Bài cuối: Phát huy truyền thống vẻ vang, xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ, trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND) đã đổi mới toàn diện các mặt công tác, xây dựng lực lượng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Công tác xây dựng lực lượng CSND thời kỳ này luôn được Đảng, Nhà nước và Bộ Công an quan tâm xây dựng, củng cố và phát triển. Về tổ chức, bộ máy, ngày 15/9/2009, Chính phủ có Nghị định số 77/2009/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; theo đó, hệ thống tổ chức, bộ máy của lực lượng CSND với 3 Tổng cục (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm; Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.
Ngày 17/11/2014, Chính phủ có Nghị định số 106/2014/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; theo đó, hệ thống tổ chức, bộ máy của lực lượng CSND với 2 Tổng cục (Tổng cục Cảnh sát; Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp), Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và 2 Cục trực thuộc Bộ (Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông).
Đến năm 2018, kế thừa có chọn lọc ưu điểm của tổ chức bộ máy Bộ Công an, Đảng ủy Công an Trung ương đã chủ động nghiên cứu xây dựng Đề án 106 “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Bộ Công an tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 01/NĐ-CP ngày 6/8/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Công an; theo đó, không tổ chức cấp Tổng cục, sắp xếp tinh gọn cơ quan Bộ thành các đơn vị cấp Cục trực thuộc Bộ, hệ thống tổ chức, bộ máy lực lượng Cảnh sát được bố trí theo hướng tập trung, chuyên sâu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội với 12 Cục nghiệp vụ; tăng cường gần 5 vạn CBCS xây dựng lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy theo phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, lực lượng CSND đã tham mưu với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị, tạo cơ sở chính trị để lực lượng CSND làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp các giải pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Cùng với tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, lực lượng CSND đã tích cực tham gia công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác quản lý xã hội, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm.
Bên cạnh các dự án luật, lực lượng Cảnh sát cũng tham mưu với Chính phủ ban hành nhiều Nghị định, Bộ Công an ban hành nhiều Thông tư để hướng dẫn thực hiện. Qua đó, hành lang pháp lý cho công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ngày càng được hoàn thiện, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội trong tình hình mới.
Cùng với đó, các phương châm, biện pháp công tác nghiệp vụ của lực lượng CSND không ngừng được bổ sung và hoàn thiện phù hợp với yêu cầu, đỏi hỏi của tình hình thực tiễn. Thời gian qua, lực lượng CSND đã bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước trong từng giai đoạn để triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trung bình những năm gần đây (giai đoạn 2010-2021), mỗi năm điều tra khám phá 51.500 vụ phạm tội về trật tự xã hội; 20.300 vụ phạm tội về ma túy; 16.200 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu; 18.300 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về môi trường; thụ lý điều tra 100.000 vụ án các loại.
Lực lượng CSND đã thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong phòng ngừa, đấu tranh thực hiện mục tiêu kéo giảm tội phạm (năm 2018, số vụ phạm tội về trật tự xã hội giảm 0,61% so với năm 2017; năm 2019, giảm 7,39% so với năm 2018; năm 2020, giảm 5,43% so với năm 2019; năm 2021 giảm 11,33% so với năm 2020).
Lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu thu được những kết quả rất quan trọng và có nhiều bước tiến mới. Đặc biệt, từ năm 2013 đến nay, lực lượng CSND đã thực hiện có hiệu quả công tác phát hiện, điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (nay là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực) tạo được nhiều dấu ấn rõ nét, được đánh giá là “điểm sáng” trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.
Qua công tác điều tra, xử lý các vụ án đã góp phần đưa công tác phòng, chống tham nhũng trở thành xu thế “không thể đảo ngược” như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá.
Trong giai đoạn này, sự gia tăng của tội ma túy trên thế giới và khu vực đã tác động làm cho tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trong nước diễn ra phức tạp. Lực lượng CSND đã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp chặt chẽ cùng các ngành tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, giải pháp thực hiện đồng bộ mục tiêu “chặn cung”, “giảm cầu” và “giảm tác hại” của ma túy.
Những năm qua, lực lượng CSND tích cực hợp tác cùng cộng đồng quốc tế đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, giải quyết những vấn đề phi truyền thống các quốc gia cùng quan tâm, góp phần tạo môi trường ổn định cho thế giới, khu vực và trong nước.
Chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 1/2021 đến 30/7/2021, lực lượng CSND đã triển khai thực hiện thắng lợi chiến dịch thu nhận và cấp 50 triệu thẻ căn cước có gắn chíp điện tử cho công dân với nhiều dấu ấn nổi bật về tinh thần cống hiến, tận tụy phục vụ Nhân dân.
Ngay sau khi hoàn thành Dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, lực lượng CSND đã tham mưu với Chính phủ có Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, đây là đề án có ý nghĩa quan trọng của quá trình chuyển đổi số quốc gia, cũng như góp phần đổi mới các mặt công tác của lực lượng CAND trong giai đoạn mới.
Năm 2020-2021, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn thế giới và trong nước. Hàng vạn CBCS CSND ở cơ sở đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, tham gia các chốt kiểm dịch, phối hợp thực hiện các biện pháp phong tỏa, cách ly, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để truy vết, khoanh vùng, dập dịch; tăng cường đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội để cùng cả nước từng bước đẩy lùi dịch bệnh. Qua đó, càng tô thắm thêm bản chất tốt đẹp, cao quý của người chiến sĩ CSND, thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình...