Bài giảng không khô khan, đơn điệu
QĐND- Đến các thao trường, giảng đường của Trường Quân sự Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, chúng tôi có dịp cảm nhận rõ hơn không khí thi đua 'dạy tốt, học tốt' của cán bộ, giáo viên, học viên nơi đây.
Tại khu vực đồi chiến thuật, học viên Lớp Tiểu đội trưởng Thông tin (Đại đội 6, Tiểu đoàn tập huấn, bổ túc) đang tập trung ôn luyện nội dung bắn súng tiểu liên AK bài 1. Từng loạt 10 chiến sĩ xoay vòng, đổi tập 3 tư thế nằm, quỳ, đứng bắn, được giáo viên kiểm tra, chỉnh sửa từng động tác, rút kinh nghiệm kịp thời. Trao đổi với các đồng chí giáo viên, chúng tôi được biết, ngoài giảng giải về lý thuyết, kết hợp lời nói và chỉ trên sơ đồ, giáo viên phối hợp với cán bộ quản lý lớp chú trọng tăng thời lượng thực hành để học viên rèn luyện yếu lĩnh, động tác bắn. Với phương pháp đó, qua kiểm tra bắn phân đoạn, kết quả bắn của lớp đạt khá, 100% học viên đạt yêu cầu trở lên.
Rời thao trường kỹ thuật chiến đấu bộ binh, chúng tôi dự giờ học chính trị của học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức quân sự (khóa 21). Với bài “Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, lấy người học làm trung tâm, giáo viên đã đưa ra những chủ đề về đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay, nhận thức của giới trẻ… để học viên cùng bàn luận, đưa ra quan điểm; giáo viên là người gợi mở, dẫn dắt, kết luận. Học chính trị vốn “khô khan”, do đó, cùng với chuẩn bị giáo án điện tử có nhiều hình ảnh của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoạt động huấn luyện, SSCĐ của LLVT hiện nay, giáo viên còn sưu tầm thêm một số clip ngắn để chiếu vào cuối mỗi tiết học. Đây là những nội dung bổ trợ hữu ích, giúp bài giảng lôi cuốn, hấp dẫn hơn, người học nhanh chóng nắm được nội dung cơ bản của bài học.
Đại tá Vũ Tiến Đại, Phó hiệu trưởng Trường Quân sự Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết: "Quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối quân sự, chính trị của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết 939-NQ/ĐU của Đảng ủy Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội về "Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo", hàng năm, Đảng ủy nhà trường có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học, cụ thể hóa bằng những chủ trương, biện pháp lãnh đạo từng tháng, quý và từng khóa học. Cùng với đó, nhà trường bám sát sự chỉ đạo của cơ quan chức năng cấp trên, phối hợp chặt chẽ với ban CHQS các quận, huyện, thị xã và các đơn vị giao nguồn đào tạo, xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình phù hợp với từng đối tượng, sát yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của Thủ đô".
Để nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, nhà trường xác định các khâu đột phá, trước hết là tiến hành đổi mới cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện theo hướng “tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả”, tăng cường phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị. Công tác tổ chức, điều hành huấn luyện được nhà trường chỉ đạo thực hiện có hệ thống theo quy trình: “Huấn luyện từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp; huấn luyện kỹ thuật trước, chiến thuật sau; ban ngày trước, ban đêm sau; cơ bản trước, ứng dụng sau”. Các kế hoạch huấn luyện tuần, tháng, năm bảo đảm tính khoa học, logic, không để chồng chéo các nội dung, địa điểm huấn luyện.
Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo nhà trường, chúng tôi được biết, thời gian tới, Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Quân sự Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường việc dự giờ của chỉ huy các cấp (từ ban giám hiệu đến các khoa, bộ môn), yêu cầu các giáo viên mới tăng cường dự giờ để nâng cao kiến thức, chủ động trong phương pháp giảng dạy. Nhà trường phối hợp với ban CHQS các quận, huyện, thị xã và Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301 để khảo sát chất lượng học viên sau khi ra trường. Trên cơ sở đó, nhà trường kịp thời điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy cho phù hợp, hiệu quả.