Bài học cho châu Á qua Đối thoại Shangri-La 2022
Diễn ra giữa bối cảnh lớn là chiến sự giữa lòng châu Âu, Đối thoại Shangri-La năm nay đặt ra câu hỏi liệu châu Á có thể rút ra bài học gì để chủ động phòng ngừa xung đột.
Trong Đối thoại Shangri-La năm nay, chủ đề thường được nhắc đến là cuộc giao tranh giữa lòng châu Âu cùng bài học cho các nước.
“Châu Á phải rút ra bài học đúng đắn từ Ukraine. Chúng ta phải lắng nghe lời khuyên của ông Zelensky (tổng thống Ukraine) về việc chủ động phòng tránh (xung đột)”, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nói tại một phiên làm việc của hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á, còn được gọi là Đối thoại Shangri-La (SLD).
Vị bộ trưởng Singapore cho rằng châu Á phải tăng cường tương tác trong và ngoài khu vực. “Xây dựng niềm tin chiến lược vào nhau là cốt lõi của sự phòng tránh”.
Xây dựng niềm tin qua đối thoại cũng là điều ông James Crabtree, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cơ quan tổ chức SLD, hy vọng các quan chức quốc phòng từ hơn 40 nước có thể đạt được khi dự hội nghị.
Ông Crabtree trả lời Zing, sau khi 3 ngày của SLD kết thúc chiều 12/6, đề cao vai trò của đối thoại. “Nhiều vấn đề trên thế giới không được giải quyết dù đã đối thoại không ít lần, nhưng rất khó để giải quyết vấn đề khi không có đối thoại”.
Luật pháp, thông lệ quốc tế vẫn được đề cao
Ngay từ những phút đầu, vấn đề luật pháp và thông lệ quốc tế đã được nhấn mạnh tại SLD năm nay.
“Luật lệ phải được tôn trọng. Kể cả khi chúng trở nên bất tiện, không một ai được phép hành động như thể luật lệ không tồn tại, và cũng không một ai được phép đơn phương thay đổi luật lệ”, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio hôm 10/6 nói trong bài phát biểu chủ đề mở đầu hội nghị.
Trao đổi với Zing, một số chuyên gia cho rằng SLD năm nay cho thấy đa số quốc gia tham gia hội nghị, đặc biệt là nước nhỏ và vừa, vẫn quan tâm đến luật pháp và thông lệ quốc tế.
“(Sự quan tâm) được thể hiện rõ rệt qua những bài phát biểu trong các phiên làm việc toàn thể và qua những buổi gặp mặt song phương”, phó giáo sư Dylan Loh thuộc khoa Chính sách công và Quan hệ quốc tế, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), trả lời Zing.
Trong một phiên làm việc về an ninh trên biển vào hôm 11/6, Tham mưu trưởng Hải quân Singapore Aaron Beng cho rằng có 4 yếu tố giúp duy trì trật tự hàng hải ổn định và đứng đầu trong các yếu tố ấy là luật pháp cùng thông lệ quốc tế.
“Văn kiện nền tảng (trên biển) phải là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)”, chuẩn đô đốc Beng nói. “Theo lập trường của Singapore, văn bản này đã vạch rõ những hành động các nước được phép làm hoặc bị cấm”.
Những ý kiến như của chuẩn đô đốc Beng là minh chứng cho thấy nhiều nước có lợi ích gắn liền việc ủng hộ trật tự quốc tế và thông lệ hiện tại, theo ông Loh.
Đồng tình, ông Inia Seruiratu, Bộ trưởng Quốc phòng, An ninh Quốc gia và Cảnh sát Fiji, cho biết vì là nước nhỏ, “chúng tôi đặt hy vọng lớn vào chủ nghĩa đa phương dựa trên Hiến chương Liên Hợp Quốc”.
“Chúng tôi hy vọng mọi quốc gia đều tuân thủ nguyên tắc của Hiến chương”, ông Seruiratu nói.
Tâm điểm vấn đề Đài Loan
Một điều dường như đã trở thành thông lệ ở các kỳ SLD trước là màn đấu khẩu giữa Mỹ và Trung Quốc. Năm nay cũng không ngoại lệ.
Phát biểu hôm 11/6, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cáo buộc Trung Quốc gây bất ổn cho vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo ông, điều này được thể hiện qua những hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông, biển Hoa Đông và tại eo biển Đài Loan.
Và chỉ 3 phút sau khi bắt đầu bài phát biểu hôm 12/6, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa khẳng định Washington đã “bôi nhọ” Bắc Kinh và đang chơi “quân bài” Đài Loan.
"Nếu bất cứ ai dám chia tách Đài Loan với Trung Quốc, quân đội Trung Quốc chắc chắn sẽ không ngần ngại phát động cuộc chiến với bất cứ giá nào", ông Ngụy khẳng định.
