Bài cuối: Lời giải mềm cho bài toán cứng
Có thể khẳng định, việc đặt mục tiêu đồng nhất hạ tầng và công nghệ giữa các tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) gần như bất khả thi. Trong khi đó, công nghệ thông tin hiện đại đã có sẵn lời giải cho vấn đề tổng hòa mạng lưới, tận dụng tối đa lợi thế cũng như xóa bỏ khác biệt giữa các dự án ĐSĐT.
Bài 1: Ngủ quên nhiều thập kỷ
Bài 2: Tính toán cụ thể, toàn diện từng dự án
Khó có khu Depot chung
Depot còn được gọi là “túi chứa xe”, cơ sở toa xe, là nơi quản lý, dừng đỗ và bảo dưỡng sửa chữa toa tàu của hệ thống ĐSĐT. Nó không chỉ có khu vực dừng đỗ, chuẩn bị khởi hành tàu, mà còn bao gồm trung tâm sửa chữa tổng hợp, chỉ huy điều độ, kho chứa vật liệu, trung tâm đào tạo, văn phòng, cơ quan với các hoạt động tác nghiệp, vận hành ĐSĐT. Depot chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong công trình ĐSĐT, nó là trung tâm đầu não, chi phối mọi hoạt động của cả tuyến đường; có ảnh hưởng lớn, trực tiếp tới hiệu quả, chất lượng khai thác vận hành các đoàn tàu ĐSĐT.
Hiện tại, để xây dựng hệ thống thẻ vé liên thông áp dụng cho toàn bộ hệ thống VTHKCC trên địa bàn Hà Nội, tổ chức JICA đang tài trợ Dự án Hỗ trợ phát triển hệ thống thẻ vé liên thông cho vận tải công cộng Hà Nội từ nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản.
Vì vậy, việc lựa chọn vị trí, xem xét các điều kiện xây dựng và khai thác Depot là một vấn đề quan trọng, quyết định đến sự vận hành hiệu quả của cả tuyến ĐSĐT. Khi xây dựng Depot, cần tập trung xem xét các yếu tố như quy hoạch tổng thể; mạng lưới giao thông; điều kiện nối ray; địa chất thủy văn; thoát nước, tiếng ồn… Mỗi khu Depot khi quy hoạch phải đầy đủ các yếu tố: Xác định quỹ đất, vị trí, quy mô công trình, tổ chức hệ thống giao thông, phạm vi bảo vệ và hành lang ATGT. Vị trí Depot không được chồng lấn hoặc quá gần công trình khác gây ảnh hưởng đến hoạt động của chính Depot hoặc công trình kia; tránh tối đa ảnh hưởng đến các khu dân cư.
Ở những TP đông dân như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, khó có một diện tích mặt bằng đủ lớn để đáp ứng, bởi một khu Depot chung gần như là kết quả của phép cộng số học diện tích khu Depot của mỗi tuyến. Bên cạnh đó, việc tích hợp như vậy sẽ tạo thêm khó khăn trong hoạt động vận hành của Depot, vì tập trung quá nhiều đầu máy toa xe vào một khu vực, gây ảnh hưởng lớn đến giao thông, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn... cho khu vực xung quanh.
Ngoài ra, do còn khó khăn nên nhiều dự án ĐSĐT ở Việt Nam phải vay vốn của nhà tài trợ quốc tế, buộc phải sử dụng công nghệ do hợp đồng vay áp đặt. Các tư vấn khác nhau lại lựa chọn công nghệ, thiết bị, đầu máy, toa xe… khác nhau, việc lắp đặt, điều hành cũng khác nhau. Bởi vậy, dù có thể xây dựng một khu Depot chung thì tại đó thiết bị, điều hành... cũng khác nhau, cực kỳ khó vận hành chung. Ngược lại, việc xây dựng các Depot độc lập cho mỗi tuyến lại tiết kiệm chi phí và hiệu quả hơn hẳn.
Cần hệ thống mở
Có rất nhiều ý kiến lo ngại việc các tuyến ĐSĐT sử dụng công nghệ khác nhau sẽ gây khó cho việc nhận diện, liên thông thẻ vé. Tuy nhiên, việc liên thông thẻ vé là hoàn toàn có thể làm được. Một ví dụ trong thực tế là các cây rút tiền tự động - ATM vẫn sử dụng chung được nhiều loại thẻ của nhiều ngân hàng khác nhau. Nguyên lý tích hợp và liên thông của thẻ vé cũng tương tự như vậy.
Thẻ vé liên thông là hệ thống AFC (Automated Fare Collection) sử dụng cho các phương tiện vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), để việc mua và sử dụng thẻ hoặc vé tự động hóa, không cần đến sự hỗ trợ của con người. Một hệ thống AFC thường gồm các thành phần: Máy bán thẻ vé; Thiết bị đọc tại các nhà ga; Máy tính ở khu Depot; Phần mềm quản trị và Hệ thống quản lý trung tâm.
Muốn xây dựng Hệ thống thẻ vé liên thông phải bảo đảm mỗi loại thuộc từng dự án được quản lý bằng công nghệ tiên tiến, liên kết được nhiều chủ thể như: Cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị vận hành, nhà cung cấp dịch vụ, người sử dụng… Bởi vậy, mỗi dự án cần đưa ra các định dạng giao diện phù hợp vừa bảo đảm tính liên thông, truyền tải dữ liệu chính xác, lại vừa an toàn thông tin cá nhân cho hành khách. Đồng thời giao diện đó cần được thiết kế theo hướng mở, có thể áp dụng cho mọi loại hình dịch vụ VTHKCC khác như xe buýt chẳng hạn.
Có thể khẳng định chắc chắn, việc thiết lập hệ thống quản lý thẻ vé điện tử liên thông cho ĐSĐT nói riêng và toàn mạng lưới VTHKCC nói chung là hoàn toàn làm được, nhờ vào công nghệ hiện đại. Tương tự, việc tích hợp thông tin tín hiệu của mỗi tuyến ĐSĐT riêng lẻ vào trung tâm điều hành giao thông, nhằm đồng bộ quản lý và vận hành cũng có thể được giải quyết tốt bằng công nghệ thông tin. Vấn đề đặt ra là ngay từ khi triển khai xây dựng, các dự án ĐSĐT đã phải tính đến yếu tố thiết lập hệ thống mở, chuẩn bị sẵn cổng kết nối cho mạng lưới tổng hòa giao thông đô thị của cả TP. Đó chính là lời giải mềm hiệu quả nhất cho bài toàn cứng về kết nối hạ tầng ĐSĐT nói riêng và VTHKCC của Hà Nội nói chung.