Bài cuối: Ứng dụng Căn cước công dân phục vụ người dân, doanh nghiệp
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua 'mục sở thị' những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: 'Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID' và 'Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT'.
Thuận lợi cho cả người bệnh và cơ sở y tế
Chiều 24/4, tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện A Thái Nguyên, chị Trần Thị Đào (SN 1970) ở Phú Lương, Thái Nguyên chỉ cần xuất trình thẻ CCCD để làm thủ tục khám bệnh, không phải mang thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) như trước đây. Khi chị An Thị Minh Thu, cán bộ Khoa khám bệnh tiếp nhận, đưa thẻ CCCD vào đầu đọc, lập tức các trường thông tin của chị Đào hiện ra như tên tuổi, giới tính, nghề nghiệp, số CCCD, mã số bệnh nhân, nơi thường trú... "Giờ nhanh lắm, rất đơn giản. Trước thủ tục rườm rà, chờ đợi lâu chứ giờ tôi xuất trình CCCD, chỉ cần nói đăng ký khám gì, xong qua bàn nộp tiền là có phiếu vào khám luôn", chị Đào chia sẻ.
Còn anh Đặng Ngọc Hoàng (SN 1985) ở TP Thái Nguyên thừa nhận: "Rất tiện lợi, mọi ngày cần thẻ bảo hiểm, CMND, mấy loại giấy tờ, còn nay tất cả chỉ tích hợp trong chiếc thẻ CCCD này, nên thuận tiện cho người dân rất nhiều". Tranh thủ lúc vắng bệnh nhân, chị An Thị Minh Thu cho biết, nếu trước đây khi đi khám bệnh, bệnh nhân ngoài xuất trình thẻ BHYT cần thêm giấy tờ tùy thân có ảnh để xác thực thì nay chỉ cần thẻ CCCD là đủ, thông tin chính xác và giúp quá trình làm thủ tục nhanh hơn, nhiều trường thông tin đã có sẵn, giúp cán bộ đỡ mất công nhập vào máy, đã khẳng định hiệu quả của việc ứng dụng CCCD trong khám chữa bệnh.
Theo Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khám chữa bệnh đã mang lại sự thuận lợi cho người nhà, người bệnh cũng như cán bộ y tế. Ngoài việc dùng CCCD khám chữa bệnh, bệnh nhân có thể xem được kết quả khám chữa bệnh, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh trên điện thoại thông minh. Người bệnh và người nhà bệnh nhân có thể dùng thẻ thanh toán, chuyển khoản, quét mã QR (năm 2023, trên 45% lượng tiền được bệnh nhân thanh toán qua phương thức này).
Đối với cán bộ y tế, hồ sơ bệnh án đã được số hóa toàn bộ, bệnh viện đang triển khai bệnh án điện tử, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác khám và điều trị bệnh nhân. Các bác sĩ có thể thao tác trên các thiết bị di động, dễ dàng hội chẩn với tuyến trên các hình ảnh phim chụp qua hệ thống PACS; hội chẩn thông qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa, hệ thống Telemicin. "Với các cán bộ quản lý như Ban Giám đốc, hiện tại có thể xem số liệu khám chữa bệnh online trên máy tính, trên các thiết bị di động, đảm bảo công tác điều hành được nhanh chóng, kịp thời", ông thông tin.
Anh Phạm Văn Hưng, Phó trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện A Thái Nguyên, người phụ trách mảng công nghệ thông tin cho hay, đầu đọc thông thường chỉ đọc được mã vạch hai chiều của thẻ BHYT; đối với CCCD gắn chip và mã QR code thì không đọc được. Do đó, khi mới áp dụng CCCD, bệnh viện chỉ có 1 đầu đọc thẻ CCCD do Công an tỉnh cung cấp. Ban đầu việc liên thông, đồng bộ dữ liệu ít, mới chỉ 30%, rồi 60%... "Nhưng sau đó dữ liệu được đồng bộ 100%, thấy được nhiều lợi ích của việc đầu đọc chip thẻ CCCD nên chúng tôi đã chủ động mua, hiện tại bệnh viện đã có 20 đầu đọc, trang bị cho Khoa khám bệnh và một số khoa. Để tăng tốc độ làm việc, hiện tôi đang tham mưu lãnh đạo bệnh viện mua thêm 27 đầu đọc nữa để trang bị cho tất cả các khoa, dự kiến sang đầu tháng 5/2024 sẽ có", anh Hưng bổ sung thêm.