Trong khi ông Austin nói Mỹ sẽ tăng cường hợp tác với đối tác cùng đồng minh để thực hiện “tầm nhìn chung” cho khu vực, ông Ngụy cho biết quân đội Trung Quốc theo đuổi “hợp tác đôi bên cùng có lợi” và bác bỏ chủ nghĩa bá quyền.
Hai vị bộ trưởng đều có phát ngôn “nảy lửa” với đối phương, nhưng nội dung hai bài phát biểu không có thay đổi đáng kể, theo các chuyên gia trao đổi ý kiến với Zing. Và một tín hiệu tích cực là bên lề SLD, ông Austin và ông Ngụy đã có buổi hội đàm đầu tiên dưới thời chính quyền Biden.
“Cả hai vị quan chức đều nhấn mạnh Mỹ và Trung Quốc phải quản trị quan hệ hai bên”, ông Loh nói. “Hai bên vẫn còn mong muốn đạt được sự ổn định lớn hơn, cũng như vẫn còn ý chính trị để quan hệ không tiếp tục đi xuống”.
Trong khi Bộ trưởng Austin nói đang cố gắng “củng cố lan can chống xung đột”, bao gồm đường dây liên lạc với lãnh đạo quốc phòng Trung Quốc, Bộ trưởng Ngụy khẳng định “sự phát triển hòa bình trong quan hệ Mỹ - Trung sẽ có lợi cho Bắc Kinh, Washington và cả thế giới”.
Vấn đề hạt nhân nóng trở lại
Với nhiều nước sở hữu vũ khí hạt nhân tại châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên, vấn đề vũ khí hạt nhân chưa bao giờ rời khỏi chương trình nghị sự của SLD. Nhưng năm nay, vấn đề ấy lại nóng lên một phần vì xung đột Ukraine.
“Giao tranh Ukraine đã khiến thế giới thức tỉnh trước thực tế là mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân là rất nghiêm trọng và chúng có thể được sử dụng”, phó giáo sư Lionel Fatton chuyên nghiên cứu về quan hệ an ninh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thuộc Đại học Webster, Geneva, trả lời Zing.
Các diễn biến trong khu vực cũng khiến nỗi lo ngại về vũ khí hạt nhân trở nên lớn hơn trong những năm qua.
Triều Tiên được dự đoán sắp tiến hành lần thử hạt nhân thứ 7 sau khi tạm ngừng từ năm 2017, theo thông tin từ Mỹ và Hàn Quốc. Trước đó, các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây hơn 100 địa điểm nghi là hầm phóng tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở miền Tây nước này.
Ngay trong bài phát biểu mở đầu, Thủ tướng Kishida đã kêu gọi mọi nước có vũ khí hạt nhân cần minh bạch thông tin hơn về lực lượng hạt nhân, đồng thời khuyến khích cả Trung Quốc và đồng minh Mỹ đối thoại về kiểm soát vũ khí và giải giáp hạt nhân.
“Bài phát biểu này rất chú trọng vấn đề vũ khí hạt nhân, nhiều hơn bất cứ bài phát biểu chủ đề SLD nào khác gần đây”, ông Ankit Panda, nghiên cứu viên cấp cao trong chương trình chính sách hạt nhân thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ), viết trên Twitter hôm 10/6.
Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Austin khẳng định sự phổ biến vũ khí hạt nhân là một trong những thách thức thế giới đang phải đối mặt. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngụy cho biết vũ khí hạt nhân Trung Quốc là để phòng thủ và không được dùng để tấn công phủ đầu.
Điểm nóng cạnh tranh tương lai
Các cuộc thảo luận và bài phát biểu tại SLD cũng thể hiện địa điểm cạnh tranh trong tương lai.
“Có một khu vực cạnh tranh chiến lược mới đang dần xuất hiện. Chúng ta nhìn thấy nó rất rõ ràng trong các tuyên bố tại SLD”, ông Fatton nói với Zing. “Đó là các quần đảo Thái Bình Dương. Họ sẽ là trung tâm của bàn cờ địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Ông Fatton chỉ ra rằng tại SLD, ông Richard Marles, tân Bộ trưởng Quốc phòng của Australia, một đồng minh của Mỹ tại Thái Bình Dương, từng nhắc đến các quần đảo Thái Bình Dương.
“Australia sẽ bước vào thời đại tương tác mới tại Thái Bình Dương”, ông Marles nói hôm 11/6. “Lực lượng Phòng vệ Australia sẽ luôn có mặt để trợ giúp những người láng giềng Thái Bình Dương”.
SLD lần này cũng có sự góp mặt của ông Seruiratu, Bộ trưởng Quốc phòng, An ninh quốc gia và Cảnh sát của Fiji, một đảo quốc Thái Bình Dương.
“Trong tương lai, chúng ta sẽ có nhiều tương tác hơn với các đảo quốc Thái Bình Dương. Những nước chủ chốt tại Thái Bình Dương cũng sẽ dần xuất hiện nhiều hơn tại SLD”, ông Fatton nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bai-hoc-cho-chau-a-qua-doi-thoai-shangri-la-2022-post1325814.html