Bài cuối: Tân Phước những ngày 'nắng đẹp'

Bài 1: Chinh phục đồng cỏ lác

Bài 2: Chuyện những người đi "mở đất"Bài 3: Miền quê nghèo khó bắt đầu bừng sángBài 4: Nông nghiệp "thay da đổi thịt"

(ABO) Vậy là sau 30 năm, vùng đất phèn chua năm nào, đã khoác lên mình chiếc áo mới tinh tươm hơn. Tân Phước với những ngày “nắng đẹp” cũng đã bắt đầu cho một hành trình mới.

GIAO THÔNG LÀM ĐÒN BẨY

Sau 30 năm, điều có thể dễ dàng nhận thấy nhất của huyện Tân Phước là hệ thống hạ tầng giao thông. Vùng đất một thời đi lại bằng xuồng ghe, nay đã khác nhiều. Những con đường giao thông thẳng tắp, phẳng phiu đã được nối liền các địa bàn của huyện.

Các tuyến giao thông quan trọng đã được kết nối với huyện Tân Phước. Ảnh: TUẤN LÂM.

Các tuyến giao thông quan trọng đã được kết nối với huyện Tân Phước. Ảnh: TUẤN LÂM.

Thực tiễn cũng cho thấy, việc đầu tư kết nối hạ tầng trên địa bàn huyện Tân Phước không chỉ đơn thuần phục vụ giao thông mà còn được tính toán để khơi gợi nguồn lực phát triển công nghiệp. Bởi, đây cũng được xem là tiềm năng to lớn của huyện Tân Phước trong tương lai.

Theo đó, với việc triển khai đầu tư dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và nút giao Thân Cửu Nghĩa (cách Khu công nghiệp (KCN) Tân Phước 1, Tân phước 2 khoảng 2 km) với đường tỉnh 878 kết nối khu vực sản xuất công nghiệp phía Đông Nam huyện Tân Phước với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương sẽ rất thuận lợi trong kết nối giao thông vào các KCN sau này.

Song song đó, các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn huyện Tân Phước cũng đã được được quy hoạch. Chẳng hạn, Dự án đầu tư xây dựng công trình Đường phát triển vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) đã được HĐND tỉnh Tiền Giang phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị Quyết 26/NQ-HĐND ngày 17-9-2021, được xây dựng mới hoàn toàn có điểm đầu kết nối trực tiếp với nút giao Thân Cửu Nghĩa thuộc dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nằm trên địa bàn huyện Châu Thành và điểm cuối đấu nối vào vòng xoay thị trấn Mỹ Phước thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Dự án nâng cấp đường tỉnh lộ 865 thành Quốc lộ 30C được UBND tỉnh đã trình Bộ giao thông vận tải, phục vụ hoạt động vận tải liên tỉnh Tiền Giang - Long An - Đồng Tháp. Dự án nâng cấp đường huyện lộ 40 (đường Bắc Đông) thành tỉnh lộ 865B phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐTM và các dự án mời gọi đầu tư...

Song song đó, giai đoạn sau 2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sẽ có tuyến vận tải đường sắt liên vùng nối từ TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại theo quy hoạch ngành đường sắt tại Quyết định 1686/QĐ-TTg ngày 20-11-2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, với ga đường sắt Mỹ Tho được quy hoạch cách KCN Tân Phước 1 khoảng 10 km về phía Nam.

Chưa kể, trên địa bàn huyện có các tuyến đường thủy trục chính quan trọng để kết nối gồm: Kinh Nguyễn Văn Tiếp (kinh Tháp Mười 2) kết nối liên vùng từ các tỉnh miền Tây đến TP. Hồ Chí Minh; kinh Nguyễn Tấn Thành kết nối kinh Nguyễn Văn Tiếp ra sông Tiền có thể vận chuyển hàng hóa đi và đến Cảng Mỹ Tho và Cảng Hiệp Phước bằng xà lan tải trọng trên 100 tấn.

Những con đường giao thông thẳng tắp, phẳng phiu đã được nối liền các địa bàn của huyện Tân Phước.