Được biết, ngoài Bệnh viện A Thái Nguyên, 224/224 (100%) cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã mua đầu đọc chip, thực hiện khám chữa bệnh bằng CCCD và ứng dụng VNeID. Đã có hơn 1,3 triệu lượt tra cứu trên hệ thống với hơn 1,2 triệu thẻ BHYT đã đồng bộ thông tin với CCCD.
Hiệu quả trong tuyển dụng nhân sự tại các công ty bảo vệ
Thượng tá Lý Minh Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, thực hiện mô hình điểm "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT", ngày 21/9/2023, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH chủ trì tổ chức Hội nghị triển khai mô hình sử dụng đầu đọc CCCD gắn chip đảm bảo chính xác danh tính khách hàng tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Đơn vị đã mời Giám đốc và người chịu trách nhiệm về ANTT của các Công ty dịch vụ bảo vệ đến dự, tổ chức tuyên truyền về lợi ích, tầm quan trọng của việc sử dụng đầu đọc CCCD gắn chip. Kết quả, đã có 12 công ty ký kết mua phần mềm ASM sử dụng đầu đọc CCCD gắn chip phục vụ công việc của cơ sở. Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH cũng đã chủ động hướng dẫn các cơ sở đặt mua phần mềm sử dụng đầu đọc CCCD gắn chip. Ngày 10/10/2023, toàn bộ các cơ sở đã lắp đặt và sử dụng, đảm bảo đúng tiến độ của mô hình.
Tại Công ty TNHH Phát triển dịch vụ bảo vệ Hoàng Nam, ông Đào Văn Kiểu, Chủ tịch HĐQT cho biết: "Trước đây, đối với công tác tuyển dụng bảo vệ, quá trình làm hồ sơ, nhanh nhất phải sau 15-20 ngày mới có lý lịch tư pháp, nhân viên bảo vệ mới có đầy đủ thủ tục. Từ ngày có đầu đọc CCCD gắn chip rất may mắn, thông tin nhanh, giảm thời gian, chi phí, thực sự hiệu quả". Theo ông Kiểu, Công ty Hoàng Nam là đơn vị đi đầu đăng ký mua và lắp đặt, sau đó 11 công ty bảo vệ khác trên địa bàn Thái Nguyên thấy thuận tiện nên cũng đồng loạt đăng ký, lắp đặt cùng một đợt.
Là người trực tiếp làm công tác tuyển dụng nhân sự, anh Đoàn Quyết Tiến, Trưởng phòng Tổ chức Công ty Hoàng Nam cho hay, đầu đọc này rất nhanh, chỉ cần quét CCCD là ra một số trường thông tin về người cần tuyển, biết ngay lý lịch của người ta, ở đâu, thông tin có chuẩn xác không hay là khai man, thậm chí CCCD giả mạo cũng sẽ check được luôn, rất tiện lợi. "Khi lắp đặt, Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh đã cho người đến hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng nên mình không gặp khó khăn gì. Thực sự giúp mình nhàn hơn bao nhiêu, giảm chi phí đi lại, chờ đợi, giảm thủ tục rườm rà...", anh nói. Quả nhiên, với 160 cán bộ bảo vệ và lượng người ra - vào công ty thường xuyên thì đầu đọc CCCD gắn chip đã thực sự là ứng dụng hiệu quả đối với người làm công tác nhân sự như anh Tiến.
Đối với ông Lê Văn Lược, Phó Giám đốc Thường trực Công ty cổ phần Dịch vụ bảo vệ Hoàng Minh Dương, dù chỉ có 25 nhân viên bảo vệ nhưng công ty ông cũng đã lắp đầu đọc thẻ CCCD gắn chip từ tháng 10/2023. "Từ đó đến nay chúng tôi tuyển được khoảng chục nhân viên, công tác tuyển dụng nhanh và tốt hơn trước.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 16 cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên mua và trang bị thiết bị đọc QR, đọc chip trên CCCD, trong đó có 12 cơ sở dịch vụ bảo vệ và 4 cơ sở cầm đồ. Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an tỉnh Thái Nguyên đang tiếp tục tuyên truyền, vận động các cơ sở cầm đồ thực hiện mua sắm trang thiết bị đọc thẻ, đọc chip CCCD để đảm bảo chính xác danh tính khách hàng, góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn...