Bài cuối: Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, cán bộ, xứng tầm văn hóa

TS. NHỊ LÊ - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sảnViệc nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải thật sự bảo đảm bằng và bởi pháp quyền. Trong đó vấn đề thứ tư cần được chú trọng là chỉnh đốn và tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đạo đức, liêm chính, tinh thông luật pháp ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ - chủ thể văn hóa pháp quyền Việt Nam.

Thể chế hóa chế độ miễn nhiệm, huyền chức và từ chức

Trước yêu cầu mới, “với tư cách là Đảng cầm quyền… Đảng phải phát huy đầy đủ trách nhiệm và khả năng của tổ chức đảng và đảng viên, nâng cao ý thức đảng, tính đảng của cán bộ, đảng viên hoạt động trong các cơ quan nhà nước, mặt trận và các đoàn thể”(15). Trên cơ sở phân định và minh định hai chức năng của bộ máy hành pháp: chức năng hành pháp chính trị (kiến tạo chính sách, thể chế hành chính) và chức năng hành chính công vụ, để lựa chọn từng loại viên chức chính trị và công chức hành chính phù hợp (bằng những phương thức tuyển lựa phù hợp, minh bạch và hiệu quả). Nghĩa là, toàn bộ sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải nhằm định hướng tất cả công việc của Nhà nước trên nền tảng pháp luật bảo vệ và phát triển công lý một cách vô điều kiện bằng và thông qua đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức ngang tầm sứ mệnh đó. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự liêm chính, chuyên nghiệp; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức”(16). Đây là nhân tố căn bản và quan trọng quyết định sức mạnh của bộ máy hành chính nhà nước.

Pháp luật góp phần làm nên đạo đức. Và, hơn lúc nào hết, đạo đức lúc này chính là chính trị và chính trị lúc này chính là chuyên môn. Theo đó, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế quản lý cán bộ, công chức; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền của mỗi cán bộ, công chức; tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực pháp lý, năng lực điều hành, quản lý nhà nước; đổi mới chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức đột phá đổi mới và đổi mới cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người “vô thưởng vô phạt”, vi phạm kỷ luật, suy thoái đạo đức, hủ bại lối sống, mất uy tín với Nhân dân.

Thể chế hóa về pháp luật chế độ miễn nhiệm, huyền chức và từ chức. Đây chính là một nấc thang phát triển của văn hóa pháp luật và văn hóa chính trị. Cần thiết nhấn mạnh rằng, ở đây, đảng viên giữ cương vị càng cao trong hệ thống chính trị càng chịu mức kỷ luật nặng hơn những đảng viên không giữ chức vụ khi vi phạm cùng mức kỷ luật, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật một cách thống nhất, không đặc quyền, đặc lợi, để làm gương trước xã hội. Đặc biệt, người làm các công tác tổ chức - cán bộ và kiểm tra, giám sát của cấp ủy trước hết và sau cùng, phải liêm chính, trong sạch, trách nhiệm và dũng cảm; có tầm nhìn, sự tinh nhuệ, tinh thông... Tất cả phải nhằm kiến tạo và phát triển đạo đức pháp luật, môi trường văn hóa pháp luật một cách toàn diện, thống nhất trong toàn xã hội.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước theo hướng tổng hợp của nhiều cơ chế kiểm soát

Thứ năm, tôn vinh và phát huy địa vị của Nhân dân bằng và bởi pháp luật song hành với đạo lý dân tộc thông qua cơ chế kiểm soát quyền lực phù hợp, hiệu quả - mục tiêu phát triển văn hóa pháp quyền Việt Nam.

Hiện nay, hơn hết lúc nào, “Đảng ta là Đảng cầm quyền, việc xây dựng và củng cố tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở, gắn liền với quá trình xây dựng và củng cố hệ thống chính trị của chế độ mới do Đảng lãnh đạo”(17). Trên phương diện này, cần nhấn mạnh rằng, pháp luật phải là bà đỡ của dân chủ, đạo đức, là cán cân trong thực thi kiểm soát quyền lực bảo đảm cân bằng mọi quyền lực từ chính trị, kinh tế - xã hội, đối với mọi chủ thể quyền lực hoặc thừa ủy quyền quyền lực từ Đảng, Nhà nước tới tất cả các thành viên của hệ thống chính trị, bằng cơ chế phù hợp, hiệu quả “bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân”(18)đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng XHCN vào năm 2045.

Đó là tầm viễn kiến chính trị chiến lược của Đảng ta; là thước đo sức mạnh và hiệu quả của công cuộc lãnh đạo, cầm quyền dân chủ, pháp quyền và nhân văn trong tổng thể các công việc lãnh đạo, cầm quyền. Xin nhấn mạnh lần nữa một kinh nghiệm lịch sử lãnh đạo, cầm quyền rằng, “không có một Đảng mạnh khi Nhà nước yếu, khi Mặt trận và các đoàn thế hoạt động kém hiệu quả”(19).

