Bài cuối: Tạo đột phá từ cây trồng chủ lực
Thuận lợi về điều kiện tự nhiên như khí hậu, thổ nhưỡng, những năm qua, huyện Mường Khương lựa chọn các cây trồng chủ lực, hình thành vùng sản xuất tập trung, thu hút nguồn lực đầu tư sản xuất và chế biến, tạo thế sản xuất hàng hóa theo chuỗi khép kín, mang lại giá trị kinh tế cao và bền vững cho người nông dân.
Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: Ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã lấy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa làm 1 trong 3 lĩnh vực đột phá, trong đó, tiếp tục ưu tiên cho xây dựng, củng cố vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đến nay, toàn huyện Mường Khương đã có khoảng 10.500 ha cây trồng hàng hóa tập trung, gồm chè, chuối, dứa, quýt, quế, lúa Séng cù, ớt, hồng giòn. Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược Phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ nền tảng sẵn có, huyện Mường Khương đã sớm xác định rõ 5 cây, con chủ lực, gồm chè, chuối, dứa, quế và phát triển chăn nuôi lợn.
Hiện nay, huyện Mường Khương có trên 5.456 ha cây chè, trong đó chè kinh doanh 3.071 ha, năng suất đạt 11,5 tấn/ha. Tính đến hết tháng 9, sản lượng thu hoạch chè búp tươi đạt hơn 30.000 tấn, giá trị khoảng 221 tỷ đồng; gần 800 ha chuối, sản lượng đạt gần 4.400 tấn, giá trị đạt gần 23,3 tỷ đồng; trên 1.700 ha dứa, sản lượng đạt khoảng 35.200 tấn, giá trị đạt gần 250 tỷ đồng; cây quế là thế mạnh của các xã vùng thấp, diện tích toàn huyện đạt trên 2.140 ha, sản lượng khai thác đạt 120 tấn cành, lá; giá trị sản lượng đạt 180 triệu đồng.
Cũng theo ông Lê Thanh Hoa, không chỉ tập trung phát triển vùng nguyên liệu, huyện Mường Khương rất coi trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản, tạo mối liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Giải pháp của huyện là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp quỹ đất, giải phóng mặt bằng, kết nối lao động, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các cam kết về hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Từ năm 2023 đến nay, huyện Mường Khương thu hút thêm 2 dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chè búp tươi tại thị trấn Mường Khương và tại xã Lùng Khấu Nhin, nâng tổng số nhà máy chế biến chè tại Mường Khương hiện nay lên 7 cơ sở. Huyện cũng đang hỗ trợ tích cực Công ty Cổ phần Thực phẩm Á Châu có mặt bằng sạch để mở rộng quy mô, nâng cao công suất cơ sở chế biến chè tại thôn Giáp Cư, xã Lùng Vai.
Các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị xã hội của huyện Mường Khương đang đẩy mạnh hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản qua chuỗi cửa hàng bán lẻ Winmart, đưa các sản phẩm nông sản an toàn lên sàn giao dịch Postmart.vn, kết nối với các chợ đầu mối hàng nông sản và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho hàng nông sản...
Tháng 11, người dân vùng cao Mường Khương đang hối hả thu hoạch quýt sen trong niềm vui được mùa, được giá. Trong vài năm trở lại đây, quýt đã trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của vùng cao Mường Khương, là sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn lợi kinh tế cho bà con nông dân.
Đến nay, tổng diện tích quýt của toàn huyện Mường Khương là 815 ha, tập trung tại thị trấn Mường Khương, các xã Nậm Chảy, Tung Chung Phố, Tả Ngài Chồ, Lùng Khấu Nhin, Nấm Lư và Pha Long. Diện tích quýt đến kỳ thu hoạch là 656 ha, năng suất trung bình đạt 12 tấn/ha, ước sản lượng năm 2024 đạt 7.800 tấn, giá trị đạt 160 tỷ đồng. Với giá bán trung bình 20.000 - 30.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi ha quýt đang mang lại nguồn thu từ 250 - 320 triệu đồng cho người dân, người trồng quýt lãi từ 150 - 200 triệu đồng/ha. Sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP được khuyến khích, toàn huyện đang có 212 ha quýt được chứng nhận quy chuẩn này. Đáng nói là quýt Mường Khương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Quýt Mường Khương” và là sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Năm 2020, huyện Mường Khương đưa sản phẩm quýt ngọt giới thiệu và quảng bá tại Thủ đô Hà Nội trong chương trình “Tuần lễ quýt Mường Khương và các sản phẩm nông nghiệp Lào Cai” đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp thương mại, người tiêu dùng. Huyện cũng kết nối, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quýt đưa sản phẩm quýt lên sàn giao dịch điện tử, quảng bá bán hàng qua các trang mạng xã hội.
Trăn trở của người trồng quýt Mường Khương hiện sản phẩm chưa tiếp cận được các chuỗi phân phối quy mô lớn. Huyện Mường Khương đã và đang tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư xây dựng nhà máy, xưởng chế biến, đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch phát triển các sản phẩm đóng hộp, si rô, nước ép hoa quả đóng chai phù hợp theo quy mô của mỗi loại sản phẩm theo nhu cầu thị trường, tạo vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo bao tiêu sản phẩm cho Nhân dân.
Cùng với sản phẩm quýt, cây ớt, lúa Séng cù và hồng giòn là các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng mà huyện Mường Khương chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, coi trọng thu hút đầu tư chế biến nông sản, ngoài ra huyện Mường Khương còn chủ động xây dựng các sản phẩm OCOP với 21 sản phẩm tính đến cuối năm 2024.
Với những nỗ lực chung, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa là giải pháp quan trọng để ngành nông nghiệp Mường Khương bước lên một tầm cao mới, góp phần nâng cao đời sống, mức sống của nông dân huyện nghèo.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bai-cuoi-tao-dot-pha-tu-cay-trong-chu-luc-post393227.html