Bài cuối: Huy động nội lực, đánh thức tiềm năng
Phát triển du lịch cộng đồng sẽ thu hút được nội lực của Nhân dân, khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng nông thôn mới (NTM), từ đó góp phần nâng cao mức sống, chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn. Hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh Lai Châu đã ban hành đề án và từng bước chỉ đạo triển khai sâu rộng trên địa bàn.
>>> Bài 2: Nhiều điểm đến hấp dẫn
>>> Bài 1: Ngày mới ở vùng biên
Hai yếu tố then chốt
Để phát triển được mô hình du lịch cộng đồng, nhiều cơ quan quản lý, cán bộ thôn bản đồng tình rằng, rất cần sự đồng thuận của người dân và vốn đầu tư. Đây được xem là hai yếu tố then chốt. Phó Chủ tịch UBND xã Mường So (huyện Phong Thổ) Bùi Quang Lịch cho biết, trên địa bàn có đền thờ Nàng Han là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Hiện, địa phương đang đầu tư 4 tỷ đồng để nâng cấp di tích này (trong đó có 1 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa). “Vừa qua, UBND tỉnh đã phân bổ gần 1,5 tỷ đồng để địa phương tiếp tục phát triển du lịch tại bản Vàng Pheo. Chúng tôi đang tích cực triển khai các bước đầu tư chỉnh trang cảnh quan, môi trường nơi đây” - ông Lịch thông tin thêm.
Trong khi đó, huyện Tam Đường đã xây dựng Đề án và tập trung kêu gọi nhà đầu tư vào phát triển du lịch cộng đồng. Bước đầu đã có một DN tham gia đầu tư phát triển khu du lịch rộng 150ha tại bản Thẳm (xã Bản Hon). Ngoài ra, Tập đoàn Sun Group cũng đã thỏa thuận về việc đầu tư khai thác tại thác Tác Tình ở thị trấn Tam Đường… Để khuyến khích sự tham gia của các hộ dân trên địa bàn, xã Bản Hon đã ban hành nghị quyết riêng về phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc Lự. Chủ tịch UBND xã Bản Hon Nguyễn Văn Tưởng cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân có định hướng, nhu cầu phát triển các dịch vụ du lịch; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của bản làng…
Trong khi đó, Bí thư Đảng ủy xã Khun Hạ (huyện Tam Đường) Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, người dân bao giờ cũng phải thấy thực tế rồi mới làm theo. Do đó, thời gian qua, huyện đã tổ chức cho người dân các xã, thị trấn, làng, bản đi tham quan các bản đã thành công trong phát triển du lịch để người dân thấm nhuần. “Huyện Tam Đường cũng đang tạo điều kiện bằng cách: Gia đình nào muốn làm du lịch nhưng thiếu vốn thì sẽ được cho vay…” - ông Tùng cho biết.
Phát huy nội lực, tạo thương hiệu du lịch riêng
Cụ thể hóa mục tiêu xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch cộng đồng, ngày 14/1/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đã ký, ban hành Quyết định số 30/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng NTM gắn với du lịch nông thôn tại một số bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2020 - 2025. Theo Đề án, tỉnh sẽ hỗ trợ 11 bản thuộc 11 xã của 8 huyện tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước nâng cao các tiêu chí NTM, gắn với mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng. Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 40 tỷ đồng.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án, tiến tới nhân rộng mô hình bản làng du lịch trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, cần phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM gắn với du lịch cộng đồng. Đồng thời huy động được sự vào cuộc của các cấp, ban ngành, tổ chức, DN cùng toàn hệ thống chính trị tại địa phương. Chú trọng tuyên tuyền về lợi ích của người dân, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Lấy lợi ích của cộng đồng dân cư và văn hóa đặc trưng từng vùng miền làm nền tảng và thế mạnh để tạo sự khác biệt, thương hiệu riêng cho du lịch nông thôn tại địa phương.
Tỉnh Lai Châu cũng sẽ tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng nhằm kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu và khả năng quay trở lại của khách du lịch. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn; nâng cao năng lực quản lý, phát triển du lịch cho lãnh đạo các xã, phường, thôn, bản…
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng cho biết thêm, để thực hiện được mục tiêu kép nêu trên, về lâu dài, bên cạnh ngân sách Nhà nước hỗ trợ, tỉnh khuyến khích đa dạng hóa nguồn vốn bằng việc lồng ghép, thu hút đầu tư, xã hội hóa từ vốn của các DN, hợp tác xã; vốn vay từ các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư, quỹ phát triển DN nhỏ và vừa, quỹ phát triển các hợp tác xã… Thời gian tới, tỉnh cũng sẽ tăng cường kết nối, xúc tiến du lịch, liên kết với các công ty lữ hành để xây dựng tour, tuyến về với Lai Châu. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch theo tiêu chí chương trình Mỗi xã một sản phẩm.
"Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu sẵn có, tỉnh Lai Châu có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng. Ở đó, tỉnh cần xem Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình trọng tâm để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kinh tế tại nông thôn; triển khai làm sao để đi đúng vào thực chất của chương trình. Ngoài ra, Lai Châu cũng cần phát huy sức mạnh cộng đồng tại địa phương, vì chương trình OCOP mang tính xã hội rất cao…" - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam