Bài cuối: Tri thức lan tỏa và kết nối

'Ai đến Ngôi nhà trí tuệ cũng được lợi cả. Mọi người thấy được dự phần trong đó nên tự biết cách bảo vệ, duy trì hoạt động. Họ xắn tay vào làm, xem là việc của mình, tự hào về điều đó. Tri thức lan tỏa khắp nơi và kết nối mọi người', anh Nguyễn Anh Tuấn - nhà sáng lập chương trình Tủ sách Nhân ái và Ngôi nhà Trí tuệ đúc kết.

Ai đến Ngôi nhà trí tuệ cũng được lợi!

Áp dụng mô hình Ngôi nhà trí tuệ được lợi gì? “Được nhiều chứ!” - Chủ tịch Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Hà Tĩnh Trần Nhật Tân trả lời ngay. Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này trên cả nước xây dựng mô hình Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ một cách hệ thống, đồng bộ từ tỉnh đến thôn xóm, mở rộng biên độ hoạt động gắn với đời sống văn hóa cơ sở.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Đỗ Văn Chiến tham quan mô hình Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ thôn Thượng Phú, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Nguồn: Báo Hà Tĩnh

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Đỗ Văn Chiến tham quan mô hình Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ thôn Thượng Phú, xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Nguồn: Báo Hà Tĩnh

Mô hình được Hà Tĩnh thí điểm triển khai tại các nhà văn hóa cộng đồng tránh trú bão lũ để phát huy hết công năng của thiết chế này. Thường trực Tỉnh ủy giao Ủy ban MTTQVN tỉnh trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện từ tỉnh đến cơ sở; có hỗ trợ kinh phí ban đầu và hướng dẫn hoạt động. Theo ông Trần Nhật Tân, kết quả bước đầu cho thấy, đại đa số người dân tích cực tham gia các hoạt động tại Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ, từ đó góp phần quan trọng nâng cao dân trí, rèn luyện thể chất, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp về văn hóa truyền thống, hướng tới mục tiêu xã hội/cộng đồng học tập suốt đời; đồng thời củng cố khối đại đoàn kết bền chặt ở các khu dân cư.

Đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 120 mô hình Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ, không chỉ “cấy” vào nhà văn hóa cộng đồng tránh trú bão lũ mà cả nhà văn hóa thôn/tổ dân phố. “Từ hoạt động của Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ tại Hà Tĩnh cho thấy, mô hình không chỉ dừng lại là nơi học tập suốt đời cho mọi tầng lớp nhân dân mà còn là nơi lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa mỗi địa phương. Việc thành lập các câu lạc bộ như Dân ca ví giặm, Dân vũ, Thơ ca, Tiếng Anh... chính là góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa truyền thống mà vẫn giữ tinh thần hội nhập và phát triển”, ông Tân nhấn mạnh.

Từ thực tiễn địa phương - nơi phủ kín Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ tại tất cả các xã, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Hương Sơn Nguyễn Thành Đồng cho rằng, “không có mô hình Ngôi nhà trí tuệ không thể tổ chức hoạt động của các CLB hay thư viện, lớp học... Nhà văn hóa chỉ để hội họp”. Tại 30 Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ ở Hương Sơn, các CLB thể thao như bóng chuyền, cờ vua, bóng bàn… thu hút đông người tham gia nhất, nhiều lứa tuổi, sinh hoạt đều đặn. CLB học tập dành cho thiếu nhi chủ yếu hoạt động vào dịp hè; thư viện mở cửa thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần; thỉnh thoảng tổ chức hoạt động chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân…

Trong các trường học, “Ngôi nhà trí tuệ hỗ trợ đắc lực cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khi tạo môi trường đủ điều kiện để tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục địa phương cho học sinh. Nhà trường chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong tổ chức hoạt động, thường xuyên đánh giá, điều chỉnh kịp thời, phù hợp với điều kiện của mình, mang lại hiệu quả thiết thực cho học sinh”, thầy Lê Văn Quyền - Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Chương 3 (Nghệ An) khẳng định.

Từ năm 2022, Ngôi nhà trí tuệ cũng được đưa vào Trường THPT Đặng Thúc Hứa (Nghệ An), lồng ghép với các hoạt động giáo dục để phát huy hiệu quả tốt hơn. Ngôi nhà trí tuệ là nguồn chính luân chuyển sách ra các điểm đọc, đưa lại giá trị cho cộng đồng rộng hơn chứ không chỉ bó hẹp trong học sinh, đồng thời kết nối với các trường khác trên địa bàn.

