Bài cuối: Mong muốn bảo tồn và phát huy văn hóa Tết
Dưới góc nhìn văn hóa với sự tôn trọng đa dạng văn hóa của các cộng đồng, với những giá trị lịch sử tích lũy lâu dài của một cộng đồng có nền văn minh riêng của mình, có thể thấy Tết như là một di sản văn hóa hàng đầu của dân tộc Việt Nam, xứng đáng được thấu hiểu, bảo tồn, phát huy, phát triển và quảng bá.
Bài 2: Gay gắt chuyện gộp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán
Bài 1: Tết âm lịch - di sản văn hóa lễ hội
Đó là lời khẳng định của người dân cũng như các nhà văn hóa. Chính vì vậy, đại đa số bộ phận người dân mong muốn quan tâm bảo tồn và phát huy văn hóa ngày Tết.
Lễ hội mang tính quan trọng
Ít nhất 2.000 năm, khi cộng đồng Việt cổ tiếp xúc với âm lịch, Tết Nguyên đán đã được thực hành trong đời sống văn hóa như là thành phần cơ hữu của toàn bộ hệ thống, nó là thời điểm tích lũy, bùng nổ những ứng xử, những thành tựu văn hóa của cả một cộng đồng. Từ một lễ tiết đánh dấu kết thúc vòng quay một năm, bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, Tết ở một số nước phương Đông thực sự đã trở thành một sinh hoạt mang tính lễ hội quan trọng.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền: Tùy từng điều kiện nhưng Tết là lúc người ta bao dung cho mỗi số phận, mỗi mảnh đời được sống trong trời đất này. Không ai tước đoạt được của ai cái tâm thức Tết như một thời điểm người ta nghĩ về cuộc đời, về số phận, về dự định tương lai, về lẽ sống cùng đồng loại.
Trong sự tích lũy văn hóa, có thể có những tộc người vốn bước vào lễ hội đón năm mới ở một thời điểm khác nhau theo bản sắc tộc người, nhưng khi đã hòa đồng trong cộng đồng quốc gia, tất cả đã đều chung một niềm vui Tết Nguyên đán. Quá trình dựng xây quốc gia - dân tộc đã đem đến thành quả này như là một động thái lịch sử cần được thừa nhận và bảo vệ. Động thái này góp phần cố kết dân tộc ở một tầm độ rộng lớn nhất, sâu sắc nhất. Sự tôn trọng Tết riêng của từng tộc người khác nhau không mâu thuẫn với quá trình tiếp biến, hội nhập thành cái Tết chung ở tầm độ quốc gia - dân tộc.
Tết cũng là lễ hội đánh dấu sự luân chuyển thời gian, trong mọi cộng đồng đều dành cho Tết những ứng xử tốt đẹp nhất. Sự tôn kính với tổ tiên trong cảm thức uống nước nhớ nguồn qua các nghi lễ, sự tôn trọng người trên trong ứng xử xã hội, sự yêu thương đối với trẻ em, thế hệ tương lai, sự trợ giúp với những số phận kém may mắn, gần thì trong nhà ngoài họ, xa thì nghĩa xóm tình làng, từ thiện xã hội. Dịp Tết, người ta mở rộng lòng đón khách với những ngôn từ lịch sự, chúc tụng nhau có đời sống tốt đẹp hơn. Người ta kiêng nói những điều không thanh nhã trong ngày đầu năm mới. Những thuần phong mỹ tục được phát huy, những hủ tục được khắc phục, một sự tử tế cộng đồng lan tỏa khắp nơi.
Trên phương diện cộng đồng, Tết là dịp mà sắc màu được bùng nổ khắp các không gian sống: Trang hoàng nhà cửa, xóm ngõ phố phường; người người cố gắng ăn mặc đẹp hơn, cờ hoa tưng bừng khắp nơi, diễn xướng dân gian được dịp bùng phát. Đó giống như sự bừng tỉnh của đất trời sau một năm lam lũ làm ăn. Yếu tố thực tiễn và yếu tố trình diễn tổng hòa trong dịp Tết.
Dọn dẹp, trang trí không gian sống gia đình và làng xã, một mâm cơm cúng, một tiệc trà đãi khách, một lời chào hỏi mời mọc hoặc chúc tụng, một diễn xướng dân gian… tất cả đều thấm đẫm một tâm thức, một tinh thần trình diễn. Âm thanh, sắc màu, hương vị, động thái, thời trang và lòng người… tất cả tạo nên một bản giao hưởng văn hóa thâm trầm về nguồn cội, chan hòa trong giao tiếp, cố kết tình người và kỳ vọng tương lai.
