Bài học 5K từ việc thành trì điều trị bệnh nhân Covid-19 phía nam bị 'thủng lưới'
TS, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết, việc dịch Covid-19 tấn công vào bệnh viện ở khối nhiệm vụ hậu cần là một bài học sâu sắc cho bệnh viện trong việc, không chỉ chú trọng nâng cao cảnh giác ở khối điều trị, tiếp xúc bệnh nhân, mà cần phải siết chặt công tác kiểm soát ở tất cả các phòng, ban trong toàn bệnh viện.
"Thủng lưới" ở nơi không ngờ tới
Dịch Covid-19 diễn biến thêm phần phức tạp tại TP Hồ Chí Minh khi mới đây, cơ sở y tế lớn nhất điều trị bệnh nhân Covid-19 phía nam là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã bị dịch Covid-19 tấn công. 55 ca nhiễm được phát hiện trong thời gian chỉ hai ngày và toàn bộ là nhân viên ở khối hậu cần, không liên quan đến công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.
TS, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, sự việc lần này là một bài học cho bệnh viện khi để "thủng lưới" ở nơi không ngờ tới.
Theo BS Châu, từ ngày 11-6 từ trường hợp nhân viên phòng công nghệ thông tin của bệnh viện được sàng lọc qua khai báo y tế, có triệu chứng nghi ngờ và làm xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, bệnh viện đã khẩn trương triển khai các hoạt động sàng lọc, truy vết và lên phương án cách ly, lấy mẫu cho tất cả nhân viên y tế trong bệnh viện, đặc biệt là các trường hợp có liên quan, các trường hợp có tiếp xúc với trường hợp đầu tiên.
Trước đó, bệnh viện đã thực hiện tiêm đầy đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19 cho 1.200 cán bộ, thầy thuốc và nhân viên. Bệnh viện cũng đã thiết lập kịch bản phòng, chống dịch rất bài bản giữa các phòng, khoa để tránh lây nhiễm chéo.
Đặc biệt, Ban lãnh đạo bệnh viện đã lường trước khả năng nhân viên y tế bị nhiễm bệnh cả trong điều trị và nhiễm từ ngoài cộng đồng. Do đó, bệnh viện đã liên hệ khách sạn để làm nơi nghỉ ngơi cho đội ngũ y tế chăm sóc bệnh nhân y tế để tránh nguy cơ lây nhiễm từ cộng đồng hoặc ngược lại nguy cơ mang mầm bệnh về nhà.
Tuy nhiên, do đội ngũ hậu cần quá đông, bệnh viện không thể lo được phương án nghỉ ngơi tập trung sau giờ làm việc. Vì thế, việc đội ngũ này có thể đi về nhà sau giờ làm việc, tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên có thể bị lây nhiễm trong cộng đồng. Bên cạnh đó, khối nhân viên văn phòng, vốn không tiếp xúc với người bệnh Covid-19, không có được thói quen đeo khẩu trang thường xuyên nên đã có thể không tuân thủ nghiêm khi ngồi làm việc tại văn phòng.
"Điều kiện làm việc trong các văn phòng kín, máy lạnh, chật hẹp, cộng với đặc thù công việc phải phối hợp, giao lưu giữa các phòng, ban; ăn uống trong môi trường bệnh viện nên nếu một người nhiễm có khả năng cao lây nhiễm cho người khác. Trong quá trình làm việc dù tuân thủ 5K đến đâu cũng không thể nào phòng tránh được lây nhiễm tuyệt đối”, ông Châu cho hay.
Từ sự việc này, ông Châu nhấn mạnh, bệnh viện đã rút ra được bài học sâu sắc, không chỉ cần nâng cao cảnh giác ở khối điều trị, tiếp xúc bệnh nhân, mà cần siết chặt công tác kiểm soát ở tất cả các phòng, ban trong toàn bệnh viện. Tất cả nhân viên y tế, kể cả những người không thuộc chuyên ngành sức khỏe công tác trong bệnh viện phải chấp hành nghiêm biện pháp 5K, sau giờ làm việc hạn chế tiếp xúc với người chung quanh, không tụ tập, không đi đến nơi đông người khi không cần thiết để tránh lây nhiễm bệnh từ cộng đồng.