Với thầy giáo Mai Văn Chuyền, Chủ nhiệm Ngôi nhà trí tuệ xã Quảng Hiệp, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk, đơn giản chỉ để các con của mình, rộng ra là trẻ em trong xóm ngoài làng, thông qua sách và các hoạt động tại Ngôi nhà trí tuệ sẽ có nhiều bạn bè hơn, sống hòa thuận, nhân ái hơn, biết quan tâm, chia sẻ với người khác. Đây chính là mục đích mà vợ chồng thầy Chuyền mở phòng đọc, phòng học miễn phí ngay tại nhà mình 3 năm trước và duy trì đến ngày nay.

Sự khích lệ lớn trên hành trình vạn dặm

Sau hơn 7 năm triển khai, mô hình Tủ sách nhân ái và Ngôi nhà trí tuệ đã phát triển mạnh mẽ trên toàn quốc và bước đầu vươn ra một số quốc gia, mang lại cơ hội đọc sách và học tập suốt đời cho hàng triệu trẻ em và người lớn. Theo một khảo sát được tiến hành với 5 nhóm đối tượng thụ hưởng chính gồm học sinh, giáo viên, cán bộ địa phương, phụ huynh và thanh thiếu niên, thì khả năng tiếp cận sách và các chương trình học tập suốt đời, các nhóm kỹ năng học tập và giảng dạy, việc chuyển hóa thái độ, hành vi và giá trị sống của các đối tượng cũng như cộng đồng thụ hưởng đều nhận được phản hồi tích cực.

Đại diện Chương trình Tủ sách nhân ái và Ngôi nhà trí tuệ nhận Giải thưởng của Thư viện Quốc hội Mỹ ngày 18.10

Đại diện Chương trình Tủ sách nhân ái và Ngôi nhà trí tuệ nhận Giải thưởng của Thư viện Quốc hội Mỹ ngày 18.10

90,8% học sinh cho rằng việc tìm kiếm và mượn sách trở nên dễ dàng và thuận lợi từ khi có Tủ sách nhân ái. Nhiều thế hệ trong gia đình có cơ hội cùng tham gia các buổi chia sẻ, giao lưu với diễn giả trong nước và quốc tế (44%), các lớp tiếng Anh miễn phí (23,1%) và các câu lạc bộ (32,7%). 55,5% cha mẹ được hỏi cho biết các lớp tiếng Anh miễn phí tại Ngôi nhà trí tuệ giúp con họ cải thiện đáng kể năng lực sử dụng ngoại ngữ. 72,6% giáo viên được hỏi cho biết việc đọc sách giúp tăng khả năng đọc hiểu của học sinh. Việc đọc sách và tham gia các lớp giáo dục kỹ năng sống, hoạt động thể dục thể thao và giao lưu văn hóa xuyên biên giới giúp học sinh và người dân có thái độ sống tích cực hơn, góp phần giảm tệ nạn xã hội, tăng cường tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết và trách nhiệm cộng đồng…

Mặc dù những người sáng lập cũng như đội ngũ tình nguyện viên, nhà tài trợ… của chương trình “làm vì thấy là cần, là nên, là tốt cho thế hệ trẻ, chứ không để chờ được vinh danh”, như lời cô Nguyễn Thị Nga - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Thúc Hứa (Nghệ An), song Giải thưởng của Thư viện Quốc hội Mỹ là sự khích lệ lớn, cho thấy hành trình và những việc họ làm lâu nay đã được ghi nhận và ý nghĩa, khi gieo những hạt mầm trí tuệ và nhân ái khắp đất nước Việt Nam và vươn ra thế giới.

“Chúng tôi rất vui khi Tủ sách nhân ái và Ngôi nhà trí tuệ được Thư viện Quốc hội Mỹ trao giải thưởng danh giá này. Giải thưởng sẽ giúp lan tỏa tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu và việc thực thi những hoạt động ý nghĩa của chương trình suốt nhiều năm qua ra toàn thế giới. Được công nhận và vinh danh ở quy mô quốc tế bởi một tổ chức văn hóa và giáo dục uy tín cũng khẳng định thêm giá trị của chương trình; góp phần làm cho hình ảnh Việt Nam đẹp thêm trong mắt bạn bè quốc tế”, anh Nguyễn Anh Tuấn - nhà sáng lập chương trình Tủ sách Nhân ái và Ngôi nhà Trí tuệ chia sẻ.

Cô Nga, thầy Chuyền mong muốn, từ giải thưởng này, các địa phương nhìn nhận khác về mô hình Ngôi nhà trí tuệ, nghiên cứu nhân rộng trên địa bàn một cách phù hợp, gắn với quyền lợi thiết thân của người dân, để ai cũng được thụ hưởng, như cách Hà Tĩnh đang làm!

Hương Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/bai-cuoi-tri-thuc-lan-toa-va-ket-noi-i346833/