Tết nay khác Tết xưa
Cùng với quá trình phát triển kinh tế của đất nước, những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam cũng đang dần bị ảnh hưởng và mai một bởi yếu tố ngoại lai. Những nét văn hóa cùng cách sinh hoạt ngày Tết đã khác. Nhưng nét đẹp truyền thống vẫn được bảo tồn từ đời này qua đời khác.
Ngày nay, nhu cầu ăn ngon mặc đẹp là tự nhiên, có thể đáp ứng ngay không cần phải đợi đến ngày Tết, chính vì vậy, ngày Tết không cần thiết phải có đủ: “Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh/Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ”. Hơn nữa những ngày lễ trên thế giới đang dần đi vào cuộc sống của mỗi người dân, đặc biệt là giới trẻ. Giới trẻ bây giờ dường như ngày càng thích thú hơn với các ngày Tết Dương Lịch, lễ Giáng sinh, Lễ Tình yêu hơn là những ngày Tết truyền thống.
Trong đời sống hiện đại, việc sắm Tết cũng bị ảnh hưởng văn hóa phương Tây. Ngày nay, nhiều gia đình chọn cách mua đồ sẵn ở chợ thay vì mua thực phẩm về tự chế biến. Việc chuẩn bị Tết của gia đình cũng không còn như xưa, đặc biệt là ở các thành phố, việc sắm Tết trở nên đơn giản và gọn nhẹ hơn rất nhiều, cái gì cũng làm sẵn, cũng bán sẵn, cũng có sẵn để mua. Chỉ cần ngày 28, 29 Tết, các gia đình đi một vòng quanh chợ hay siêu thị là có thể sắm được đủ thứ cần thiết... Mâm cỗ ngày Tết giờ cũng phong phú hơn và đa dạng hơn. Bên cạnh những món ăn truyền thống của người Việt như: Giò, chả, nem, bánh chưng, thịt đông, gà... còn có những món ăn được du nhập từ Phương Tây như: Bít tết, súp, mỳ Ý...
“Quan niệm về Tết trong thời kỳ hiện đại cũng có nhiều biến đổi cả về mặt khái niệm lẫn hành vi. Bây giờ người ta quan niệm là “nghỉ Tết”, “chơi Tết” chứ không còn là “ăn Tết”. Khi cái ăn, cái mặc không còn là vấn đề quan trọng trong ngày Tết thì người ta hướng đến tinh thần nhiều hơn. Đối với nhiều người hiện nay, Tết không hẳn là dịp trở về quê, hay ăn Tết tại gia mà là dịp để thực hiện những chuyến đi ngắn: Du lịch, đi nghỉ trong nước và ngoài nước, khám phá những vùng đất mới, đi lễ cầu may, đi thăm bè bạn nơi xa...” - TS Trần Hữu Sơn - nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam bày tỏ.
Tuy nhiên, không vì thế vẻ đẹp Tết cổ truyền mất đi. Ngày nay, bắt đầu sau rằm tháng Chạp, rất nhiều hoạt động văn hóa mang tính đặc trưng của ngày Tết đã được mở ra, khơi gợi bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống đương đại, làm cho mọi người càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, với cộng đồng và sống có trách nhiệm hơn với quá khứ, với hiện tại và cả với tương lai của mỗi con người. Và trong tâm thức người Việt, nguồn cội luôn có giá trị rất sâu sắc, điều này thể hiện rõ nhất trong ngày Tết. Chính vì vậy, dù ở đời nào thì Tết cổ truyền vẫn cần được bảo tồn và phát huy.
"Trải qua bao biến thiên của thời đại, đến nay, Tết Việt đã có nhiều thay đổi. Những thay đổi đó cũng tác động đến suy nghĩ và nhận thức của các thế hệ sau này. Giữ gìn nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam là trách nhiệm không của riêng ai. Bởi vậy, mỗi người dân dù đang sinh sống trên đất nước mình, hay học tập, công tác và định cư ở nước ngoài cần bảo tồn và phát huy những nét truyền thống văn hóa của Tết Việt. Đồng thời, chúng ta cũng cần phê phán, đấu tranh loại bỏ những hủ tục lạc hậu trong dịp Tết Nguyên đán, như: Hoạt động mê tín dị đoan; nạn cờ bạc, rượu chè; các lễ hội phản cảm, tốn kém; các hiện tượng gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội." - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn phát huy văn hóa Việt Nam - PGS.TS Nguyễn Văn Huy
"Với tất cả những gì lưu lại trong những ngày Tết, trong tâm trí người Việt có thể khẳng định không phải bỏ đi một di sản văn hóa truyền đời mà chúng ta cần nhận thức, bảo lưu giá trị, phát triển và thực hành, quảng bá nó như thế nào." - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - TS Trần Hữu Sơn