Bài cuối: Viết tiếp giấc mơ trên non ngàn

Trong tập truyện ký “Những người đi gieo hạt chữ” của Nhà giáo Ưu tú Cao Văn Tư, người gắn bó sâu nặng với ngành giáo dục Lào Cai từ những ngày gian khó có viết: “Thày đi dạy chữ bản xa/Vó câu lững thững rừng già suối reo/Chim kêu vượn hót lưng đèo/Thương đàn em nhỏ bản nghèo ngẩn ngơ”.

Nghề dạy học ở vùng cao gian nan là vậy nhưng luôn có những thầy cô sẵn sàng gửi lại thanh xuân nơi lưng chừng mây trắng, gác lại hạnh phúc riêng, ngày nối ngày lặng lẽ “gieo hạt chữ”, xây giấc mơ cho học trò nghèo.

Ngược dòng thời gian về những ngày đầu tái lập tỉnh (năm 1991), thời điểm đó Lào Cai hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh, là một trong những địa phương nghèo nhất cả nước. Toàn tỉnh khi ấy chỉ có 16 phòng học kiên cố và có 14 xã “trắng” về giáo dục. Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi từ 6 - 14 tuổi đi học chỉ đạt khoảng 37%, trên 50% dân số mù chữ. Trước thực trạng đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X đã ban hành Nghị quyết số 05 ngày 6/4/1993 xác định rõ mục tiêu: Đến hết năm 1995, tỉnh phải xóa được các xã “trắng” về giáo dục.

Nhà giáo ưu tú Cao Văn Tư, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai nhớ lại: Khẩu hiệu mà các nhà giáo đến bây giờ vẫn còn nhớ là “Trực tiếp, ráo riết, cụ thể” (trực tiếp đi kiểm tra, trực tiếp lên kế hoạch, trực tiếp nắm tình hình; ráo tiết thực hiện, ráo riết đôn đốc, ráo riết vận động, ráo riết dạy để xóa mù chữ; cụ thể đến từng người, từng thôn bản, cụ thể đến từng cây bút, lọ mực, cuốn vở, ngọn đèn). Đã có biết bao thế hệ nhà giáo từ khắp các vùng quê trong tỉnh, từ miền xuôi lên Lào Cai gắn bó cả tuổi thanh xuân, dành trọn cuộc đời, bám trường, bám bản để chung tay vào công cuộc dạy học, xóa mù chữ, diệt giặc dốt cho học trò và đồng bào vùng cao. Họ trở thành những viên gạch hồng đầu tiên đặt nền móng cho sự nghiệp giáo dục vùng cao Lào Cai kể từ buổi đầu tái lập.

Hơn 30 năm trôi qua, vùng cao Lào Cai giờ đây “thay da đổi thịt”, vươn lên trở thành điểm sáng của vùng Tây Bắc và bức tranh giáo dục toàn tỉnh nói chung, giáo dục vùng cao nói riêng được vẽ lên bằng những gam màu tươi sáng.

Hết năm 2023, công tác phổ cập giáo dục được duy trì vững chắc ở 100% xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ học sinh vùng dân tộc thiểu số đến trường luôn được duy trì ở mức cao. Công tác xóa mù chữ được thực hiện hiệu quả. Tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông ước đạt 94%. Đóng góp vào thành quả ấy không thể không kể đến công sức của biết bao thầy cô giáo đã dành cả tuổi trẻ, lấy tình yêu, sự nhiệt tình để thắp lên ánh sáng tri thức cho đồng bào. Cho đến nay, truyền thống ấy vẫn được các thầy cô viết tiếp.

Lào Cai hiện còn gần 1.360 điểm trường lẻ, hơn 23% học sinh toàn tỉnh cùng hàng nghìn giáo viên vẫn miệt mài với con chữ tại những địa bàn khó khăn. Điều đáng mừng là ngay ở những nơi gian khó ấy, các thầy cô vẫn giữ ngọn lửa nhiệt huyết với nghề, viết lên những câu chuyện nhân văn, truyền cảm hứng mà các thầy cô chưa khi nào tự nhận. Câu chuyện về thầy Thắng, thầy Chẳn, cô Uyến trong những bài viết trước chỉ là một phần nhỏ trong số đó.

Đó còn là câu chuyện của vợ chồng cô giáo Trần Thị Thanh Hương và thầy giáo Trần Văn Hoàng, Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Bản Liền, huyện Bắc Hà có hơn 20 năm gắn bó với những điểm trường khó khăn. Hai người con của anh chị ra đời nơi vùng đất khó và lần lượt phải xa bố mẹ về ở với ông bà nội.

Hoặc câu chuyện của vợ chồng thầy giáo Lê Văn Thắng, giáo viên Trường Mầm non Thanh Kim, thị xã Sa Pa. Gắn bó 10 năm với mảnh đất sương mù, thầy Thắng luôn đau đáu về người mẹ già bị bệnh ở quê. Khi được hỏi nơi đây có gì níu chân thầy ở lại mặc dù đã có biết bao cơ hội để thầy “hạ sơn”, thầy Thắng cười, bảo: Có gì đâu ngoài tình cảm của những người dân đôn hậu, chân tình và những đứa trẻ ở bản nghèo ngày ngày mong chờ đến lớp để được thầy dạy múa, hát.

Đó còn là câu chuyện của “mẹ” Minh, được mệnh danh là người mẹ “đông con” nhất ở bản Mông Sảng Pả (nay là thôn Tòng Già), thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng. Từ một cô giáo mầm non, ở tuổi xế chiều, chị kiêm thêm nghề làm “mẹ”. Nhìn những đứa trẻ ở nhóm hộ người Mông cứ quẩn quanh trên núi cao, điểm trường xa xôi tốn 2 tiếng đồng hồ đi bộ, chị chẳng đành lòng mà lặn lội xin gia đình được đưa các cháu về nhà nuôi dưỡng, chăm sóc và đón đưa đi học. 14 đứa trẻ ở bản nghèo đã được chị chăm sóc từ ngày còn công tác cho đến khi đã về hưu.

Triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, ngành giáo dục Lào Cai đã phát động và duy trì hiệu quả Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”. Từ cuộc vận động, đội ngũ cán bộ, giáo viên của toàn ngành đã đẩy mạnh việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ, chuyên môn và sáng tạo trong giảng dạy, quản lý giáo dục, góp phần đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh. Nhiều câu chuyện, tấm gương về các thầy cô giáo, trong đó có nhiều thầy cô giáo ở vùng cao đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng học trò, trong lòng dân bản, có tác dụng cảm hóa, lan tỏa rất lớn.

Như lời chia sẻ của thầy giáo Phùng Thế Tùng, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Nậm Chảy, huyện Mường Khương: Với giáo viên vùng cao, hành trang mà các thầy, cô mang đến lớp không chỉ là sách vở, con chữ mà còn là một trái tim ấm áp, tràn đầy tình yêu thương, chăm lo cho học sinh từng bữa ăn, giấc ngủ.

Hoặc tại Trường PTDT bán trú Tiểu học Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, bao năm qua đồng bào nơi đây quen với hình ảnh sau mỗi buổi học cô và trò cùng nhau đi hứng từng can nước về sinh hoạt. Mặc dù là nơi khô cằn nhất, con chữ vẫn được nảy mầm. Thậm chí, các thầy cô đã biến câu chuyện thiếu nước thành bài học về tiết kiệm, bảo vệ môi trường và tinh thần lao động cho học sinh vùng cao.

Nhà giáo Ưu tú Đỗ Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai cho hay, mỗi câu chuyện là một phần cuộc đời, một phần kỷ niệm của các thầy cô nhưng điểm chung là những câu chuyện nhỏ bé đó đã lay động biết bao trái tim, truyền cảm hứng để các thế hệ nhà giáo Lào Cai tiếp tục cống hiến hết mình, làm tròn sứ mệnh như lời Bác từng căn dặn “nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”. Để duy trì, tiếp lửa cho Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, ngành giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp như tuyên truyền về tấm gương học Bác của các thầy cô với nhiều hình thức: Tổ chức cuộc thi “Viết về những tấm gương điển hình giáo dục Lào Cai làm theo lời Bác”; phát động phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”… Cùng với đó là việc kịp thời biểu dương, khen thưởng, tôn vinh những tấm gương vượt khó, sáng tạo của ngành.

Khép lại bài viết này, chúng tôi xin gửi lời tri ân, sự mến phục đến các thầy cô giáo đã vun đắp khoảng trời tri thức cho con em và đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lào Cai. Chúng tôi tin, những tấm gương học và làm theo Bác sẽ tiếp tục được các thầy cô nối dài để thắp lên ánh sáng tri thức và hơi ấm tình người ở những điểm trường cheo leo, heo hút.

Như Nhà giáo Ưu tú Cao Văn Tư, người đồng nghiệp thân tình và cũng là người thầy của biết bao thầy cô giáo ở vùng cao Lào Cai nhận xét: Nghề nào cũng có những khó khăn riêng nhưng những hy sinh của đội ngũ giáo viên vùng cao ở bất cứ giai đoạn nào cũng khó kể hết bằng lời. Ngoài những trang giáo án, hành trang họ mang theo còn là một trái tim ấm áp, niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Mỗi thầy, cô giáo ở vùng cao Lào Cai đã, đang và sẽ tiếp tục là những tấm gương về trí tuệ, đạo đức, lan truyền cảm hứng và đánh thức những khát khao về sự học, sự vươn lên cho các thế hệ học trò noi theo, xứng đáng với sự tôn vinh mà xã hội dành cho nghề giáo.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bai-cuoi-viet-tiep-giac-mo-tren-non-ngan-post386197.html