Bài cuối: Giữ cho vùng sông nước mãi trù phú

Để không còn cảnh 'ngóng trời làm nông', thời gian qua, Chính phủ, ngành Nông nghiệp và chính quyền các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã có những giải pháp cho cả trước mắt và lâu dài. Ngay thời điểm này, bên cạnh những chuyến tàu chở nước ngọt để giúp cuộc sống người dân được ổn định, những giải pháp lâu dài hơn như xoay trục trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng đã được hoạch định... Tất cả nhằm giữ cho vùng sông nước này luôn ở thế chủ động, để mãi trù phú, tốt tươi...

Các cán bộ chiến sĩ hải quân bơm nước ngọt từ tàu lên các dụng cụ, phương tiện đường bộ cung cấp cho bà con các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Đức Lợi

Những giọt nước nghĩa tình

Sáng 18-3, vùng biển Cần Giờ đầy nắng, lộng gió. Những con sóng ào xô từng lớp, đập thân tàu 935, tung bọt trắng xóa. Đây là chuyến tàu thứ 5 thuộc Hải đội 811, Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân chở 200m3 nước ngọt, tiếp tế cho đồng bào tỉnh Bến Tre, đang chịu hạn mặn gay gắt. Sau gần 2 ngày hải trình, đến cửa sông Hàm Luông, tàu 935 hội quân với tàu 936 (Hải đội 9, Học viện Hải quân). Đây là con tàu chuyên chở nước trọng tải lớn của Quân chủng Hải quân, dung tích 1.000m3 nước ngọt. Tàu 936 sẽ nằm ngoài cửa sông, như một kho nước nổi, tiếp tế từng chuyến để tàu 935 nhỏ hơn, vào sâu hơn, cùng tàu 937 (Hải đoàn 127, Quân cảng Sài Gòn), tiếp nước ngọt cho bà con xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam.

Đại úy Nguyễn Văn Thương, Thuyền trưởng tàu 935 cho biết, từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, tàu của Lữ đoàn 125 đã chở bốn chuyến nước ngọt phục vụ miễn phí cho người dân các huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú, Châu Thành trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt. Theo Đại úy Thương, trong thời gian tới, tàu 935 của Lữ đoàn 125 sẽ tiếp tục chở nước ngọt phục vụ người dân ở tất cả huyện còn lại của Bến Tre như: Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách, Giồng Trôm…

Trước đó, ngày 9-3, tàu 935 cũng đã vượt sóng gió, chuyên chở 250m3 nước ngọt đến với người dân thành phố Bến Tre và huyện Châu Thành. Ra cầu cảng nhận những lít nước ngọt quý giá, ông Tà Văn Giang, ngụ tại xã Tường Đa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre xúc động: “Hải quân mang đến nước ngọt, lại tặng dân cả bồn chứa nước giữa lúc khô hạn thế này, tôi không biết nói gì ngoài lời cảm ơn các anh và chính quyền…”. Đại tá Đinh Văn Thắng, Phó Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cho biết, trong mùa khô năm nay, Vùng 2 Hải quân sẽ tổ chức 12 chuyến tàu chở nước ngọt cho bà con các địa phương của tỉnh Bến Tre, góp phần cùng bà con ứng phó với hạn mặn.

Từ những giọt nước nghĩa tình, tinh thần sẻ chia, nhân ái đã được lan tỏa trong cộng đồng. Giữa cái nắng như nung của mùa khô miền Tây, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng mang đến 650 bồn chứa nước, dung tích 1m3/bồn đến với bà con vùng hạn mặn tỉnh Bạc Liêu. Tại Tiền Giang, từ 12h đến 24h mỗi ngày, thầy giáo Đoàn Trung Hiếu, giáo viên Trường Trung cấp Gò Công cùng em trai là anh Đoàn Trung Hậu chở miễn phí hàng chục nghìn lít nước ngọt cho đồng bào ở xã Tân Phước. Ở thành phố Mỹ Tho, anh Hiếu, chủ doanh nghiệp Tân Ánh Dương đã tập hợp 10 người chở nước ngọt, cung cấp miễn phí cho bà con các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang vào thứ năm và chủ nhật hằng tuần. Hỏi chuyện, nhưng các anh từ chối chia sẻ vì “chuyện bình thường, có gì to tát đâu…” khiến phóng viên chúng tôi thực sự cảm phục trong lòng...

