Bài cuối: Hóa giải thách thức, giúp doanh nghiệp Hà Tĩnh 'đón sóng' đầu tư mới
Năm 2024, dù khó khăn còn hiện hữu nhưng cơ hội mới cũng mở ra trên chặng đường Hà Tĩnh tăng tốc thực hiện các mục tiêu chiến lược của giai đoạn 2021-2025 cũng như những năm tiếp theo. Doanh nghiệp cần tiếp tục được trợ lực mạnh mẽ hơn để sớm phục hồi, cần được tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để bứt phá, đổi mới và phát triển bền vững.
Năm 2024, dù khó khăn còn hiện hữu nhưng cơ hội mới cũng mở ra trên chặng đường Hà Tĩnh tăng tốc thực hiện các mục tiêu chiến lược của giai đoạn 2021-2025 cũng như những năm tiếp theo. Doanh nghiệp cần tiếp tục được trợ lực mạnh mẽ hơn để sớm phục hồi, cần được tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để bứt phá, đổi mới và phát triển bền vững.
Từ đầu năm 2024, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách trợ lực, giúp doanh nghiệp (DN) nâng cao khả năng chống chịu. Tại Hà Tĩnh, những tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo tiếp tục thực hiện các chính sách gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí như: thu nhập DN, thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng, nhập khẩu và tiền thuê đất; đồng thời giảm lãi suất, hướng đầu tư tín dụng vào các ngành sản xuất, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn đối với người dân và DN.
Theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thời gian tới, bên cạnh tiếp tục hạ lãi suất, tăng cường kết nối ngân hàng - DN, các tổ chức tín dụng tập trung triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng như: chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31 năm 2022 của Chính phủ, chính sách hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn theo Nghị quyết số 51 năm 2021 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh, Thông tư số 02 năm 2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm sản - thủy sản.
Cùng với triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách trợ lực trước mắt, theo ý kiến của nhiều chủ DN, cần giải quyết những khó khăn “gốc rễ” như: thị trường, cơ chế, thủ tục đầu tư, tài chính. Nêu các đề xuất tạo môi trường cho DN phát triển, ông Phan Xuân Hồng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, Chủ tịch Hội DN thị xã Kỳ Anh cho rằng: “DN hoạt động tốt hơn khi có các điều kiện cần thiết, đó là môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng; cơ chế thông thoáng; các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư được rút ngắn để giảm thiểu chi phí thời gian. Đặc biệt, các cấp, ngành cần quyết liệt hơn trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ”.
Để tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, theo ông Trần Nguyễn Huỳnh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển DN và Xúc tiến đầu tư tỉnh, cần tiếp tục có các giải pháp đồng bộ trong cải thiện chỉ số PCI của tỉnh, đặc biệt là các giải pháp trước mắt và chiến lược để cải thiện các chỉ số thành phần và các chỉ tiêu thấp. Trong đó, các cấp, ngành tiếp tục cải thiện tính năng động, sáng tạo và trách nhiệm của người đứng đầu cũng như cải thiện mối quan hệ phối hợp giữa các sở, ngành trong việc giải quyết nhanh, đúng các khó khăn, vướng mắc cho DN. Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách giao đất đầu tư hợp lý, tạo quỹ đất sạch cho các DN đầu tư; nâng cao việc tiếp cận các yếu tố hỗ trợ hoạt động kinh doanh cho các DN…
Môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và các chính sách hỗ trợ, đồng hành hấp dẫn cũng là yếu tố vô cùng quan trọng để “trải thảm đỏ” thu hút các DN, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đầu tư các dự án vào địa bàn, từ đó, tạo động lực và cơ hội SXKD mới cho DN nội tỉnh. Bởi vậy, cần phát huy hơn nữa vai trò của các cấp, ngành, các tổ công tác để lắng nghe và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn.
Ông Lê Hữu Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Toàn cầu Hồng Lĩnh chia sẻ: “Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và Xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh (tháng 5/2023), công ty đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với lãnh đạo tỉnh dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cổng Khánh 3 tại phường Đậu Liêu (TX Hồng Lĩnh). Đến nay, dự án vẫn đang thực hiện các thủ tục để trình chấp thuận chủ trương. Ngoài ra, tới đây công ty đang dự định đầu tư 2 dự án về lĩnh vực thương mại và giáo dục vào địa bàn Hà Tĩnh. Chúng tôi đề xuất lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành nỗ lực hơn, gỡ vướng các vấn đề về thủ tục, quy định chồng chéo, sớm hoàn thành điều chỉnh quy hoạch phân khu, hoàn thiện thủ tục để dự án được chấp thuận đầu tư cho DN triển khai thực hiện. Đồng thời, các cấp, ngành cần quyết liệt hơn trong việc thu hồi các dự án đối với nhà đầu tư chậm triển khai để tạo điều kiện cho các DN khác; tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch, có các chính sách hấp dẫn thu hút nhà đầu tư vào địa bàn”.
Nghị quyết số 08 của BCH Đảng bộ tỉnh ban hành ngày 22/11/2021 về việc đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động DN đến năm 2025 và những năm tiếp theo xác định những mục tiêu trọng tâm: Hỗ trợ DN thích ứng với tình hình mới, chia sẻ nhanh chóng phục hồi, ổn định và phát triển SXKD; phát triển DN cả về số lượng và chất lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, ổn định đối với các loại hình DN; nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế… Kế hoạch của Hà Tĩnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới xác định, phấn đấu ngày càng có nhiều DN có quy mô lớn, vươn tầm quốc gia, khu vực. Lộ trình phát triển về số lượng, chất lượng DN tỉnh nhà đã được hoạch định cụ thể: Mỗi năm thành lập mới trên 1.000 DN hoạt động hiệu quả, đến năm 2025 toàn tỉnh có trên 15.000 DN, đến năm 2030 có 20.000 DN; khu vực DN đóng góp khoảng 65-70% GRDP của tỉnh, khoảng 70-75% tổng thu ngân sách nội địa và tổng vốn đầu tư từ khu vực DN chiếm từ 65-70% tổng vốn đầu tư trên địa bàn.
Thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về đổi mới, phát triển DN trong bối cảnh hiện nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà nhấn mạnh: “Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tối đa cho các DN phát triển, coi việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách để cụ thể hóa các nội dung liên quan đến Nghị quyết số 41, Nghị quyết số 08. Khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, thuận lợi, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế; đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm dựa trên các tiêu chí công khai, minh bạch. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cơ chế liên thông, giảm đầu mối. Mặt khác, chủ động chuẩn bị các nguồn lực cần thiết hỗ trợ DN; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Hỗ trợ DN có trọng tâm, trọng điểm, đón đầu các xu hướng kinh doanh; phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên kinh tế số, kinh tế xanh; thúc đẩy hình thành các DN có khả năng dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực tiềm năng, tạo động lực tăng trưởng mới và thực hiện các mục tiêu bền vững cho kinh tế tỉnh”.
Năm 2023, Hà Tĩnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách mới trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo như đẩy mạnh xuất khẩu gắn với phát triển dịch vụ logistics; hỗ trợ thành lập hộ kinh doanh và DN; hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa. Hiện các cấp, ngành, địa phương đang tập trung triển khai, cụ thể hóa các nội dung hỗ trợ, giúp DN nâng cao năng lực hấp thụ chính sách, tạo cú hích mạnh mẽ trong SXKD.
Ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Trên cơ sở thúc đẩy phát triển đối với các sản phẩm công nghiệp chủ lực hiện nay của tỉnh, các cấp, ngành cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp, các ngành trọng điểm theo định hướng của Quy hoạch tỉnh như công nghiệp ô tô, hậu thép, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo, sản xuất điện, năng lượng tái tạo… nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, qua đó đóng góp vào phát triển kinh tế tỉnh”.
Tín hiệu vui trong phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này đó là Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Bắc Thạch Hà (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư hơn 1.555 tỷ đồng của Công ty CP Phát triển đô thị và KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) đã cơ bản hoàn thành GPMB để chính thức khởi công trong tháng 4/2024, từ đây sẽ thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của tỉnh, mang đến nhiều cơ hội mới cho DN nội tỉnh.
Quyết tâm cao để thực hiện mục tiêu: đến năm 2030 trở thành tỉnh khá, nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất cả nước, trên cơ sở Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tiếp tục phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế; hoàn thiện hệ thống các quy hoạch và cơ chế, chính sách; đẩy mạnh liên kết vùng; tích cực chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Năm 2024 là thời điểm tăng tốc thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế với mục tiêu GRDP đạt 8-8,5%. Hiện nay, nhiều giải pháp đang được các cấp, ngành, địa phương tiếp tục triển khai, trong đó có việc sớm rà soát lại các vướng mắc, khó khăn của các DN và có kế hoạch xử lý kịp thời, hiệu quả, đồng thời huy động cả hệ thống chính trị đồng hành, hỗ trợ DN phát triển bền vững.
Cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành và điểm tựa từ Hiệp hội DN các cấp, sự thích nghi, chuyển mình của DN là yếu tố hết sức quan trọng. Ông Phan Thành Biển - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng: “Để phục hồi và phát triển mạnh mẽ, bản thân các DN cần phải nắm bắt cơ hội để tổ chức SXKD có hiệu quả, đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và mở rộng đầu tư. Quan tâm đến người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Đồng thời, phải tăng cường liên kết giữa các DN để nâng tầm hoạt động, kết nối được với các tập đoàn, các dự án đầu tư lớn đã và đang triển khai trên địa bàn”.
Một trong những dẫn chứng về sự vận động của DN để thích ứng với bối cảnh khó khăn đó là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải (huyện Thạch Hà) đã linh hoạt chiến lược sản xuất trên cơ sở phát huy điểm mạnh của mình. Ông Phạm Kiều Hưng - Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh cho biết: “Tập trung vào thế mạnh sản xuất các loại vật liệu xây dựng, phù hợp với xu hướng thị trường, hiện đơn vị dự định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn công nghệ cao tại huyện Nghi Xuân, cung cấp sản phẩm xuất khẩu sang một số thị trường ở châu Á.
Ngoài ra, triển khai dự án sản xuất xi măng mang thương hiệu Viết Hải, đồng thời tăng công suất các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động trên địa bàn”. Hay như tại Công ty CP Vinatex Hồng Lĩnh, trước tình hình đơn hàng trong các tháng đầu năm 2023 giảm tới 30% so với cùng kỳ năm 2022, đến hết tháng 9/2023, lỗ lũy kế của công ty đã hơn 30 tỷ đồng; thay vì thu hẹp sản xuất hay ngừng kinh doanh để cắt lỗ, DN vẫn nỗ lực tối ưu hóa hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm, bám sát thị trường, có các chính sách linh hoạt, kịp thời, từng bước vượt qua thời điểm khó khăn.
Sức mạnh nội sinh của DN cần tiếp tục được khơi dậy mạnh mẽ, cùng sự tâm huyết, quyết liệt, hiệu quả trong hành động của cả hệ thống chính trị với phương châm “Lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực” sẽ giúp Hà Tĩnh xây dựng cộng đồng DN đoàn kết, đổi mới, phát triển, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu của nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
BÀI, ẢNH: NHÓM P.V KINH TẾ
THIẾT KẾ: HUY TÙNG