Bài cuối: Kiểm chứng từ thực tế

Nghị quyết xuất phát từ thực tế và kiểm chứng bằng thực tế là động lực, đường dẫn để nghị quyết đi vào cuộc sống. Cách làm này lan tỏa, tạo chuyển động từ mỗi cơ sở Đảng của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang.

>>Bài 1: Tìm “gốc, rễ” cho nghị quyết

Chọn đúng, trúng vấn đề

Là đơn vị hành chính cấp huyện mới được thành lập của tỉnh Tuyên Quang, huyện Lâm Bình đang từng bước hiện thực hóa các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ I, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Trong đó, giảm nghèo và tạo ra sinh kế thoát nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới là mục tiêu hàng đầu của địa phương này.

Đồng chí Đặng Văn Sình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lâm Bình cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề gồm: Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý đất đai; Nghị quyết về phát triển một số cây trồng vật nuôi là đặc sản có lợi thế trên địa bàn huyện đến năm 2020; Nghị quyết về việc phân công cán bộ đảng viên phụ trách hộ gia đình nơi cư trú. Quan điểm của Đảng bộ huyện là không ban hành quá nhiều nghị quyết, các nghị quyết phải được xây dựng ngắn gọn, thiết thực, có tính khả thi cao.

Đơn cử như Nghị quyết số 34a Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển cây trồng vật nuôi đặc sản có lợi thế trên địa bàn. Dung lượng nghị quyết không quá 3 trang giấy, cô đọng những vấn đề trọng tâm nhất từ thực tiễn gắn với những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Sau hơn 3 năm triển khai, nghị quyết đã đi vào cuộc sống. Một sinh kế mới, bền vững cho bà con vùng cao đã được hình thành và phát triển. Toàn huyện đã xây dựng được những vùng sản xuất như vùng trồng cây Bò Khai, Ngót rừng, Giảo cổ lam ở các xã Lăng Can, Hồng Quang, Thượng Lâm; nuôi lợn đen, nuôi dê ở các xã Thổ Bình, Bình An, Khuôn Hà, Phúc Yên. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đặng Văn Sình, khi nghị quyết bám sát thực tiễn cuộc sống, biết “đo” lòng dân bằng những chủ trương, giải pháp phù hợp, nhất là được triển khai tổ chức thực hiện một cách quyết liệt, đến nơi, đến chốn thì nghị quyết ấy thực sự có giá trị, sức sống.

Nghị quyết số 16 về phát triển nông nghiệp hàng hóa của BCH Đảng bộ tỉnh đã đưa cây chè Shan tuyếtở xã Hồng Thái (Na Hang) trở thành cây trồng thoát nghèo cho người dân.

Đồng chí Ma Phúc Hà, Bí thư Huyện ủy Chiêm Hóa chia sẻ, từ việc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, với những tồn tại, hạn chế được chỉ ra nhiều lần. Nhưng việc khắc phục ở nhiều nơi trong đảng bộ còn chưa triệt để. Với việc nhận diện rõ những tồn tại hạn chế, xác định những việc cần làm ngay, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 49 ngày 29-3-2017 về tăng cường lãnh đạo quản lý đất đai, quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ, quản lý và bảo vệ rừng, giải quyết đơn thư trên địa bàn huyện. Trong đó, đề ra giải pháp khắc phục ngay những tồn tại hạn chế sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên giám sát và nghe báo cáo quá trình tổ chức triển khai thực hiện từ cơ sở. Nhờ đó, tình trạng vi phạm đất đai, hành lang và các quy định về an toàn giao thông đường bộ, quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn các xã, thị trấn đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

11 đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đều đã ban hành những Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ xuất phát từ chính thực tiễn, từ những bất cập, tồn tại hạn chế ở cơ sở. Từ đó, khắc phục những yếu kém, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Đồng chí Tạ Đức Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, hầu hết nghị quyết của các cấp ủy bên cạnh việc gắn chặt với cuộc sống, các nghị quyết còn ngắn gọn, thể hiện rõ nội dung, rõ giải pháp, rõ hiệu quả, rõ thời gian và rõ về người chịu trách nhiệm, đã tạo thuận lợi cho việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc tổ chức thực hiện.

Hiệu quả được kiểm chứng

Nhân dân xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) lắp đặt kênh mương nội đồng bằng cấu kiện đúc sẵn.

Nhân dân xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) lắp đặt kênh mương nội đồng bằng cấu kiện đúc sẵn.

Theo đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tạ Đức Tuyên, việc ban hành nghị quyết của Tỉnh ủy và của các cấp ủy Đảng thuộc Đảng bộ tỉnh đã được đầu tư nghiên cứu trên cơ sở dự báo đúng và trúng tình hình; bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; thừa kế, phát huy những thành tựu và bài học kinh nghiệm trong các nhiệm kỳ qua. Các nghị quyết được tiến hành theo phương châm có trọng tâm, trọng điểm, không ban hành quá nhiều nghị quyết để tránh dàn trải, thiếu tập trung. Trên hết là nghị quyết xuất phát từ những lợi ích thiết thực của người dân.

