Bài cuối: 'Lực hấp dẫn' từ tâm

'Điều hạnh phúc nhất là không chỉ người dân xung quanh thiền viện mà các vùng lân cận, thậm chí các thành phố khác, các nước khác nghe giới thiệu cũng tìm đến Trúc Lâm; sự lan tỏa của ngôi chùa Việt Nam không còn bó hẹp ở Kandy nữa; đó là dấu hiệu rất vui, dù mới thành lập hơn 4 năm' - Đại đức THÍCH PHÁP QUANG, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm chia sẻ.

Sự thành tâm chạm đến đức Phật, lòng người

- Tại sao thầy chọn Sri Lanka để theo học?

- Đó là một nhân duyên bất ngờ. Lúc đầu thầy định sang Ấn Độ, vì đơn giản chỉ nghĩ đó là đất Phật. Nhưng một thầy bạn đang học ở Sri Lanka đã gợi ý sang đó. Lúc đầu thầy không biết gì về Sri Lanka, lên mạng tìm hiểu thông tin, thấy rất thú vị. Đó là một quốc đảo xinh đẹp, nhiều cây xanh, chứ khi ấy cũng chưa biết văn hóa Phật giáo ở đây đậm đặc như vậy. Thầy thích thiên nhiên, đó là nhân duyên đầu tiên.

 Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka kiêm nhiệm Maldives Trịnh Thị Tâm (áo dài hoa xanh), Đại đức Thích Pháp Quang cùng "gia đình Trúc Lâm" tại Lễ hội Văn hóa và Hội chợ từ thiện quốc tế 2024, do Bộ Ngoại giao, Lao động ngoài nước và Du lịch Sri Lanka tổ chức. Ảnh: Thiền viện Trúc Lâm

Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka kiêm nhiệm Maldives Trịnh Thị Tâm (áo dài hoa xanh), Đại đức Thích Pháp Quang cùng "gia đình Trúc Lâm" tại Lễ hội Văn hóa và Hội chợ từ thiện quốc tế 2024, do Bộ Ngoại giao, Lao động ngoài nước và Du lịch Sri Lanka tổ chức. Ảnh: Thiền viện Trúc Lâm

Sang đây học mới thấy mình đã quyết định đúng đắn. Các trường đại học ở Sri Lanka đều có khoa Phật giáo, giảng dạy rất nghiêm túc. Không chỉ các nhà sư, mà Phật tử cũng học được. Đây là điều hiếm nước nào có. Vì thế, ở Sri Lanka, cư sĩ cũng có thể hoằng pháp.

- Từ khi nào thầy có ý định xây dựng một ngôi chùa Việt ở Sri Lanka?

- Đến Sri Lanka thầy như được xuất gia lần thứ 2. Môi trường quốc giáo làm thầy rất thích, giống như ngôi nhà của Phật giáo, không chỉ của Sri Lanka mà của Phật giáo nói chung. Người dân sống chân thật, sư thầy gần gũi lúc nào cũng muốn mang Pháp Bảo đến mọi người. Thầy đã bị rúng động bởi điều đó và ở lại đến hôm nay cũng vì vậy.

Thời gian đầu ở Sri Lanka, nhiều người hay hỏi thầy, tại sao một đất nước tươi đẹp như thế mà không có ngôi chùa Việt Nam. Lúc đó thầy đã mơ ước đến ngày nào đủ duyên sẽ làm. Bao thế hệ tăng sinh Việt Nam từng học ở đây và cả những sư thầy nổi tiếng mà chưa đủ duyên để làm được điều này.

Sự thành tâm của mình có thể chạm đến đức Phật, lòng người ở đây cũng như quê hương. Mong muốn này không phải cho cá nhân thầy, mà là để có một “ngôi nhà Việt Nam” trên đất Phật pháp, nơi người Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế đến thăm viếng.

Bạn học đại học khuyến khích thầy ở lại xây chùa, “làm con mắt để chúng tôi thấy được Việt Nam”. Thời điểm năm 2014 chỉ có khoảng 10 người Việt Nam du học Sri Lanka. Khóa của thầy chỉ duy nhất thầy là người Việt Nam. Lúc nào thầy cũng giới thiệu về hình ảnh đất nước, văn hóa Việt Nam. Thực ra không cần nói nhiều mà họ nhìn thấy mình, qua lời nói, cử chỉ, hành động của mình, đã nhận ra chất Việt Nam. Vì thế, họ nói thầy phải xây chùa Việt Nam ở đây để giới thiệu văn hóa, truyền thống quê hương.

“Nếu không có người Việt Nam, chắc chắn không có Trúc Lâm”

- Và Thiền viện Trúc Lâm đã ra đời?

- Thực ra mong muốn là thế nhưng cũng phải đến năm 2020, tức là sau gần 7 năm đến Sri Lanka thầy mới quyết định xây dựng Thiền viện Trúc Lâm. Khi mình hạnh phúc thì không nghĩ tới khó khăn, vì thầy nghĩ rằng công việc mình đang làm là cho Tổ quốc, cho quê hương và cho các sư nhỏ tu học ở Sri Lanka. Nhưng bắt tay vào làm thì cũng không dễ dàng.

Đầu tiên là thủ tục, trước khi xây chùa, thầy vẫn mặc theo truyền thống Bắc truyền, nhưng muốn xây chùa ở đây thì phải chấp nhận đổi y phục sang Nam truyền. May mắn là thầy hài hòa được. Ví dụ, bên Nam truyền sư thầy chuyên tâm tu học và hành thiền, Bắc truyền sư thầy rất giỏi về cách thức tổ chức hoạt động, sự kiện, mình có thể kết hợp, vừa tu học vừa hành thiện, dạy học, tổ chức các hoạt động tại thiền viện. Đó cũng là một cái hay. Sống ở đâu cũng vậy, quan trọng là tinh thần hài hòa, Bắc truyền hay Nam truyền chỉ là cái tên, còn lại là ngôi nhà chung của Phật giáo.

 Một góc Thiền viện Trúc Lâm

Một góc Thiền viện Trúc Lâm

- Ngoài việc đổi y, quá trình xây dựng thiền viện có gặp khó khăn gì nữa không, thưa thầy?

- Sri Lanka là đất nước Phật giáo, chính quyền ủng hộ Phật pháp. Sư phụ là người bảo trợ, cho đất làm chùa. Còn về tài chính, may mắn là nhiều người thấy được lòng thành của mình, cúng dường tiền. Họ cúng dường được bao nhiêu thì xây dựng, hết tiền lại ngưng. Làm cuốn chiếu trong khả năng của mình. Từng việc nhỏ rồi mở rộng ra khi điều kiện cho phép.

Người dân địa phương ở đây rất nghèo, chỉ đến chùa làm công quả, còn tiền tài đến thời điểm này là nhờ người Việt Nam mình, cả trong và ngoài nước, cúng dường. Thầy rất biết ơn quê hương. Nếu không có người Việt Nam chắc chắn thầy không làm được ngôi chùa Việt Nam ở đây.

Ươm trồng những hạt giống tốt

- Tại sao thầy chọn mô hình thiền viện chứ không phải chùa Trúc Lâm?

- Ngay khi bắt tay xây dựng, thầy đã có ý tưởng nơi đây sẽ hướng dẫn mọi người hành thiền, tu tập. Thiền thì ai cũng có thể đến tu tập được, không phân biệt quốc tịch, màu da, dân tộc, tôn giáo. Thiền là không biên giới. Từ tiêu chí đó thầy mong muốn xây dựng một ngôi chùa quốc tế. Pháp môn thầy chọn là thiền định. Trúc Lâm là tên thờ Phật. Đặc biệt nữa là nơi đây có nhiều tre trúc, từ cổng vào bên phải là tre xanh, bên trái là tre vàng.

Mặc dù là ngôi chùa Việt Nam nhưng kiến trúc của Trúc Lâm thể hiện sự giao hòa, ai đến cũng cảm nhận như ngôi nhà của mình, có năng lượng và thích tu tập. Giờ đây không chỉ người Sri Lanka mà cả người quốc tế cũng đến đây hành thiền, mỗi tối khoảng 30 - 40 người, Chủ nhật khoảng 50 người, tu tập từ sáng đến chiều. Nhà chùa nấu cơm cho mọi người ăn, làm các món để giới thiệu ẩm thực Việt Nam.

- Ngôi chùa Việt Nam có ý nghĩa thế nào đối với người dân sở tại?

- Ngôi chùa Việt Nam giống như một hạt giống đang được ươm trồng, hàng ngày các sư thầy Việt Nam tưới nước, chăm sóc, người dân xung quanh cũng đến hỗ trợ. Thầy nghĩ rằng, quan trọng nhất là người dân địa phương phải là người hộ pháp cho mình. Mọi việc đến tự nhiên, không phải suy nghĩ nhiều. Cái gì làm từ trái tim, từ trong tâm mình thì cộng đồng và mọi người chắc chắn sẽ cảm nhận được và sẽ đến với mình. Đó là lực hấp dẫn.

 Một góc Thiền viện Trúc Lâm

Một góc Thiền viện Trúc Lâm

Hiện ở thiền viện có 3 đạo tràng dành cho trẻ em, phụ nữ và nam giới. Cái thiền viện hướng đến nhiều nhất là giáo dục, ngoài tu tập thiền định. Vì các em sẽ là những người kế thừa của Phật giáo, của đất nước. Thầy mở các lớp dạy tiếng Việt, tiếng Anh và công nghệ thông tin. Hàng tuần, thầy họp trưởng các nhóm khoảng 10 em để dạy kỹ năng lãnh đạo, thủ lĩnh, truyền năng lượng cho các em, vì khi lãnh đạo được thì mới giúp được nhiều người.

- Phải chăng chính việc lựa chọn giáo dục theo hướng thầy vừa nói đã kéo mọi người đến gần Trúc Lâm?

- Giáo dục ở đây không chỉ là kiến thức mà đến chùa phải thực tập thiền để có cái tâm tốt, phải là người tốt trước. Phải dạy đạo đức cho các em, cho các em học thêm về giáo lý đức Phật qua đó để biết yêu thương mọi người; cho các em thấy mình phải là người quan trọng, chỉ khi mình giúp được mình thì mới giúp được người trong gia đình, rộng ra là xã hội, đất nước. Các em đến chùa không chỉ để học ngôn ngữ. Ngôn ngữ chỉ để hỗ trợ các em, còn cái chính vẫn là phải dạy đạo đức qua lời dạy của đức Phật, tu tập thiền định. Người tài ở đâu cũng có, nhưng quan trọng phải có đạo đức.

- Thầy mong muốn nhất điều gì với ngôi chùa mà thầy và các đệ tử, Phật tử đang xây dựng?

- Điều mong mỏi nhất là hoàn thành tất cả hạng mục công trình ở Trúc Lâm để phục vụ người dân, Phật tử và thầy yên tâm hoằng pháp!

- Xin cảm ơn thầy!

Nhật Linh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bai-cuoi-luc-hap-dan-tu-tam-post400427.html