Bài cuối: Trở về con đường sáng

Được đón nhận trở về quê hương bằng tấm lòng bao dung, ấm áp, nhiều người lầm lỗi đã từ bỏ suy nghĩ nghe theo lời xúi giục, kích động của kẻ xấu và yên tâm làm ăn, chăm lo gia đình để cùng giữ gìn sự bình yên cho buôn làng. Và hơn ai hết, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện để họ quay về, giúp họ thấu hiểu về sự đúng đắn, nhân văn trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đổi thay ở làng từng là “điểm nóng”

Dẫn chúng tôi dạo trên con đường bê tông phẳng lì của buôn Tùng Thăng, xã Dlie Yang, tỉnh Đắk Lắk hai bên đường nhiều khóm hoa khoe sắc, nhà nào cũng có cổng ngõ, hàng rào cây xanh gọn gàng, già Y Quốc RCăm, Trưởng buôn Tùng Thăng cho biết: Nơi đây từng là “điểm nóng” hoạt động của Fulro, nhưng giờ là làng nông thôn mới. Nhắc nhớ câu chuyện quá khứ, già Y Quốc RCăm cho biết, trước đây, ở buôn Tùng Thăng có cả chục đối tượng từng nhẹ dạ cả tin nghe theo bọn xấu xúi giục vượt biên trái phép. Sau khi được chính quyền vận động, các đối tượng này đã nhận thức được lỗi lầm, quay về với quê hương, với gia đình, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế.

Cán bộ xã Dlie Yang đến thăm, động viên gia đình anh Y Klô Mlô sau khi anh trở về quê hương xây dựng lại cuộc sống mới.

Cán bộ xã Dlie Yang đến thăm, động viên gia đình anh Y Klô Mlô sau khi anh trở về quê hương xây dựng lại cuộc sống mới.

Rồi già dẫn chúng tôi đến thăm gia đình vợ chồng ông Ama Ngai, một trong những nạn nhân phải trả giá cho ảo tưởng về cuộc sống sung sướng bên kia biên giới bằng gần 6 tháng nếm trải cơ cực, đói khát nơi đất khách.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khá khang trang, ông Ama Ngai nhớ lại: “Hơn 7 năm trước, tin theo lời dụ dỗ của kẻ xấu, vợ chồng mình đã bán ruộng vườn vượt biên trái phép sang Thái Lan. Ròng rã nhiều ngày đi theo kẻ xấu dẫn đường trốn chui lủi trong rừng, không có cơm ăn, nước uống, mình nghĩ mình sẽ phải “bỏ xác” nơi rừng thiêng nước độc”.

Thế rồi tình cờ vợ chồng ông được một hộ dân ven rừng cho tá túc qua đêm và gọi nhờ điện thoại về địa phương. Khi được cán bộ Công an huyện Ea Hleo (cũ) hướng dẫn cách trở về, vợ chồng ông mừng khôn xiết. Trở lại quê nhà, được chính quyền địa phương giúp đỡ, vợ chồng Ama Ngai đã chăm chỉ làm ăn, ổn định cuộc sống. “Từ một ha cà phê xen tiêu, năm 2019, mình đã xây dựng được nhà mới khang trang trị giá gần 600 triệu đồng. Đến năm 2021, vợ chồng mình tiếp tục mua thêm gần 2ha đất để trồng điều, cà phê, tiêu. Các con của mình cũng lần lượt lập gia đình và có cuộc sống ổn định. Trở về quê nhà, tôi kể lại hành trình của bản thân, những ngày tháng bị bỏ đói nơi đất khách để bà con hiểu rõ. Tôi cũng khuyên bà con nên cố gắng lao động, đừng nghe theo lời kẻ xấu xúi giục, lôi kéo, chỉ rước khổ vào thân. Không đâu bằng nhà mình, quê mình hết”, Ama Ngai chia sẻ.

Cũng mơ đến “cuộc sống giàu sang”, giữa năm 2015, nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu, anh Y Klô Mlô (SN 1994, ở buôn Choăh, xã Dlie Yang) đã bán nhà cửa, ruộng vườn rồi cùng bố mẹ đẻ và vợ vượt biên trái phép sang Campuchia để đi tới nước thứ ba giàu có. Thế nhưng, ở nơi đất khách, gia đình anh Y Klô Mlô mới thấm thía những tháng ngày cơ cực nhất. Không giấy tờ tùy thân, cả gia đình Y Klô Mlô bị bắt vào trại tị nạn. “Khi bị bắt vào trại tị nạn thì cũng là lúc vợ chồng tôi mất liên lạc hẳn với bố mẹ. Hai vợ chồng được bố trí ở một căn phòng chật hẹp, ẩm thấp cùng với 6 người khác. Lúc đó, tôi chỉ có một suy nghĩ là làm thế nào quay trở về quê hương để làm lại từ đầu”, Y Klô Mlô nhớ lại.

