Bài cuối: Khuyến khích phát triển du lịch biển, du lịch đặc thù
UBND tỉnh Ninh Thuận tiếp tục duy trì 4 tổ công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch làm Tổ trưởng, tăng cường kiểm tra thực tế, đôn đốc và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án; đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các dự án; cụ thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân trong phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung kêu gọi đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch biển, du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch mới lạ, có khả năng cạnh tranh cao...
Để triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, UBND tỉnh Ninh Thuận xác định tập trung phát triển 6 ngành, lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng: thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư công; năng lượng; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh tế đô thị.
Trách nhiệm đến từng cá nhân trong giải ngân vốn đầu tư công
Theo đó, đối với việc thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư công, tỉnh tập trung theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, phấn đấu đến cuối năm 2024 giải ngân đạt 100% kế hoạch được giao. Trong đó: giao kế hoạch và phân bổ chi tiết các nguồn vốn đầu tư công ngay từ cuối năm 2023; tiếp tục duy trì 4 tổ công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch làm Tổ trưởng, tăng cường kiểm tra thực tế, đôn đốc và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án; đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các dự án; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cụ thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân trong phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công...
Tỉnh khuyến khích, huy động cao nhất nguồn lực từ các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Đẩy mạnh khảo sát, làm việc với các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn, tổng công ty có tiềm lực tài chính và năng lực, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực để kêu gọi đầu tư. Phối hợp các tỉnh, thành trong vùng Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các thành phố tiềm năng khác ký kết chương trình liên kết hợp tác triển khai các chương trình hợp tác, tạo liên kết vùng, ngành, lĩnh vực... Cùng với đó, chủ động tiếp cận với các nhà tài trợ, nhất là các tổ chức tài chính quốc tế như ADB, AFD, WB và các nhà tài trợ song phương như Áo, Hàn Quốc, tăng cường vận động các nguồn vốn ODA đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn, các công trình thủy lợi, cải thiện môi trường, giảm khí thải nhà kính, các dự án xanh - các bon thấp hướng tới đưa phát thải ròng bằng “0”.
Liên kết vùng để phát triển du lịch độc đáo
Trong phát triển du lịch, UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ các dự án Sunbay Park Hotel & Resort, Khu du lịch Bình Tiên, Khu du lịch sinh thái cao cấp Núi Chúa, Quốc tế 5 sao… đi vào hoạt động bảo đảm trong năm 2024, công suất phòng toàn tỉnh nâng lên 5.000 phòng phục vụ khách du lịch.
Cùng với đó, tập trung kêu gọi đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch biển, du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch mới lạ, có khả năng cạnh tranh cao như: du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển (nghỉ dưỡng và tắm biển; trải nghiệm khám phá hệ sinh thái san hô Vĩnh Hy, Hòn Đỏ; sự kiện, lễ hội lướt ván diều quốc tế Bắc Thanh Hải và các hoạt động thể thao trên biển); du lịch sinh thái gắn với Vườn quốc gia Núi Chúa, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa (du lịch tham quan, khám phá; du lịch trải nghiệm mạo hiểm; du lịch cứu trợ động vật hoang dã; du lịch vì môi trường, du lịch trải nghiệm, khám phá Rùa đẻ trứng,…); khám phá và vui chơi giải trí cát - muối (du lịch khám phá các cồn cát ven biển, chinh phục đỉnh cát, quá trình hình thành và phát triển của cát Ninh Thuận...).
Tỉnh tăng cường xúc tiến du lịch, triển khai hiệu quả các hoạt động sự kiện năm 2024; đề án phát triển kinh tế ban đêm giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nghiên cứu, đề xuất một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm trên địa bàn một số trung tâm du lịch phù hợp với đặc điểm tình hình và nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch đến từ các thị trường mục tiêu; nâng cao giá trị doanh thu ngành du lịch, tăng chỉ tiêu mỗi lượt khách. Tiếp tục số hóa điểm đến tham quan du lịch; gia tăng tiện ích dành cho du khách trên nền tảng du lịch điện tử (thẻ du lịch thông minh) và thông qua các chương trình kích cầu, trải nghiệm; đẩy mạnh liên kết vùng để phát triển du lịch, nhất là du lịch độc đáo.