Bài cuối: Làm thế nào để giảm buôn lậu ở vùng biên?
Thời gian dài, từ các cơ quan trung ương đến địa phương đều trăn trở: 'Làm thế nào để giảm buôn lậu ở vùng biên?'. Nhiều chính sách được xem xét, triển khai, nhưng hiệu quả vẫn chưa đạt như mong muốn.
CẦN SỰ CHUNG TAY CỦA TOÀN XÃ HỘI
Theo lãnh đạo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh An Giang, nguyên nhân chính mà người dân vùng biên giới tiếp tay cho buôn lậu là do công ăn việc làm không đáp ứng được. Tại đây, hằng năm thanh niên vào độ tuổi lao động nhiều, nhưng không đủ việc làm. Đất chật, người dân ngày càng đông, đời sống khó khăn.
Một cán bộ Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn (TP.Châu Đốc, An Giang) chia sẻ: "Bắt được buôn lậu là chuyện vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, việc xử lý những người này sao cho hợp lý, hợp tình và mang tính nhân văn là câu chuyện đau đầu. Nhiều trường hợp đi chở thuê thuốc lá lậu là dân địa phương mình quản lý, vì cuộc sống quá khó khăn, họ đành làm liều. Thời gian qua, những người cố tình chống đối thì chúng tôi xử lý nghiêm. Còn trường hợp nào xác minh, biết họ chỉ chở hàng thuê, nhà cửa dột nát, không có đất đai, con cái nheo nhóc... thì xem xét hướng xử lý khác".
Hiện nay, trên tuyến biên giới các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng và TX.Hồng Ngự (Đồng Tháp), hầu hết đối tượng vận chuyển thuê, tiếp tay buôn lậu thuốc lá là dân nghèo sống dọc tuyến biên giới, không nghề nghiệp ổn định, không có đất canh tác.
Các tuyến địa bàn trọng điểm là Tỉnh lộ 841, Thường Phước - TX.Hồng Ngự, QL30 từ biên giới về TP.Cao Lãnh, khu vực ấp 1 (xã Thường Thới Hậu B, H.Hồng Ngự), khu vực cửa khẩu Thường Phước, nội đô TX.Hồng Ngự. Phía ngoại biên đối diện có 11 kho và 13 điểm chứa hàng hóa tập kết nằm dọc sông Sở Thượng, Cô Rô Ca và Bon Tia Chắc Crây, cách biên giới từ 50 - 100m. Các đối tượng buôn lậu chờ thời cơ đưa thuốc lá sang địa phận Đồng Tháp.
Từ đầu năm đến ngày 30-11-2019, lực lượng BĐBP tỉnh Đồng Tháp đã chủ trì bắt giữ 222 vụ, thu hơn 75.000 gói thuốc lá ngoại, hơn 6.700kg đường cát, gần 800 thùng bia ngoại...; tạm giữ 32 xe máy, 2 xuồng máy. Tổng trị giá hàng hóa ước tính khoảng 1,1 tỷ đồng. Đơn vị còn phối hợp với công an, hải quan, quản lý thị trường (QLTT) bắt giữ 36 vụ, thu hơn 10.500 gói thuốc lá ngoại, 700kg đường cát... Từ đầu năm đế nnay, lự clượ ng chứ cnăng tỉnh Kiên Giang bắt giữ khoảng 1.000 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 15 tỷ đồng.
Theo nhận định của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Kiên Giang, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên các địa bàn trọng điểm vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng phức tạp. Tại các cuộc họp bàn về giải pháp phòng, chống buôn lậu, nhiều ý kiến đề nghị các địa phương tiếp tục hỗ trợ, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân khu vực biên giới. Phải giúp bà con ổn định đời sống, không tiếp tay vận chuyển hàng lậu cho các đầu nậu. Đây là giải pháp lâu dài, bởi cuộc sống của bà con được ổn định, tình trạng buôn lậu qua biên giới mới có thể giảm bớt.
