ trợ người trồng mía vốn, kỹ thuật

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, về cơ chế chính sách, tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư vào chế biến, bảo quản nông sản đã ban hành như: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17.4.2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14.11.2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Ngày 28.6.2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND về việc ban hành chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025.

Ngày 17.6.2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025 và ban hành chính sách hỗ trợ trồng mới cây mía trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015. Kết quả thực hiện hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng.

Tỉnh còn quan tâm hỗ trợ nông dân về giống, các chương trình khuyến nông trên mía như: thực hiện các giải pháp đồng bộ về giống, kỹ thuật thâm canh; xây dựng một số mô hình canh tác cây mía đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao, bền vững và giới thiệu cho nông dân triển khai thực hiện.

Cơ quan chuyên môn tăng cường công tác theo dõi, dự báo về tình hình sâu bệnh hại và hướng dẫn, hỗ trợ nông dân biện pháp xử lý; hướng dẫn nông dân sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh nhằm cải tạo đất, tạo điều kiện cho cây mía phát triển tốt, tăng khả năng đề kháng...

Sẽ thanh tra, kiểm tra, giám sát việc đo chữ đường, tạp chất

Trước những băn khoăn của người trồng mía về kết quả đo chữ đường do doanh nghiệp thu mua thực hiện và công bố, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, công tác kiểm tra chữ đường được UBND tỉnh giao cho Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân tỉnh và Hội Người trồng mía thực hiện (tại Công văn số 1353/UBND-KTN ngày 3.7.2014 của UBND tỉnh Tây Ninh về việc giao nhiệm vụ giám sát chữ đường).

Theo đó, hằng năm, Sở NN&PTNT đều xây dựng kế hoạch và ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra giám sát chữ đường. Đoàn kiểm tra thực hiện một số nội dung cụ thể như: kiểm tra các thiết bị đo chữ đường của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa có được cơ quan chức năng kiểm định và hiệu chuẩn theo đúng quy định hay không; kiểm tra hồ sơ chứng nhận máy móc thiết bị sử dụng phân tích chữ đường của nhà máy có bảo đảm phù hợp với QCVN 01 - 98:2012/BNNPTNT về chất lượng mía nguyên liệu hay không; trực tiếp kiểm tra, giám sát tại khu vực khoan mẫu, ép mía, lấy nước mía đưa vào máy kiểm nghiệm chữ đường; kiểm tra quá trình đánh giá tạp chất và lấy mẫu xác định tỷ lệ xơ trong mía gửi cơ quan giám định.

Trước những bất đồng giữa nông dân trồng mía và doanh nghiệp thu mua, lãnh đạo Sở NN&PTNT đề nghị hai bên giữ hòa khí, không đổ lỗi cho nhau, cùng nghiên cứu kỹ hợp đồng, phụ lục hợp đồng, chứng từ để xem xét có thể thương thảo theo hướng hai bên cùng có lợi.

Cơ giới hóa trong khâu chăm sóc mía (ảnh minh họa)

Cơ giới hóa trong khâu chăm sóc mía (ảnh minh họa)

Sở NN&PTNT nêu một số gợi ý: Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa xem xét lại tính pháp lý khi ký các hợp đồng mới mà có nội dung sửa đổi về giá, tạp chất, chữ đường đã nêu tại hợp đồng gốc. Do đây là hợp đồng mẫu công ty đưa ra, nông dân chỉ ký hoặc không ký chứ không được thỏa thuận, thương lượng về các điều khoản trong hợp đồng. Khi công ty đơn phương điều chỉnh hợp đồng theo hướng bất lợi cho nông dân, cần bảo đảm quyền lợi của họ vì họ là bên yếu thế hơn trong quan hệ hợp đồng này.

Trong tình hình hoạt động của ngành mía đường đang ngày càng khả quan, công ty có thể xem xét hỗ trợ phần nào đối với những nông dân đã chịu lỗ 3 năm liên tiếp, đặc biệt đối với những nông dân đến nay vẫn còn gắn bó với công ty thì nên xem xét, có giá thu mua cao hơn để chia sẻ với họ; hoặc công ty có nhiều giải pháp khác để hỗ trợ.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT đề nghị phía Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa tổ chức đối thoại, thương thảo ở cấp cao hơn nhằm hỗ trợ tốt nhất cho nông dân trên cơ sở hợp đồng gốc và các văn bản pháp luật về dân sự. Trong mùa vụ sắp tới, dự thảo hợp đồng cần thêm nội dung công ty không được tự ý thêm bớt nội dung hợp đồng theo hướng bất lợi cho nông dân và quy định rõ việc xử lý trong các trường hợp bất khả kháng, rủi ro.

“Nông dân và doanh nghiệp là hai chủ thể gắn bó mật thiết, không thể thiếu nhau nên trong lúc khó khăn, cần chia sẻ. Sở NN&PTNT mong hai bên thỏa thuận được với nhau, hiểu nhau, cùng hợp tác phát triển ngành mía đường, góp phần bảo đảm an ninh thực phẩm. Về vấn đề chữ đường, tạp chất, Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm tính minh bạch”- lãnh đạo Sở NN&PTNT chia sẻ.

Bảo Tâm - Nguyên An

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-cuoi-giai-phap-nao-de-nong-dan-yen-tam-san-xuat-a139089.html