Trọng trách đó đòi hỏi Đảng càng phải chủ động và kiên định nắm chắc luật pháp - một trong những nhân tố rất quan trọng để bảo đảm thống nhất vai trò lãnh đạo, cầm quyền nhằm nâng cao vị thế, vai trò, sức mạnh và uy tín lãnh đạo, cầm quyền của Đảng cũng như sức mạnh tổng thể của hệ thống chính trị, trước hết là Nhà nước. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước theo hướng tổng hợp của nhiều “cơ chế kiểm soát có tính chất bộ phận”, nhằm kiểm soát tất cả các nhánh quyền lực nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp) dù ở các phạm vi khác nhau. Quy định chặt chẽ, chính xác về các chủ thể có thẩm quyền kiểm soát quyền lực nhà nước; về đối tượng, nội dung, hình thức, quy trình, hậu quả pháp lý… của việc kiểm soát. Nguyên tắc pháp chế luôn được đề cao, đòi hỏi tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước phải thực hiện vô điều kiện các quy định pháp luật về kiểm soát quyền lực nhà nước trong tổ chức cũng như trong hoạt động. Cơ chế kiểm soát quyền lực được xác lập bởi pháp luật nên luôn mang tính bắt buộc, công khai, minh bạch, đòi hỏi các chủ thể phải tiến hành thường xuyên hoặc theo định kỳ tùy theo đối tượng và các nội dung cần kiểm soát theo pháp luật. Do đó, trước pháp luật, tất cả đều bình đẳng ngang nhau.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII

Đảng quán xuyến, phải nắm lấy cơ chế đó và kiểm tra, kiểm soát nó. Đặc biệt, việc cấp bách nhưng mang tầm chiến lược là, Đảng lãnh đạo việc xây dựng và phát triển môi trường pháp luật dân chủ rộng rãi và kỷ cương nghiêm minh thật sự đạo đức, văn minh để thực thi kiểm soát quyền lực đối với chính những cá nhân, tổ chức được giao kiểm soát quyền lực đối với chính bản thân Đảng, Nhà nước và các thành viên của hệ thống chính trị, với phương châm không ngoại lệ một ai, không bỏ sót một tổ chức nào và không đặc quyền với bất cứ một cấp nào một cách văn hóa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Kiên quyết đấu tranh loại bỏ ra khỏi đội ngũ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn… Có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức”(20).

Bảo đảm bằng pháp lý thực tế vị thế, vai trò của các cơ quan dân cử, của MTTQ, các đoàn thể nhân dân, phương tiện thông tin đại chúng và của Nhân dân trong việc giám sát, phản biện công việc của Đảng, Nhà nước, cán bộ, công chức; tham gia quản lý công việc đất nước và xã hội. Các tổ chức chính trị - xã hội giáo dục đoàn viên, hội viên chấp hành luật pháp, chính sách; chăm lo, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, giúp họ nâng cao trình độ về mọi mặt và xây dựng cuộc sống; tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội và đối ngoại nhân dân. Tạo khuôn khổ pháp lý để MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức bộ máy tập trung, tinh gọn, liên thông và trực tiếp, tập trung sức mạnh tổng thể chứ không phải là sức mạnh của tổng số thành viên đơn lẻ.

Vị thế, sức mạnh, uy tín lãnh đạo, cầm quyền bằng và bởi pháp luật của Đảng tùy thuộc vào trình độ, mức độ xây dựng cơ sở xã hội - chính trị cầm quyền của Đảng một cách chính danh, chính pháp và chính tín. Đảng vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo MTTQ, có trọng trách bảo đảm, tôn trọng các hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp, thống nhất hành động giữa các thành viên. Bằng luật pháp, cơ chế, chính sách, Đảng và Nhà nước tạo khuôn khổ chính trị, pháp lý để MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động hiệu quả, nhất là giám sát và phản biện xã hội; bảo đảm tính tự nguyện, dân chủ, hiệp thương, phối hợp hành động, thực thi đúng chức năng, nhiệm vụ vừa bảo vệ lợi ích chính đáng của các thành viên vừa vận động đoàn kết, chấp hành đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vì lợi ích của mình và của toàn Dân tộc.

Đó là những nhân tố căn bản để xây dựng cơ sở chính trị - xã hội của Đảng và Nhà nước; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; tăng cường những hoạt động phản biện xã hội đối với các quyết sách chính trị của Đảng và Nhà nước; đồng thời, bảo đảm quyền cho Nhân dân bảo vệ và phát triển các quyền, lợi ích hợp pháp của chính mình và Đất nước bằng pháp luật và phù hợp với đạo lý dân tộc.

Nếu Nhà nước thực thi công việc quản trị quốc gia của mình bằng pháp luật và chuyển sang bởi pháp luật một cách hiện đại và nhân văn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thì công cuộc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trên phương diện này chính là bước chuyển từ sử dụng pháp luật để lãnh đạo, cầm quyền tới lãnh đạo, cầm quyền bởi và bằng pháp luật, nhằm phát triển không ngừng tính chính danh, chính pháp và chính tín một cách dân chủ, kỷ cương, nhân văn và mang tầm vóc văn hóa.

Nói khái quát, trên nền tảng pháp luật và thượng tôn pháp luật, đến lượt mình, Đảng tiên phong tự xây dựng, tự chỉnh đốn mình đồng bộ với hệ thống chính trị toàn vẹn, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền không chỉ về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ mà tất yếu vươn tới văn hóaxứng đáng với Dân tộc, xứng đáng là “đứa con nòi” của Nhân dân, ngang tầm với sự phát triển của Đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới hiện nay và tương lai.

(15) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd , 2015, t. 58, tr. 358.

(16) Nguyễn Phú Trọng: Báo Đại biểu Nhân dân, đd, tr. 3.

(17) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd , 2018, t. 69, tr. 290.

(18) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd , 2018, t. 68, tr. 935.

(19) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd , 2015, t. 58, tr. 358.

(20) Nguyễn Phú Trọng: Báo Đại biểu Nhân dân, đd, tr. 3.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-dang/bai-cuoi-khong-ngung-nang-cao-nang-luc-lanh-dao-ve-chinh-tri-tu-tuong-to-chuc-dao-duc-can-bo-xung-tam-van-hoa-i334282/