Những nghị quyết sau khi ban hành được kiểm chứng bằng chính thực tiễn cuộc sống. Đối với Nghị quyết số 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, qua quá trình triển khai thực hiện cho thấy, từ chủ trương đúng đã tạo được sự đồng thuận của người dân. Ở khắp nơi trong tỉnh, việc làm kênh mương, đường bê tông nội đồng, nhà văn hóa đã được gắn chặt với các phong trào thi đua yêu nước, phong trào xây dựng nông thôn mới, tạo khí thế phát triển ở mỗi địa phương trong tỉnh. Theo thống kê, năm 2016, toàn tỉnh hoàn thành 48,463 km; năm 2017 hoàn thành 172,8 km; năm 2018 hoàn thành 275 km và năm 2019 các địa phương tiếp tục hoàn thành thêm 275 km. Cùng với đó là hàng trăm nhà văn hóa thôn bản cùng các tuyến đường nội đồng đã được xây dựng. Qua đó, từng bước hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh, tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa trên 70%; tỷ lệ đường giao thông nội đồng được bê tông hóa trên 35%; trên 40% số thôn bản, tổ nhân dân có nhà văn hóa gắn với sân thể thao và khuôn viên đạt chuẩn theo quy định.

Theo ông Lý Công Nguyên, thôn Làng Chẩu, xã Thắng Quân (Yên Sơn) việc xây dựng cấu kiện kênh mương đúc sẵn là rất phù hợp với những cánh đồng miền núi, nước chảy mạnh, ít hư hao. Từ khi có hệ thống mương mới này, thửa ruộng nào cũng đủ nước tưới, năng suất tăng từ 20 đến 30% mỗi vụ. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hào, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can (Lâm Bình) cho rằng, chủ trương xây dựng kênh mương bằng cấu kiện đúc sẵn đã giúp bà con vùng cao đảm bảo nước tưới cho 2 vụ lúa. Mặc dù địa hình bị chia cắt, nhưng xây dựng kênh mương bằng cấu kiện do tỉnh cung ứng vẫn khắc phục được. Giờ đây, không chỉ trồng 2 vụ lúa mà người dân còn trồng rau màu vào cả vụ đông nữa.

Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 16 về sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp Tuyên Quang đã có nhiều khởi sắc. Các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn đã được hình thành và có sự chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, những cây trồng chủ lực là thế mạnh của tỉnh tiếp tục khẳng định được hiệu quả kinh tế như: Cây cam cho tổng sản lượng trên 80.800 tấn, thu nhập bình quân đạt 114,3 triệu đồng/ha, chiếm 21,6% giá trị sản xuất trồng trọt; cây chè cho tổng sản lượng hơn 65.000 tấn, giá trị sản xuất chiếm 7,64% giá trị sản xuất trồng trọt; cây mía cho tổng sản lượng 600.000 tấn, chiếm 10% giá trị sản xuất trồng trọt của tỉnh...

Tổng diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh là 448.680 ha, trong đó diện tích rừng hiện có 420.890 ha, tỷ lệ che phủ của rừng đạt 64,9%. Tổng sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hàng năm đạt trên 800.000 m3, chiếm trên 23% sản lượng khai thác toàn vùng. Chăn nuôi hàng hóa được tập trung theo từng vùng. Chăn nuôi trâu, lợn đặc sản địa phương tập trung tại các huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên; chăn nuôi bò, lợn siêu nạc, hướng nạc tập trung tại huyện Yên Sơn, Sơn Dương và một số xã của huyện Hàm Yên…

Ông Lê Quý Đáng, Tổ trưởng tổ sản xuất cam sành VietGAP thôn Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) chia sẻ: Chưa bao giờ trái cam lại được quan tâm, chú trọng phát triển như hiện nay. Nếu như trước đây, cây cam được trồng tràn lan, việc chăm sóc không đảm bảo quy trình và việc được mùa mất giá vẫn thường xảy ra. Thì nay, nhờ nghị quyết lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, cây cam sành ở Hàm Yên đã và đang được phát triển bài bản. Cây cam nay được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất cam theo hướng hữu cơ. Các sản phẩm cam sành đã có mặt tại một số các siêu thị lớn trong toàn quốc. Bên cạnh đó, một số đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng đã có các hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các tổ nhóm hợp tác trồng cam. Từ đó, giúp người nông dân yên tâm sản xuất, để trái cam sành Hàm Yên luôn giữ vững danh hiệu là 1 trong 50 trái cây đặc sản Việt Nam, top 10 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng cả nước.

Đồng chí Ma Phúc Hà, Bí thư Huyện ủy Chiêm Hóa cho rằng, cùng với việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của cấp ủy cấp trên, những nghị quyết của huyện đã thấm sâu, lan tỏa trong cuộc sống. Đơn cử như Nghị quyết số 49 của Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo giải quyết được các vấn đề tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, chặn đứng tình trạng buôn bán vận chuyển lâm sản trái phép; công tác quản lý đất đai, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo được thực hiện hiệu quả.

Bài, ảnh: Ngọc Hưng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xay-dung-dang-nha-nuoc/bai-cuoi-kiem-chung-tu-thuc-te-123822.html