Bài cuối: Nguồn lực là hữu hạn, sáng tạo là vô hạn

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nghị viện/Quốc hội chuyên nghiệp ở nhiều nước phát triển có tới 18 đến 25 Ủy ban chuyên môn và làm việc quanh năm, tổng thời gian làm việc trong năm lên đến trên dưới 10 tháng. Còn ở nước ta, Quốc hội hiện tại chỉ gồm Hội đồng Dân tộc và 9 Ủy ban chuyên môn với nguồn kinh phí tối thiểu trong điều kiện nền kinh tế - xã hội đang hồi phục sau đại dịch Covid-19. Là Quốc hội đang từng bước chuyên nghiệp hóa, một năm hai kỳ họp, thời gian tối thiểu, muốn giải quyết công việc tối đa có hiệu quả thì đổi mới, sáng tạo là một yêu cầu tất yếu. Quốc hội Khóa XV đã và đang thực thi nhiệm vụ được luật định theo phương châm này.

Tổ chức kỳ họp bất thường là một giải pháp khả thi

Từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2023 đều quy định Quốc hội có thể họp bất thường khi có yêu cầu. Cả 5 văn bản Luật Tổ chức Quốc hội, từ Luật năm 1960 đến Luật năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) cũng đều khẳng định điều này. Nhưng sau 76 năm, đến tháng 1.2022, lần đầu tiên Quốc hội mới tổ chức kỳ họp bất thường. Từ đó đến trước Kỳ họp thứ Năm (tháng 5.2023), trong khoảng thời gian gần một năm rưỡi, Quốc hội đã tiến hành 4 kỳ họp bất thường. Điểm lại tất cả các công việc của các kỳ họp bất thường (như quyết định chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch; kiện toàn các chức danh cấp cao trong bộ máy nhà nước; Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...) đều là những vấn đề trọng đại, cấp bách, “việc hôm nay không thể để ngày mai”, phải giải quyết tức khắc, càng sớm càng tốt.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV

Tăng thêm kỳ họp bất thường có nghĩa là tăng thêm thời gian làm việc của Quốc hội, nhưng với điều kiện ràng buộc là nội dung kỳ họp phải là những “việc phải làm ngay”. Việc tăng thêm kỳ họp (bất thường) ngoài các kỳ thường niên là giải pháp hoàn toàn khả thi vì đã được bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật. Chắc chắn từ đây giải pháp này sẽ luôn được sử dụng, đúng như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã phát biểu, với việc tổ chức thành công các kỳ họp bất thường, "chúng ta có bài học quý để kỳ họp "bất thường" trở thành hoạt động "bình thường" của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn".

Từ chương trình tổng thể mà triển khai thành các tuyến công việc

Đó chính là phương pháp tổ chức lao động khoa học trí thức. Trước hết, Quốc hội hình dung ra mọi công việc của từng năm và toàn bộ công việc chính yếu của cả khóa, đề ra mục tiêu, vạch ra tiến độ và xây dựng kế hoạch “thi công”, tác nghiệp cho mỗi nhóm công việc theo thời gian, theo kỳ họp và theo phân công (trách nhiệm) cho từng cơ quan...

Trong công tác lập pháp, tại Kế hoạch số 81 ngày 5.11.2021, trong 71 nhiệm vụ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản hiện hành thì có đến 58 nhiệm vụ phải hoàn thành trước ngày 31.12.2022 (thực tế đã hoàn thành đúng thời hạn); 8 nhiệm vụ phải hoàn thành trước 31.12.2023; 4 nhiệm vụ của năm 2024 và 1 nhiệm vụ của năm 2025 đều đang được thực hiện theo lộ trình quy định. Còn 38 nhiệm vụ xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết mới thì có 28 nhiệm vụ của năm 2022 (nay đã hoàn thành); 8 nhiệm vụ của năm 2023, 1 nhiệm vụ của năm 2024 và 1 nhiệm vụ của năm 2025 đều đang được thực thi theo chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội.

Còn về hoạt động giám sát, kế hoạch được xây dựng và thực hiện theo phương pháp “cuốn chiếu”, năm trước Quốc hội xây dựng kế hoạch cho năm sau. Hiện tại đã có kế hoạch đến hết năm 2024 cho các hình thức giám sát chuyên đề; xem xét việc trả lời chất vấn của người bị chất vấn; lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và xem xét báo cáo của các cơ quan nhà nước.

Trong hoạt động giám sát, Quốc hội đặc biệt quan tâm đến nguyện vọng của cử tri, của Nhân dân. Tại Kỳ họp thứ Năm, lần đầu tiên Quốc hội đã thảo luận tại nghị trường và truyền hình, phát thanh trực tiếp về “Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ Tư và báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ Năm của Quốc hội” để cử tri và Nhân dân theo dõi. Phương thức hoạt động này trong điều kiện có các phương tiện thông tin đại chúng nhanh, nhạy đã giải tỏa được tâm tư, băn khoăn của không ít cử tri trước đây. Lần này, nhiều cử tri theo dõi liên tục, nhìn thấy các đại biểu phát biểu, tranh luận sôi động, sâu sắc, lãnh đạo chăm chú lắng nghe, ghi chép cẩn thận đã bày tỏ trân trọng sự quan tâm, xử lý của Quốc hội... Do vậy, có thể nói, cách làm này là một “sáng kiến hay” cần được duy trì và phát huy...

Phương pháp tổ chức làm việc khoa học theo kế hoạch, chương trình, đề án (có lớp lang, bài bản, định tính, định lượng...) đã bảo đảm cho hầu hết các công việc của Quốc hội kết thúc tương đối đúng hạn định, có chất lượng và thanh kiểm được trách nhiệm đến từng chủ thể công việc được phân công...

Đại biểu trí tuệ, bản lĩnh

Trí tuệ, bản lĩnh của đại biểu và sự điều hành thông thái của chủ tọa là hai thành tố bảo đảm cho những phiên họp toàn thể tại hội trường kết thúc “có hậu” nói riêng và cả kỳ họp thành công nói chung.

Vào đầu nhiệm kỳ, các số liệu về học vấn (trình độ được đào tạo) của đại biểu đã gây ấn tượng khi có tới 392 đại biểu có trình độ trên đại học (chiếm 78,55% tổng số đại biểu), trong đó có 144 Tiến sĩ, 248 Thạc sĩ, 12 Giáo sư, 20 Phó Giáo sư, nghĩa là số đại biểu có trình độ trên đại học, có học vị, học hàm chiếm ưu thế tuyệt đối, hơn hẳn nhiều nhiệm kỳ trước.

Trải qua các kỳ họp cho tới lúc này đã cho thấy, đây là khóa Quốc hội mà các đại biểu vô cùng hăng hái phát biểu, có nhiều phiên thảo luận, số đại biểu đăng ký mà chưa được phát biểu còn lại rất lớn. Các ý kiến phát biểu đều có chất lượng, có hàm lượng “chất xám”, có tính xây dựng cao (hoặc tổng kết được thực tiễn, hoặc đề xuất được phương án khả thi xử lý những vấn đề phức tạp...). Cũng từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều đại biểu thực sự có trí tuệ và bản lĩnh.

Ngay từ lần đầu tiên thảo luận kinh tế - xã hội năm 2021, một nữ đại biểu trẻ ở một tỉnh vùng núi cao đã phản ánh một tổng kết thực tiễn rất đáng quan tâm rằng, “Các tỉnh miền núi, biên giới có 6 cái nhất: Nhiều khó khăn nhất; tỷ lệ hộ nghèo cao nhất; thu nhập bình quân đầu người thấp nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận dịch vụ xã hội cũng chậm nhất”. Ý kiến này vừa có dụng ý đồng tình cao với Chương trình mục tiêu số 88 Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được Quốc hội quyết định từ nhiệm kỳ trước, vừa tiếp tục nói rõ thực trạng hiện tại, luận bàn thúc đẩy tốc độ triển khai các dự án thành phần nhanh hơn...

Nếu theo dõi Quốc hội làm ngân sách nhà nước nhiều năm, nhiều khóa, chúng ta dễ dàng nhận ra, bao giờ đại biểu cũng tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu để giảm bớt nợ công, hạ thấp mức bội chi ngân sách, không ai muốn đất nước “gánh gánh nợ quá nặng”. Nhưng tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV cuối năm 2021, có đại biểu đã kiến nghị tăng mức nợ công lên sát trần, vì dư địa còn cho phép (mức trần nợ công cho phép có thể đến 60% so với GDP, trong khi chúng ta mới tới 43,7%), vì vậy có thể nâng mức nợ công lên mức 51%. Từ đây sẽ nâng mức bội chi ngân sách nhà nước thêm lên 2-3% nữa so với kế hoạch trong thời gian 2 - 3 năm. Như thế sẽ có nguồn lực bằng tiền để thực hiện các kế hoạch phục hồi kinh tế và đầu tư bứt phá.