Những con đường giao thông thẳng tắp, phẳng phiu đã được nối liền các địa bàn của huyện Tân Phước.

Các dự án trong khu vực công nghiệp Đông Nam Tân Phước sẽ kết nối với trục chính bằng kinh Năng và kinh Hai. Trong đó, KCN Tân Phước 1 có 4 mặt giáp kinh (phía Tây Bắc giáp kinh Hai rộng khoảng 30 m có thể lưu thông các tàu cỡ nhỏ, xà lan trên 100 tấn; phía Đông giáp kinh Năng chiều rộng từ 25-30 m) nối liền KCN Long Giang và các bến thủy và bãi vật liệu xây dựng hoạt động nhộn nhịp, tàu cỡ nhỏ và xà lan trên 100 tấn ra vào tấp nập…

Ngoài ra, hệ thống đường tỉnh gồm: 865, 865B, 866, 866B, 867, 874… cùng một số trục đường liên xã cũng sẽ được nâng cấp, mở rộng để đảm bảo kết nối thuận tiện với hệ thống đường huyện, đường tỉnh tạo thành mạng lưới đường hoàn chỉnh. Kết hợp với mạng lưới quy hoạch thủy lợi, quy hoạch dân cư và các công trình xây dựng hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn… tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư…

RẤT NHIỀU DƯ ĐỊA

Với mục tiêu đến năm 2025, du lịch trở thành lĩnh vực kinh tế phát triển mạnh của huyện và là địa bàn trọng điểm về du lịch của tỉnh Tiền Giang, huyện Tân Phước đã, đang đề ra các giải pháp nhằm khơi thông tiềm năng, lợi thế để tạo đà thúc đẩy du lịch phát triển. Trên địa bàn huyện hiện có 9 di tích được công nhận, trong đó gồm 1 di tích cấp Quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh. Các cơ sở tôn giáo, đặc biệt có Chùa Phật Đá (Linh Phước cổ tự) có kiến trúc độc đáo và lịch sử từ lâu đời; Thiền viện Trúc lâm Chánh giác có quy hoạch tổng thể gồm 25 hạng mục, với qui mô 30 ha, ngoài việc thiền tu còn làm phong phú thêm đời sống văn hóa tâm linh của người dân, phật tử; đây còn là điểm nhấn quan trọng thu hút du khách thập phương đến tham quan viếng chùa, lễ Phật và tham quan, du lịch. Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM có diện tích khoảng 106 ha ở xã Thạnh Tân được xem là điểm nhấn khi đến tham quan du lịch ở huyện Tân Phước… Ngoài ra, huyện đang hình thành các điểm du lịch sinh thái do doanh nghiệp tư nhân đầu tư tại xã Thạnh Mỹ (Khu du lịch sinh thái Trung Kiên, Khu du lịch TinTin), gồm loại hình du lịch nghỉ dưỡng gia đình; tham quan vườn cây ăn trái kết hợp với câu cá, bơi xuồng ba lá, ẩm thực...

Nhìn trên bình diện tổng thể, huyên Tân Phước hiện có rất nhiều lợi thế, dư địa để phát triển trong thời gian tới. Chẳng hạn, đối với giao thông, hiện có đến 7 tuyến đường kết nối Quốc lộ 1 và cao tốc vào huyện Tân Phước. Chẳng hạn, đường 865 kết nối từ nút giao Tân An về Phú Mỹ, Tân Phước. Với vị trí này thì Tân Phước rất gần TP. Hồ Chí Minh; đường 866B là đường hiện hữu nối vào KCN Long Giang; đường 878 nối trực tiếp vào nút giao cao tốc; đường ĐTM chuẩn bị hình thành; đường 867, đường 874 nối Quốc lộ 1 và nút giao cao tốc tại TX. Cai Lậy; đường 867 hướng về đường N2 và Quốc lộ 62.

Tân Phước còn nhiều dự địa để phát triển công nghiệp. (Ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Công nghiệp Minh Hưng Tiền Giang.