Nhiều mô hình xóa đói giảm nghèo có hiệu quả ở vùng biên đã được áp dụng. Đồn Biên phòng Cầu Muống (Đồng Tháp) phối hợp với chính quyền các xã Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B (H.Hồng Ngự) vận động doanh nghiệp đầu tư các dự án may mặc, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm nông nghiệp; xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho phụ nữ trong xã.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây (Long An) thì phối hợp với chính quyền các xã Mỹ Quý Tây, Mỹ Quý Đông (H.Đức Huệ) tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hơn 1.000 lượt người dân làm nghề chạy xe ôm về việc không được đưa rước người trái phép; người dân vùng biên không tham gia mang, vác hàng lậu qua biên giới; tích cực tham gia đấu tranh, tố giác hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồn Biên phòng Mỹ Quý Tây còn phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo việc làm ổn định cho người dân vùng biên.
"Qua đó, góp phần vào việc hơn 100 đối tượng trên địa bàn từng liên quan đến vận chuyển, tiếp tay cho buôn lậu đã ký cam kết không vi phạm, giúp giảm mạnh tình trạng buôn lậu qua biên giới trên địa bàn do đơn vị quản lý. Để giảm bớt tình trạng buôn lậu vùng biên, cần có sự chung tay của toàn xã hội" - một cán bộ biên phòng tỉnh Đồng Tháp nói.
TRUY TRÁCH NHIÊM CỦA CÁN BỘ
Theo các cơ quan chức năng dọc biên giới Tây Nam, công tác phòng, chống buôn lậu vẫn còn nhiều gian nan, thách thức. Các cơ quan chức năng thường xuyên có kế hoạch kéo giảm buôn lậu. Trên tuyến biên giới TP.Hà Tiên (Kiên Giang), từ năm 2019 đến nay, BĐBP tỉnh tổ chức lập chốt kiểm soát, cử một tổ ứng trực 24/24 giờ, ngăn chặn hàng lậu vận chuyển qua biên giới.
Hiện nay, tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, ngoài quân số trực làm công tác chuyên môn, hầu hết lực lượng được điều động về các chốt trực. Mỗi chốt luôn duy trì quân số từ 2 - 5 đồng chí, đáp ứng kịp thời các tình huống khẩn cấp. Với cách làm quyết liệt này, các đối tượng không còn manh động, mang vác, vận chuyển lượng lớn hàng qua biên giới như trước.
Tại Đồng Tháp, hoạt động chống buôn lậu, nhất là buôn lậu thuốc lá vẫn chưa có chiều hướng giảm. Nguyên nhân do tuyến biên giới tỉnh này có địa hình phức tạp, sông, ngòi, kênh rạch chằng chịt, các đường mòn, lối mở và có sông chung với Campuchia, trong khi lực lượng chức năng còn mỏng, dẫn đến khó khăn trong công tác tuần tra kiểm soát, đấu tranh với hoạt động buôn lậu.
Ông Phạm Hồng Thanh (Phó cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an) nhận định, còn tình trạng các lực lượng ở địa phương chưa chống buôn lậu một cách triệt để. Thực tế cho thấy, các lực lượng ở địa phương mới chỉ đấu tranh với hoạt động mua bán, vận chuyển nhỏ lẻ, chưa đánh thẳng vào các đối tượng chủ chốt trong những đường dây buôn lậu. Thậm chí, không loại trừ việc một số "trùm" buôn lậu tại các địa phương còn được hậu thuẫn. Do đó, một trong các giải pháp triệt để nhằm chống buôn lậu đường cát là các lực lượng chức năng ở địa phương phải phối hợp có chuyên án bài bản, đánh vào các đường dây, ổ nhóm chuyên nghiệp
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, đối với công tác chống buôn lậu mặt hàng đường cát, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia sẽ có kế hoạch chuyên đề, chuyên án làm mẫu và xử lý trách nhiệm của từng khâu, từng cấp... "Phó thủ tướng Thường trực, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã chỉ đạo, sắp tới đây sẽ làm nghiêm. Phải truy ngược đường đi của hàng lậu để xác định trách nhiệm của từng lực lượng trong việc kiểm soát hàng lậu. Ban chỉ đạo 389 Quốc gia sẽ chủ động thực thi chỉ đạo và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm..." - ông Cẩn nói.