Bài cuối: Gỡ khó để phát huy tối đa hiệu quả chính sách

Trong 8 chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa theo Nghị quyết số 37 của Quốc hội, vẫn còn 3 chính sách hiện chưa thể áp dụng trong thực tiễn, gồm: chính sách về mức dư nợ vay; chính sách về phí và lệ phí; chính sách thu từ xử lý nhà, đất. Chưa kể, các chính sách đang được áp dụng cũng bộc lộ vướng mắc, khó khăn nên chưa phát huy hiệu quả như kỳ vọng... đòi hỏi cần sớm sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện nghị quyết.

Bài 1: “Lực đẩy” phát triển kinh tế

08/10/2024 06:39

Bãi bỏ những chính sách chưa phù hợp

Nghị quyết số 37/2021/QH15 được Quốc hội ban hành và tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện trong bối cảnh đặc biệt. Từ năm 2021 đến nay, tình hình thế giới biến động phức tạp, khó lường. Ở trong nước và trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ do bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến cho sức chống chịu của các doanh nghiệp bị bào mòn. Bên cạnh đó, các chính sách trong Nghị quyết số 37 chưa có trong quy định của pháp luật, lại được thực hiện lần đầu nên cần phải ban hành bổ sung các nghị định hướng dẫn mới có cơ sở triển khai. Đây là những nguyên nhân khách quan khiến cho tiến độ thực hiện một số chính sách còn chậm, chưa phát huy hiệu quả tối đa.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, kiểm tra tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm tại Thanh Hóa (tháng 6.2024). Ảnh: Minh Hiếu

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, kiểm tra tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm tại Thanh Hóa (tháng 6.2024). Ảnh: Minh Hiếu

Tại phiên họp Thường kỳ UBND tỉnh tháng 7.2024, cho ý kiến vào nội dung báo cáo sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn khẳng định: Nghị quyết số 37 quy định những chính sách đặc thù rất thiết thực để tạo “lực đẩy” phát triển kinh tế cho Thanh Hóa, song quá trình triển khai phải cân nhắc để lựa chọn được cơ chế và lĩnh vực riêng, phù hợp. Đồng thời, một mặt tận dụng tối đa dư địa chính sách, mặt khác cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ đối với những chính sách chưa phù hợp, khó triển khai và không mang lại hiệu quả thực sự.

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi, bãi bỏ, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phù hợp với tình hình và yêu cầu mới. Điển hình, đối với chính sách để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn, thay vì quy định “không quá 70% số tăng thu”, tỉnh Thanh Hóa đề xuất sửa đổi thành “70% số tăng thu”; đồng thời, bỏ điều kiện được hưởng chính sách “nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với số thu thực hiện năm trước”. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh được bổ sung nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hiện thực hóa quy hoạch chung mở rộng Khu kinh tế Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Quốc hội bãi bỏ chính sách về mức dư nợ vay quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 37. Bởi, các hình thức vay vốn của chính quyền địa phương theo quy định đều phải trả nợ gốc, trả lãi với lãi suất tương đối cao và phải chịu những điều kiện ràng buộc khác nhau theo quy định của tổ chức cho vay vốn. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh còn khó khăn, chưa đủ khả năng tự cân đối để thực hiện việc trả nợ vay khi thực hiện chính sách, nên sẽ khó phát huy hiệu quả trên địa bàn.

Đề xuất bổ sung một số chính sách đặc thù mới

Quá trình triển khai Nghị quyết số 37, căn cứ tình hình địa phương, tỉnh đề xuất Quốc hội bổ sung chính sách cho phép tỉnh Thanh Hóa được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện miền núi Thanh Hóa. HĐND tỉnh Thanh Hóa quyết định danh mục các dự án quy định tại chính sách này. Chính sách này sẽ tạo sự chủ động cho tỉnh trong việc cân đối, lập kế hoạch bố trí nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện các dự án lớn, trọng điểm của địa phương.

Thanh Hóa cũng đề xuất, giữa các kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C quy định tại Luật Đầu tư công và báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp gần nhất. Trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án quy định tại khoản này được thực hiện như trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Bởi thực tiễn, các dự án đầu tư công trên địa bàn chủ yếu là các dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C. Quá trình triển khai thực hiện dự án, xuất hiện các yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn hoặc phát sinh một số nguyên nhân bất khả kháng làm thay đổi mục tiêu, quy mô đầu tư, chi phí và thời gian thực hiện dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án mới có cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện.

Qua theo dõi tình hình thực hiện các dự án đầu tư công, GPMB là một trong những vướng mắc chính ảnh hưởng đến tiến độ dự án, dẫn đến tăng chi phí, đội vốn, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Hiện nay, việc tách riêng bồi thường hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đã được quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019, nhưng mới chỉ cho phép áp dụng đối với dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A; đối với dự án đầu tư công còn lại, Quốc hội mới cho phép thí điểm tách công tác GPMB thành dự án độc lập đối với dự án nhóm B thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi của tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Nghệ An. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung chính sách tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB ra khỏi dự án đầu tư công để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa mong muốn, Quốc hội xem xét, đánh giá kết quả từ thực tiễn để kịp thời, sửa đổi, bổ sung các chính sách đặc thù phù hợp để tạo ra động lực mới, góp phần đưa xứ Thanh vươn mình cùng dân tộc.

Đào Cảnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-cuoi-go-kho-de-phat-huy-toi-da-hieu-qua-chinh-sach-post392717.html