Đến năm 2019, vợ chồng Y Klô Mlô được trao trả về địa phương. Trước khi gặp lại bà con, buôn làng, điều khiến vợ chồng anh lo lắng nhất là bị mọi người xa lánh, hắt hủi. Ấy thế mà, ngày trở về của gia đình anh không phải như vậy. Được chính quyền địa phương, ban tự quản buôn vận động, bà con lối xóm và dòng tộc chia sẻ đất ở, đất sản xuất để vợ chồng anh có chỗ tá túc làm lại cuộc sống. Ngoài ra, các tổ chức hội, đoàn thể đã vận động hỗ trợ ban đầu về nhu yếu phẩm, bà con lối xóm còn đến trò chuyện, chỉ cho thấy cái sai, cái đúng để vợ chồng anh sớm hòa nhập với cộng đồng.

Già Y Quốc RCăm chia sẻ thêm, những năm gần đây đời sống, kinh tế của người dân trong buôn đang từng bước “thay da đổi thịt”. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp bị kẻ xấu xúi giục bỏ quê hương vượt biên trái phép để rồi nhận “trái đắng”. Những người bị lừa khi trở về địa phương đã được ban tự quản buôn, chi hội, đoàn thể… đến vận động, trò chuyện để họ thấy được sự ấm áp của tình nghĩa làng xóm, đồng thời tuyên truyền để họ yên tâm lao động sản xuất ổn định đời sống, cùng nhau đoàn kết phát triển quê hương đất nước. Đó cũng là lời nhắc nhở bà con trong buôn không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục để vượt biên trái phép.

Vì sự bình yên của buôn làng

Qua những trường hợp kể trên cho thấy, những lời dụ dỗ vượt biên trái phép ra nước ngoài để có cuộc sống giàu sang, sung sướng chỉ là ảo tưởng. Một số người vượt biên trái phép may mắn được trở về với buôn làng, họ đã kể lại hành trình cay đắng phải nếm trải nơi đất khách quê người. Câu chuyện của họ càng làm rõ thêm bộ mặt xấu xa của những kẻ mất nhân tính, luôn tìm cách chia rẽ đoàn kết dân tộc, phản bội lại lòng tin của chính đồng bào mình...

Kể từ đầu năm 2018 đến nay, Chính phủ Thái Lan tăng cường siết chặt quản lý người nhập cư trái phép. Cơ quan chức năng ở đây cũng đưa ra biện pháp xử phạt rất nặng đối với người dân Thái Lan sử dụng lao động bất hợp pháp. Điều đó càng làm cho cơ hội tìm kiếm việc làm đối với những người Việt tại đây trở nên mong manh. Nhiều người dù khỏe mạnh nhưng không có việc làm, cuộc sống của họ đang rơi vào cảnh cùng cực và dần phụ thuộc hoàn toàn vào sự trợ giúp của các tổ chức từ thiện. Đối phó với các đợt kiểm tra, truy quét của cảnh sát Thái Lan, họ dùng đủ mọi cách để tránh bị phát hiện.

Nói về tình hình vượt biên và hồi hương trên địa bàn huyện, Trung tá Bùi Mạnh Tuấn, Phó Trưởng Công an xã Chư Pưh, tỉnh Gia Lai cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện có 6 trường hợp tự nguyện hồi hương từ Thái Lan. Lực lượng Công an đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, động viên họ an tâm tư tưởng, bằng những gì đã trải qua tuyên truyền bà con không vượt biên trái phép. Đồng thời, cơ quan Công an đang khẩn trương tổ chức các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, bóc gỡ, xử lý đường dây tổ chức đưa người trên địa bàn vượt biên. “Đề nghị bà con cần tỉnh táo nhận diện, cảnh giác với thủ đoạn hoạt động của Fulro lưu vong và những đối tượng cò mồi, buôn người ở bên kia biên giới. Đồng thời, chung tay cùng cấp ủy, chính quyền và lực lượng Công an giúp đỡ những người lầm lỗi bỏ qua mặc cảm, tự ti, chăm lo lao động, sản xuất để ổn định cuộc sống trên quê hương”, Trung tá Tuấn nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn cho rằng, vùng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Việc bảo đảm an ninh và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, an ninh trật tự ở cơ sở là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Với đặc điểm dân cư đa dân tộc, đa tôn giáo, tỉnh Đắk Lắk luôn là địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch, phản động, các phần tử xấu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá, lôi kéo người dân tham gia các tổ chức phản động, vượt biên trái phép. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk không ngừng nỗ lực gắn kết khối đại đoàn kết dân tộc và quan tâm đến những người lầm lỡ trở về.

“Để gìn giữ, bảo vệ cuộc sống bình yên của buôn làng, ngoài những giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội thì công tác dân vận, sự gắn kết với nhân dân, lắng nghe và hành động thay đổi theo nhu cầu chính đáng của nhân dân là những điều quan trọng”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn nhấn mạnh.

Quan tâm đến cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên, nhiều năm qua Bộ Công an đã phối hợp các ngành triển khai nhiều chủ trương, chính sách giúp dân xóa đói giảm nghèo, trong đó có việc xóa nhà tạm, xây dựng những ngôi nhà kiên cố, giúp đồng bào ổn định cuộc sống. Đây không chỉ là sự hỗ trợ vật chất mà còn tiếp thêm hy vọng, cùng đồng bào Tây Nguyên hướng tới một tương lai bền vững hơn. Qua đó, khích lệ, động viên để mọi người tiếp tục cống hiến, chung tay vì một Tây Nguyên ngày càng bình yên và phát triển.

Văn Thành

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/bai-cuoi-tro-ve-con-duong-sang-i775660/