Theo báo cáo của Chính phủ thì kinh tế vĩ mô khi ấy đang tiềm ẩn những rủi ro, đã xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, sức chống chịu đã rất yếu, tiềm lực của doanh nghiệp đã cạn kiệt. Đang khi đại dịch hoành hành thì lại bị bão lũ quét dọc miền Trung. Khó khăn chồng chất khó khăn... Đây cũng chính là hoàn cảnh, là căn cứ của đề xuất, kiến nghị nói trên. Quốc hội thảo luận quyết liệt và cuối cùng con số bội chi ngân sách và nợ công được điều chỉnh lên, nhưng ở mức hợp lý hơn so với con số đại biểu kiến nghị. Cùng với việc thực thi nhiều giải pháp khác, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 đã có bước hồi phục và phát triển ngoạn mục, điển hình là GDP tăng tới 8,02%, đời sống của nhân dân từng bước ổn định... Có thể coi đề xuất tăng mức bội chi ngân sách, tăng mức nợ công cao hơn so với mức bình thường là một tìm tòi, là một khảo cứu kinh nghiệm quốc tế của đại biểu trong điều kiện, hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, là rất đáng quan tâm...

Chủ tọa điều hành thông thái

Tại các kỳ họp, sự phân công công việc trong lãnh đạo Quốc hội nói chung, trong từng phiên họp nói riêng là hợp lý tối ưu, vừa theo chuyên môn, nghiệp vụ, vừa theo yêu cầu của mỗi phiên họp. Nói một cách tổng quát nhất thì các phiên họp Quốc hội đã diễn ra trong bầu không khí dân chủ, thẳng thắn, cởi mở, trách nhiệm và hiệu quả.

Tính dân chủ, thẳng thắn và cởi mở được thể hiện ở tất cả các công việc, các hoạt động của kỳ họp, đặc biệt là trong các tranh luận tại các phiên thảo luận kinh tế - xã hội, trong hoạt động chất vấn. Chủ tọa các phiên họp đã khá nhạy bén và khéo léo dẫn dắt để các đại biểu tập trung vào trọng tâm, trọng điểm của mỗi công việc.

Là một nhà kinh tế, trong thảo luận kinh tế - xã hội cũng như thảo luận các dự án luật, nhiều lần Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải làm rõ các con số, định lượng minh bạch, rõ ràng, vì “tự thân con số sẽ nói lên tất cả”. Trong hoạt động chất vấn, Chủ tịch Quốc hội theo dõi kỹ lưỡng, chi tiết, nhắc người bị chất vấn bỏ sót câu chưa trả lời, những chi tiết cần lý giải rành mạch hơn; nhận xét cả câu chất vấn của đại biểu và cả câu trả lời của người trả lời chất vấn để hướng vào trọng tâm vấn đề đang bàn... Với phong thái vui tươi, dí dỏm, Chủ tịch Quốc hội động viên, khích lệ... càng làm cho không khí nghị trường thêm vui vẻ, đầm ấm và tăng thêm sự đoàn kết, gắn bó vì công việc, vì nhiệm vụ chung...

Còn rất nhiều nội dung cải tiến, đổi mới khác trong tổ chức, hoạt động của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay đã đem lại kết quả thiết thực như: Đổi mới tổ chức kỳ họp cho phù hợp với hoàn cảnh (họp trực tiếp, trực tiếp kết hợp trực tuyến, phân khúc thời gian kỳ họp, tiết kiệm thời gian mỗi kỳ họp); đổi mới cấu trúc chương trình kỳ họp; đề ra nguyên tắc tranh luận hợp lý; đổi mới đánh giá hoạt động của đại biểu... Tất cả đều nhằm mục tiêu nâng tầm chất lượng công việc, thời gian và chi phí tối thiểu mà hiệu quả công việc tối đa.

Những kết quả đạt được của nửa đầu nhiệm kỳ Khóa XV là nền tảng vô cùng vững vàng để trong nửa cuối nhiệm kỳ Quốc hội càng đẩy mạnh việc nghiên cứu, thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Hiến định và yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “phát huy truyền thống vẻ vang và các kết quả đã đạt được, tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong giai đoạn mới” với nội dung cơ bản là, “Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản luật... Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn... Nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng ngày càng chính xác, thực chất hơn” (*). Thực hiện trọn vẹn các nhiệm vụ trọng tâm này, Quốc hội Khóa XV nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình trước Đảng, trước cử tri và đồng bào cả nước.

(*) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XV, ngày 20.7.2021.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bai-cuoi-nguon-luc-la-huu-han-sang-tao-la-vo-han-i336640/