Bài cuối: Kiên quyết xử lý sai phạm trong thực hiện kết luận giám sát

Những đổi mới, hiệu quả trong hoạt động giám sát của HĐND thành phố Hà Nội đã lan tỏa tới hoạt động của HĐND cấp huyện, xã. Thường trực HĐND thành phố nhấn mạnh việc phân công rà soát, theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện, các kết luận giám sát, chất vấn, giải trình để đều phải được thực hiện và đôn đốc đến cùng kết quả giải quyết. Trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện kéo dài không đúng cam kết, hoặc phát hiện vi phạm, Thường trực HĐND xem xét chuyển các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện nghiêm chế tài xử lý đối với những tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm túc.

Lan tỏa tới HĐND huyện, xã

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tăng cường theo dõi, giám sát hoạt động của HĐND cấp huyện theo đúng chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Ngay từ đầu năm 2022, Thường trực HĐND thành phố ban hành văn bản định hướng hoạt động HĐND các quận, huyện, thị. Trong đó, đặc biệt tăng cường giám sát thực hiện Nghị quyết số 97/2019/NQ-QH14 của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị, tập trung giám sát tại các phường không tổ chức HĐND.

Thường trực HĐND thành phố chỉ đạo Sở Nội vụ tổ chức để các đại biểu HĐND cấp huyện tập huấn bồi dưỡng kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động dân cử; phối hợp tổ chức bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, xã nhiệm kỳ 2021 - 2026. Trong 4 kỳ tổ chức hội nghị giao ban Thường trực HĐND thành phố với Thường trực HĐND các quận, huyện, thị, có tới 3 kỳ giao ban chuyên đề về hoạt động giám sát của HĐND. Trong đó, quý III.2022, tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND".

Những đổi mới, hiệu quả trong hoạt động giám sát của HĐND thành phố đã lan tỏa tới HĐND, Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND cấp huyện, xã. Số cuộc giám sát nhiều hơn. Nội dung giám sát là các vấn đề cần tập trung của địa phương, các lĩnh vực bức xúc, được cử tri và Nhân dân quan tâm; phương thức giám sát đã có sự linh hoạt, đổi mới theo hướng sát cơ sở, thiết thực và hiệu quả, góp phần vào công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp thành phố được hiệu quả hơn.

Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội khảo sát Trạm quan trắc môi trường không khí đặt tại Chi cục Bảo vệ Môi trường, quận Cầu Giấy. Ảnh: Đình Quân

Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội khảo sát Trạm quan trắc môi trường không khí đặt tại Chi cục Bảo vệ Môi trường, quận Cầu Giấy. Ảnh: Đình Quân

Xây dựng cơ sở dữ liệu để theo dõi, đôn đốc

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận: phương thức giám sát chủ yếu vẫn là nghe trình bày báo cáo, hoạt động khảo sát việc thực hiện cụ thể chưa nhiều. Một số cuộc giám sát mang tính chuyên môn sâu, phạm vi giám sát rộng nhưng chất lượng còn hạn chế do năng lực và kinh nghiệm của đại biểu đối với lĩnh vực được giám sát chưa đáp ứng. Việc thực hiện kết luận sau giám sát của một số đơn vị còn hạn chế; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận giám sát chưa thường xuyên… Điều kiện bảo đảm cho hoạt động của HĐND tuy đã được quan tâm nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Bộ máy tham mưu, giúp việc HĐND chưa hợp lý, nặng về công tác hành chính phục vụ, chức năng tham mưu còn nhiều hạn chế, chưa thực sự sát thực tiễn.

Từ thực tế trên, để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội cho rằng, cần thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, bám sát những trọng tâm chỉ đạo của Trung ương, thành phố, địa phương; đồng thời, phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Thường trực HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ cùng cấp trong việc hiện các chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan trong hoạt động giám sát.

Bên cạnh kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của đại biểu HĐND, nhất là đại biểu chuyên trách, cần làm tốt hơn nữa việc cung cấp đầy đủ tài liệu và thông tin cần thiết cho đại biểu nghiên cứu; lựa chọn các nội dung giám sát, giải trình, chất vấn đúng và trúng vào các vấn đề “nóng” đang được các đại biểu cũng như dư luận quan tâm; động viên, khuyến khích các đại biểu không chuyên trách tích cực tham gia hoạt động HĐND. Tiếp tục rà soát, xây dựng các quy trình để từng bước chuẩn hóa hoạt động giám sát bám sát theo quy định của Luật và hướng dẫn theo Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm khoa học, chất lượng, hiệu quả.

Tiếp tục chú trọng theo dõi việc thực hiện các kết luận giám sát, tái giám sát, chất vấn, tái chất vấn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả sau giám sát. Thường trực HĐND phân công thành viên Thường trực, bộ phận chuyên trách các Ban của HĐND trên cơ sở lĩnh vực phụ trách rà soát, theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện các kết luận giám sát, chất vấn, giải trình đều phải được thực hiện và đôn đốc đến cùng kết quả giải quyết. Trường hợp tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện kéo dài không đúng cam kết, hoặc phát hiện vi phạm, Thường trực HĐND xem xét chuyển các cơ quan có thẩm quyền thực hiện để nghiêm chế tài xử lý đối với những tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm túc.

Cùng với đó, tiếp tục nâng cao trách nhiệm tham mưu, phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND. Bố trí đủ số cán bộ cần thiết, phù hợp bộ máy giúp việc cho HĐND; nhất là cấp huyện để bảo đảm khả năng tham mưu, phục vụ thực hiện chức năng nhiệm vụ của HĐND. Tăng cường thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của HĐND các cấp, vai trò và trách nhiệm của đại biểu HĐND; công khai, phát huy hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền trong hoạt động giám sát của HĐND. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu để theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát của HĐND các cấp.

NGỌC MAI

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/bai-cuoi%C2%A0kien-quyet-xu-ly-sai-pham-trong-thuc-hien-ket-luan-giam-sat-i321216/