Tân Phước còn nhiều dự địa để phát triển công nghiệp. (Ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Công nghiệp Minh Hưng Tiền Giang.

Những điều đó tạo cho Tân Phước một lợi thế và cơ hội đặc biệt để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngoài ra, Tân Phước cũng là vùng nằm giữa cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và N2 nên có cơ hội phát triển thành vùng công nghiệp rộng lớn nếu được đầu tư hợp lý. Hiện trên địa bàn huyện có vùng công nghiệp Đông Nam Tân Phước với KCN Long Giang đang dần được lắp đầy, bên cạnh đó 2 KCN Tân Phước 1 với diện tích 470 ha và Tân Phước 2 với diện tích 300 ha đã thực hiện xong bước quy hoạch 1/2000 và đang tiến hành thực hiện khá nhanh các bước tiếp theo để có thể đưa vào hoạt động. Điều này sẽ mở ra những chặng đường mới cho Tân Phước trong tương lai.

Nhìn lại chặng đường 30 năm hình thành và phát triển, kết quả đạt được không phải là suông sẻ. Lũ lụt hàng năm gây thiệt hại không nhỏ, biết bao nhiêu lần kể hết những giọt nước mắt của người dân ngậm ngùi trước dòng nước lũ cuốn trôi công sức xây dựng nhọc nhằn, tuy có nhiều nỗ lực của các cơ quan chuyên môn nhưng chưa có giải pháp “sống chung với lũ, với phèn” hiệu quả.

Thiền viện Trúc lâm Chánh giác - điểm đến của nhiều du khách. Ảnh: TL.

Thiền viện Trúc lâm Chánh giác - điểm đến của nhiều du khách. Ảnh: TL.

Chính vì thế không ít hộ dân nghèo phải bỏ nhà, bỏ đất đã khai hoang đi làm thuê kiếm sống bằng nhiều ngành nghề ở nơi khác, có hộ trở về quê cũ hoặc tha phương cầu thực. Bởi những khó khăn chung về điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên chưa được cải tạo, nên sản xuất chưa mang lại hiệu quả, nhất là số hộ mới vào lập nghiệp chưa có kinh nghiệm sản xuất trên vùng đất phèn...

Du khách tham quan Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười.

Du khách tham quan Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười.

Trong đó, cũng có những lý do chủ quan như quy hoạch vùng sản xuất chưa phù hợp với điều kiện đất đai, ngập lũ; vốn đầu tư chưa đáp ứng; hệ thống công trình phòng chống lũ lụt từ năm 2002 trở về trước chưa đồng bộ, chưa đảm bảo vững chắc để bảo vệ cho vùng sản xuất khóm nguyên liệu, chưa có hệ thống cụm, tuyến dân cư vượt lũ nên hàng năm phải lo việc di dời chạy lũ; hệ thống kinh chống cháy và phương tiện phòng cháy chữa cháy rừng chưa đảm bảo; chính sách hỗ trợ thoát nghèo, tạo việc làm chưa ổn định vững chắc, rủi ro mất mùa luôn canh cánh mỗi khi lũ về.

Từ những khó khăn đó, với sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang và được sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh qua các thời kỳ, cùng với sự phấn đấu vượt qua khó khăn của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và công sức trực tiếp xây dựng của nhân dân, từng bước khó khăn hàng năm được khắc phục.

Tuy còn nhiều việc phải làm, nhưng đến nay huyện Tân Phước cơ bản đã ổn định và đang bước vào giai đoạn phát triển toàn diện và bền vững cho những năm tiếp theo. Sự phát triển đó, được khẳng định là quá trình hình thành và phát triển qua các thời kỳ khai thác ĐTM của hơn 35 năm qua, gần 6 nhiệm kỳ của Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Phước xác lập. Đó là kết quả của sự đoàn kết thống nhất ý chí của Đảng, Nhà nước và nhân dân qua các thời kỳ.

ANH PHƯƠNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202408/cuoc-cach-mang-o-vung-dat-phen-chua-bai-cuoi-tan-phuoc-nhung-ngay-nang-dep-1019447/