Bài cuối: Hướng tới đầu tư đồng bộ, bền vững

Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy Hà Nội về 'Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025', UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa hiện có tại khu vực các quận nội thành. Theo đó, qua rà soát, các công viên, vườn hoa sẽ được cải tạo, nâng cấp, sửa chữa theo mức độ khác nhau để duy trì ổn định cảnh quan, đồng bộ phục vụ nhân dân.

Hồ Hoàn Kiếm sau khi được cải tạo, chỉnh trang được người dân và các chuyên gia đánh giá cao.

Hồ Hoàn Kiếm sau khi được cải tạo, chỉnh trang được người dân và các chuyên gia đánh giá cao.

Tập trung cải tạo tổng thể 13 công viên, vườn hoa

Thông tin về kế hoạch nâng cấp, cải tạo các công viên, vườn hoa giai đoạn 2021-2025, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sẽ có 13 công viên, vườn hoa được ưu tiên cải tạo nâng cấp mức độ 1 (cải tạo, nâng cấp đồng bộ, tổng thể kiến trúc cảnh quan).

Theo đó, 3 công viên (Bách Thảo, Thủ Lệ, Thống Nhất) được ưu tiên thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các khu vực chính và khu vực xuống cấp, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan theo quy hoạch, gồm thiết kế tổ chức mặt bằng, đường dạo, tiểu cảnh, cơ sở vật chất đồng bộ; kế thừa hạng mục mới được đầu tư sửa chữa, trồng bổ sung cây hoa, cây cảnh; nâng cấp, sửa chữa, bổ sung hệ thống chiếu sáng, nhà vệ sinh, ghế ngồi, thùng rác, hệ thống thoát nước, bể phun nước...

10 vườn hoa (Bà Kiệu, Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cổ Tân, Bác Cổ, Tao Đàn, Ngô Quyền, 19-8, Cửa Nam, Phùng Hưng) được ưu tiên cải tạo, nâng cấp tổng thể kiến trúc cảnh quan, trong đó, nghiên cứu thiết kế tổ chức mặt bằng, đường dạo, tiểu cảnh hài hòa với kiến trúc, tượng đài, cảnh quan vườn hoa; trồng tăng cường cây hoa, cây cảnh, chiếu sáng, vật kiến trúc, ghế ngồi, thùng rác...

Ngoài ra, có 10 công viên (Linh Đàm, Bắc Linh Đàm, bán đảo Linh Đàm, Ba Mẫu, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Đền Lừ, Indira Gandhi, Nguyễn Trãi, Hòa Bình) và 22 vườn hoa có vị trí ít quan trọng hơn, hoặc có chất lượng hệ thống hạ tầng kỹ thuật xuống cấp cục bộ, chỉ thực hiện cải tạo, sửa chữa mức độ cơ bản trên cơ sở giữ nguyên hình thức kiến trúc cảnh quan. Trong đó, chủ yếu là lát và bó vỉa lại hệ thống đường dạo, bồn hoa; trồng bổ sung cây hoa, cây cảnh, sửa chữa hệ thống chiếu sáng, cấp thoát nước, nhà vệ sinh, bổ sung, thay thế ghế ngồi, thùng rác...

"Nguồn vốn cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa là vốn đầu tư từ ngân sách thành phố và ngân sách quận", ông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.

Khẩn trương triển khai thực hiện

Hiện, các đơn vị quản lý, vận hành công viên, vườn hoa đang bắt tay triển khai kế hoạch này. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên Thống Nhất Ma Kiên Hán, đơn vị đang phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa - xã hội thành phố Hà Nội hoàn thiện quy hoạch chi tiết để trình thành phố phê duyệt, chuẩn bị đầu tư trong năm 2022-2023 và hoàn thành đầu tư, cải tạo trong thời gian 2024-2025. Đồng thời, đơn vị cũng phối hợp với UBND quận Hai Bà Trưng quy hoạch tuyến phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang kết nối với công viên Thống Nhất.

"Theo định hướng quy hoạch, công viên Thống Nhất hoạt động theo hướng công viên mở, miễn phí vào cổng để mọi người đều dễ dàng tiếp cận; thí điểm các mô hình dịch vụ tiện ích, phục vụ khách tham quan, làm mới khu đọc sách, nâng cấp nhà thuyền; nghiên cứu tổ chức các hội chợ giới thiệu sản phẩm, triển khai các ki ốt bán hàng tự động... ", ông Ma Kiên Hán cho hay.

Về phía các địa phương, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, ngày 25-1-2022, quận đã ban hành kế hoạch cải tạo, nâng cấp các công viên, vườn hoa thuộc phân cấp quản lý của quận giai đoạn 2021-2025, gồm 1 công viên (Indira Gandhi) và 7 vườn hoa theo danh mục kế hoạch của thành phố. Theo đó, quận giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, UBND các phường là chủ đầu tư dự án, triển khai các bước theo lộ trình, bảo đảm phù hợp nguồn lực của quận. Trong đó, năm 2022, chuẩn bị đầu tư cải tạo 2 vườn hoa: Vạn Xuân, Lê Trực, dự kiến hoàn thành năm 2022-2023. Ngoài ra, theo hiện trạng, đất cây xanh đô thị trên địa bàn quận mới có 40,51ha, tương ứng 1,71m2/người, chưa đạt so với quy chuẩn là 3,5m2/người. Do đó, quận đang rà soát quy hoạch để lập dự án đầu tư xây dựng mới các vườn hoa: Khu vực ao Út Tu, Bãi Mả - Voi Phục, Quần Ngựa - Liễu Giai... Các dự án này sẽ giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng trong năm 2024.

Tại quận Hoàn Kiếm, trên cơ sở kết quả cải tạo, nâng cấp một số vườn hoa giai đoạn 2019-2021, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Trịnh Hoàng Tùng cho hay, dự kiến trong năm 2022, quận sẽ cải tạo, nâng cấp tổng thể kiến trúc cảnh quan các vườn hoa: Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Tao Đàn, Cửa Nam, góp phần tạo cảnh quan khu vực, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Dạ Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1027374/bai-cuoi-huong-toi-dau-tu-dong-bo-ben-vung