Xoay trục trong sản xuất nông nghiệp

Không thể đong đếm những thiệt hại do hạn, mặn gây ra, song bên cạnh những địa phương đang chịu thiệt hại nặng nề, một số địa phương vẫn hạn chế được ảnh hưởng do đã rút ra bài học kinh nghiệm từ mùa hạn mặn khốc liệt năm 2015-2016...

Tại tỉnh Kiên Giang, theo báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên địa bàn toàn tỉnh hiện đã thu hoạch được 156.825ha vụ lúa đông xuân, năng suất bình quân ước đạt 7,29 tấn/ha, sản lượng ước đạt hơn 1,1 triệu tấn lúa hàng hóa. Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang) chia sẻ, nhờ kịp thời cập nhật tình hình dự báo, ngay từ cuối năm 2019, tỉnh đã triển khai công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2019-2020. Trong đó, đối với sản xuất nông nghiệp, tỉnh xác định vùng bị ảnh hưởng nặng là ven biển từ thành phố Rạch Giá đến Hà Tiên, vùng ven sông Cái Lớn, Cái Bé và các huyện vùng U Minh Thượng. Từ đó, Chi cục Thủy lợi đã đắp 197 đập để ngăn mặn, giữ ngọt với tổng kinh phí gần 52 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương vùng ảnh hưởng mặn đã gia cố, đắp mới đập thời vụ để tăng cường bảo vệ lúa đông xuân 2019-2020 và tiếp tục phòng chống hạn, mặn cho vụ hè thu 2020, trong đó có 3 đập bằng cừ thép Larsen ngăn các cửa sông lớn từ biển vào.

Theo ông Nguyễn Huỳnh Trung, năm nay sẽ xảy ra hạn mặn gay gắt, thiếu nước tưới vào cuối vụ nên khung thời vụ gieo sạ lúa đã được đẩy lên sớm nhất có thể. Theo đó, toàn tỉnh gieo sạ được 289.051/290.000ha lúa đông xuân theo kế hoạch. Trong đó, khoảng 15.000ha ở các huyện vùng U Minh Thượng, nơi lệ thuộc chủ yếu nguồn nước trời, được gieo sạ sớm nhất. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh đã thu hoạch được 156.825ha lúa đông xuân, năng suất bình quân ước đạt 7,29 tấn/ha, sản lượng ước đạt hơn 1,1 triệu tấn lúa hàng hóa.

Trong khi đó, để tăng tính chủ động trước sự thay đổi của thời tiết, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Dragon), Đại học Cần Thơ cho rằng, xét về tổng lượng thì nước sông và nước mưa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long rất dồi dào. Tuy nhiên, vì lượng nước này lại vào đồng bằng trong một thời gian ngắn và dư thừa, nên lâu nay chúng ta phải tìm mọi cách để thoát hết ra biển.

“Giờ đây, cần phải có chiến lược để tích trữ nguồn nước này, nhất là vào gần cuối mùa lũ, khi mà mực nước lũ đã giảm nhưng chất lượng nước tốt nhất để có thể dùng vào mùa khô. Đối với sản xuất nông nghiệp, nên ưu tiên các mô hình canh tác tiết kiệm nước, giảm vụ lúa vào mùa khô, chuyển sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nhưng sử dụng ít nước hơn”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hiếu Trung nhận định.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp, Bộ đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các bộ, ngành liên quan lập “Quy hoạch tổng thể vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Trong quy hoạch này sẽ đưa ra tất cả những cảnh báo, giải quyết bài toán về mặn, ngọt. Đối với sản xuất nông nghiệp sẽ xoay trục từ cơ cấu sản xuất là lúa - trái cây - thủy sản, sau năm 2020 là thủy sản - trái cây - lúa. Như vậy, lúa sẽ giảm, tăng trái cây, đặc biệt là thủy sản.

“Muốn xoay được trục này phải tận dụng được cơ hội, xác định nước ngọt, nước lợ, nước mặn đều là tài nguyên. Cùng với đó, hạ tầng nông nghiệp phải phục vụ được nhiệm vụ này. Nếu thủy lợi không phục vụ được thì không làm được vì hạ tầng quyết định tái cơ cấu”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh khi nói về các giải pháp mang tính lâu dài giúp người dân có thể ứng phó với hạn, mặn như hiện nay.

Minh Điền - Hà Phạm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phong-su-ky-su/962157/bai-cuoi-giu-cho-vung-song-nuoc-mai-tru-phu