55 nhân viên y tế lây nhiễm lần này đều đã tiêm chủng hai mũi vaccine Covid-19. Theo ông Châu, các nhân viên của bệnh viện mắc Covid-19 có tải lượng virus thấp. Không ai ghi nhận triệu chứng bất thường, không sốt, không ho, không đau họng, không mất vị giác, không mất khứu giác... Điều này cho thấy hiệu quả bước đầu của vaccine ngừa Covid-19.
Sau vụ việc này, bệnh viện đang phối hợp Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford thực hiện nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19 AstraZeneca trên người Việt Nam là các nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Các khảo sát sẽ xem xét kỹ đáp ứng kháng thể trung hòa sau tiêm liều một, sau tiêm liều hai, sự duy trì của kháng thể sau ba tháng, sáu tháng, khả năng bảo vệ nhiễm bệnh....
Bên cạnh đó, nhóm sẽ phân tích đặc điểm biến chủng virus gây bệnh, nồng độ kháng thể và tương quan tải lượng virus, diễn tiến lâm sàng thời gian sạch virus... của 55 nhân viên y tế này.
TP Hồ Chí Minh chuẩn bị sẵn các kịch bản điều trị bệnh nhân Covid-19
Theo GS, TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, ngay sau khi phát hiện dịch xâm nhập vào bệnh viện, bệnh viện cũng đã khẩn trương chuẩn bị các khối lầu 3, 4, 5 với sức chứa 300 giường làm nơi cách ly tập trung cho những trường hợp tiếp xúc gần (F1) với các trường hợp dương tính. Đến nay đã xác định được 96 trường hợp nhân viên y tế được cách ly theo diện này.
Bệnh viện cũng đã tổ chức và vận động cung cấp suất ăn cho nhân viên y tế đang thực hiện cách ly tại bệnh viện; đồng thời động viên tinh thần cán bộ công nhân viên của bệnh viện để cùng nhau vượt qua khó khăn.
Về công tác điều tra, truy vết, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã phối hợp Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh và các lực lượng chức năng của thành phố tiến hành lập danh sách các trường hợp liên quan, danh sách bệnh nhân xuất viện, chuyển viện trong thời gian 15 ngày vừa qua để tiếp tục theo dõi và tiến hành điều tra truy vết mở rộng.
Về các công tác phòng chống dịch, bảo đảm công tác điều trị tại bệnh viện trong thời gian tới, TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, bệnh viện tăng cường khử khuẩn bề mặt đồ dùng cá nhân trong môi trường bệnh viện; phân công bố trí nhân sự tại bệnh viện để bảo đảm vừa duy trì hoạt động điều trị chăm sóc cho bệnh nhân vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch…
Cũng theo ông Châu, may mắn lần này chưa phát hiện bệnh nhân nào tại bệnh viện bị lây nhiễm Covid-19. Bệnh viện cũng đang rà soát, xét nghiệm, theo dõi cách ly các nhân viên y tế tiếp xúc thời gian tới xem có thêm ai bị lây nhiễm hay không.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh tiến hành cách ly y tế trong một tuần từ ngày 13-6. Các trường hợp bệnh nhân nhẹ sẽ điều trị tại bệnh viện khác. Riêng các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch cần can thiệp chuyên sâu như ECMO thì bệnh viện vẫn sẽ tiếp nhận điều trị. Công tác xét nghiệm Covid-19 tại bệnh viện vẫn sẽ được thực hiện như bình thường, mẫu sẽ được giao tại cổng và thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Trước câu hỏi là đơn vị chủ lực điều trị bệnh nhân Covid-19, sự cố lần này tác động lớn đến công tác điều trị tại TP Hồ Chí Minh hay không, TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch mở rộng xây dựng cơ sở y tế điều trị 5.000 bệnh nhân.
Hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh luôn có hai bệnh viện dã chiến là Bệnh viện dã chiến Cần Giờ và Bệnh viện dã chiến Củ Chi do hai Phó giám đốc của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh điều hành, đang đỡ gánh nặng một phần cho bệnh viện, chủ yếu điều trị ca bệnh nhẹ. Vừa qua, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã lấy 1/2 Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng.
Khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh bị phong tỏa, hai đơn vị gồm Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi và 1/2 Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch bắt đầu tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19. TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng cơ sở y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 nên việc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh tạm thời cách ly y tế không ảnh hưởng tới công tác điều trị.