Bãi giữa quê tôi
Xa quê, tôi giờ không còn đi bắt hến như ngày đã cũ. Mỗi lần trở về, lặng lòng nhìn, thấy Bãi Giữa sau kỳ xả lũ chỉ còn nhỏ tí, loe hoe cây cối, thấy vạt cát xưa bị người ta khai thác gần hết, nhìn dòng sông đang cố kiết bền bỉ đắp bồi bù lại, không sao nén nổi những rưng rưng…
Xưa, chẳng biết tự bao giờ mà khi qua nhà tôi dòng Sông Chảy bị xẻ làm hai nửa. Nửa bên kia thẳng thớm, nhu mì êm lướt, tạo nên bên bồi, nửa bên này cong cớn, đáo để, khoằm vào đất liền, tạo thành bến lở. Giữa dòng biêng biếc là Bãi Giữa, thản nhiên ghềnh đá, thản nhiên bờ cát, dạo ấy, là thiên đường, là nơi trú ngụ của cơ man cò vạc, đa đa và bườm bượp cá tôm.
Đầu bãi là ghềnh. Đá ưỡn ngực chở che cho tấm eo dịu hiền, cõng trên lưng những cây, những cát, những cua và những hến. Lâu lâu, mỗi khi nhà máy thủy điện đóng cả ba máy để sửa chữa, dòng sông sẽ cạn trơ cạn khấc, chỉ còn san sát những vũng lồi lõm, những tàng rêu trơn trượt và những viên đá tảng bám đầy vỏ hà, vỏ hến.
Thuở ấy, chúng tôi, những đứa trẻ trâu, trẻ bướm, những mẹ, những chị, những cô giáo trẻ, những cô cậu học sinh nội trú của trường cấp ba, thường nhân lúc nước cạn mà nôn nả gọi nhau, mà bì bõm nhào sang. Con gái thì kẻ rổ, người chậu, hăm hở lừa tôm, bắt cua, cào hến. Con trai thì phớt lờ tiếng la hoảng keng kéc, tiếng vỗ cánh phành phạch, nháo nhác của bầy chim cha mẹ, sục tìm nhặt trứng.
Thiên nhiên thật khéo để những con vật biết ngụy trang, bảo vệ chính mình. Trứng chim thì mang màu lau lác, còn tôm, cua sống trong hốc nước, con nào con nấy, đều khoác cho mình những tấm áo hệt màu của đá.
Nhưng nào có hề gì! Chỉ cần rọi sâu ánh mắt vào hốc cây, bụi cỏ, cúi sát, nhìn kỹ vào mặt nước trong leo lẻo có thể nhìn thấu những ổ trứng, những cái râu rung rung, những chiếc càng máy máy. Trứng thì bỏ túi quần. Tôm thì kề miệng rổ vào hốc đá ngập, xòe tay lùa theo hình cánh cung, từ từ khép lại. Những cái đuôi hình nan quạt xuất hiện, lùi dần, lùi dần, rồi “Toách” cả thân tôm búng vào miệng rổ. Một cú nhấc! trong lòng rổ kiểu gì cũng có vài ba bốn chú tôm nhẫy mướt!
Bắt cua cũng chả khó, chỉ cần khẽ bỏ những hòn đá nhỏ nằm gối đầu lên nhau trong lòng vũng sang bên cạnh, đợi cát lắng xuống là đã thấy ngơ ngơ những đôi mắt lồi. Lừa ngón tay vào hai cái đầu mai, tóm chặt, thế là giơ lên khỏi nước đủ cả tám cái cẳng và hai cái càng rồi. Những con tôm ấy, cua ấy cho vào chậu, bẻ vài cành lá phủ lên trên để chúng khỏi nhảy ra ngoài, tối về sẽ đỏ au trên mâm cơm thanh đạm mỗi nhà, nổi gạch trên bát canh rau đay mồng tơi ngọt lịm, hoặc là ngay sau đó sẽ vàng xuộm, trụi râu, rụng càng trên than lửa, trong kẹp nứa, làm nhẻm đen thêm đôi môi non của lũ tôi. Những quả trứng ấy, đựng vào ống nứa tươi vạt một đầu, thêm tí nước sông, dựng vào cạnh đống lửa. Xèo xèo... thế là chín! Thức ăn của trẻ trâu thường ngon và làm người ta nhớ lâu đến lạ!
Cát trải rộng, ôm lấy thân bãi, dài mãi ra phía sau và nghỉm chìm dưới vụng. Chỗ ấy, không biết có phải là một cái hố bom không mà dẫu cho bồi lắng đã lâu, dù sông cạn nước vẫn sâu thăm thẳm, xanh rời rợi. Lũ tôi, được các mẹ các chị nhắc nhở, canh chừng, đố đứa nào dám bén mảng!
Dưới những trảng cát ấy, chúng tôi bắt hến. Dụng cụ bắt hến là một cái rổ và một cái chậu. Bé thì mang chậu bé, lớn thì khuân chậu to. Tôi, tuy xíu xíu nhưng lần nào cũng cành nách, vác theo cái chậu Liên Xô to đùng (có lần, lúc nhà máy xả nước, vì cố với để cái chậu khỏi trôi mất mà tí nữa thì tôi bị cuốn trôi xuống hố).
Nhà hến lười chẳng chịu vào hang sinh sống, chúng ngụ cư ngay dưới lớp cát. Thôi thì hến cụ, hến kỵ, hến bà, hến cháu, hến nào cũng lười như nhau, vậy nên, chỉ cần sau một cú gạt tay vào cát là nhất loạt phơi bụng ngả nghiêng. Thích thì khoát nước lên mà nhặt, nhặt như vậy sẽ được nhiều hến to! Không thích thì đãi, đãi thì được cả to lẫn nhỏ!
Đãi hến cũng đơn giản: vục lấy một rổ cát, đem ra chỗ nước sâu sâu, xoáy xoáy, lắc lắc vài cái, cát sẽ lọt hết qua nan rổ, chỉ còn lại hến, bốc cho vào chậu. Xong rồi! Bởi bắt dễ như thế nên lũ tôi đứa nào cũng ham, cũng thích. Nhưng ham thì ham vậy, thích thì thích vậy chứ bắt xong, nhiều quá, nặng quá, ai mà mang về cho nổi! Mà có mang về rồi thì lấy ai mà đi bán, bán rồi cũng có mấy ai mua! Bởi vậy nên, có nhiều khi tụi tôi bắt rồi lại thả, thả rồi mai lại bắt, xem như một thú chơi của những đứa trẻ nghèo.
Nói không có mấy ai mua là bởi nhà nào cũng có thể có một đứa trẻ đi bắt! Mà nếu phải mua (dẫu rất rẻ, bây giờ chỉ từ 8 - 10 ngàn đồng 1 kg thôi, chứ giá ngày xưa tôi không nhớ), thì mua hến về lại phải đãi, phải nấu, khéo còn nhanh, chứ không khéo, kỳ cạch đãi đãi nhặt nhặt, gù lưng mới được bát canh, tô cháo, vậy thì ăn món khác cho nhanh, đặng có thời gian mà nghỉ ngơi, mai còn làm việc!
Lại nói đến làm hến, nấu hến! Nhà ngay cạnh bãi, lại hay được các chị lớn cho theo đuôi nên hễ nước cạn là tôi đi bắt hến. Bố mẹ bận, tự bắt thì tự làm! Dưới sự hướng dẫn của mẹ, sau vài lần ngáo ngơ, vừa đãi vừa đổ đi dăm nồi hến, chị em tôi đã trở thành cao thủ chế biến hến, thực thế!
Này nhé: Hến con mỏng miệng, dễ vỡ, dễ sạn, bởi vậy mỗi lần đi bắt cần mang cái rổ lóng to để đãi được hến to. Đãi được rồi thì nên rửa hến ngay dưới sông cho đỡ công về nhà múc nước. Chà thật mạnh vào, kiểu như ta rửa lạc. Xát kỹ thật nhiều lần cho vỏ hến sạch bóng, có vậy thì nồi nước luộc mới trong, mới thanh!
Hến rửa sạch, cho vào nồi rộng, đổ nước như nấu cơm (cao bằng một đốt ngón tay), đun to lửa. Khi nồi hến bắt đầu trào bọt thì bỏ vào một nhúm muối hột, dùng đũa đảo thật mạnh và nhanh kèm với lửa to. Hến bị nóng, mở miệng, gặp muối, cộng lửa to, đảo mạnh, thịt sẽ co lại, rời khỏi vỏ mà rớt xuống đáy nồi. Nếu nhãng quên mà chậm ở thời khắc này, sẽ phải ngồi nhặt thịt từng con hến, mỏi lưng chết!
Việc dằm đảo chỉ tiến hành chừng vài phút. Nhắc nồi xuống, đặt cái rá nhỏ lên miệng một cái nồi khác, đổ hến vào. Nước sẽ róc xuống dưới. Gạn nước này lấy nước thật trong, nếu nấu cháo thì cho vào nồi áp suất, thả gạo đã đãi sạch (nhớ cho thêm nhúm gạo nếp cho thơm), đun đến xì rồi để âm ỉ mười lăm phút thì tắt lửa. Nếu nấu canh thì chỉ cần chưng chút cà chua, đổ nước hến vào, đợi sôi, cho nhân hến đã chế biến vào (chỉ cho nhân hến vào thời khắc này, nếu cho vào từ đầu thì nồi canh sẽ nhã), cho hành mùi, ăn nóng là xong.
Phần con hến thì đem vò xát, bóp mạnh cho rời hết thịt ra khỏi vỏ rồi lừa như lừa sạn. Thịt hến nhẹ hơn vỏ, nổi lên, thu vào một góc, bốc lấy, đựng vào bát nhỏ. Xát thịt hến cho vỡ ruột bằng rá, rửa sạch, vắt kiệt nước, phi hành, cho ruột hến vào, nêm chút mắm, tiêu, và chút xíu rau thơm, đảo cháy cạnh, thế là thành nhân hến. Đợi áp suất trong nồi vừa hết, thả nhân hến và rau thơm (hành tươi, mùi tàu, mùi ta thái nhỏ) vào, nêm chút gia vị, múc vào bát, cho thêm vài lát măng ớt, rắc tiêu nóng lên trên...
Có lần tôi đã kể cho người tôi thương nghe về cháo hến.
Có lần tôi đã dạy người ấy nấu cháo hến.
Cũng có lần tôi gửi hình ảnh bát cháo hến đã chín cho người chú tôi rất trọng. Lần nào cũng vậy, dư vị cháo hến còn đọng mãi trên môi, trong mắt.
Xa quê, tôi giờ không còn đi bắt hến như ngày đã cũ. Mỗi lần trở về, lặng lòng nhìn, thấy Bãi Giữa sau kỳ xả lũ chỉ còn nhỏ tí, loe hoe cây cối, thấy vạt cát xưa bị người ta khai thác gần hết, nhìn dòng sông đang cố kiết bền bỉ đắp bồi bù lại, không sao nén nổi những rưng rưng…
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/bai-giua-que-toi-a2557.html