Bài học cho tuyển Việt Nam
Trận hòa 0-0 trước Indonesia để lại nhiều bài học cho tuyển Việt Nam trong hành trình thay đổi bộ nhận diện chơi bóng và chinh phục AFF Cup 2020.
Sau thắng lợi giòn giã trước Malaysia ở lượt đấu trước, lọt giữa những dòng hào hứng và bùng nổ, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng ĐT Việt Nam nên giữ đôi chân mình trên mặt đất. Lý do bởi "Những chú hổ Mã Lai" đã mất quá nhiều nhân sự vì các lý do khác nhau như dịch bệnh hay bất ổn nội bộ. Vì vậy, việc giành chiến thắng chưa chắc đã thể hiện khác biệt quá lớn về trình độ.
Đối đầu Indonesia là một thử thách khó khăn hơn. Ngoài trường hợp Elkan Baggott bất ngờ bị nước chủ nhà Singapore yêu cầu thực hiện cách ly y tế, HLV Shin Tae-yong có đủ các lựa chọn cần thiết trong tay.
Dù bất ngờ cất đội trưởng Evan Dimas lên băng ghế dự bị, nhưng rõ ràng người đồng hương của ông Park Hang-seo đã thể hiện được nhiều điều.
Thế trận phòng ngự của Indonesia
Khác với Malaysia, dù không thể so sánh chất lượng của từng cá nhân, Indonesia quả thực phòng ngự tốt hơn rất nhiều. Có lẽ điều này đến từ một tâm thế "đổ bê tông" chủ động.
Biểu hiện của điều này không chỉ nằm ở sự thay đổi trong sơ đồ chiến thuật. HLV Shin khẳng định do trung vệ cao 1,94 m Baggott không thể ra sân nên ông đã đổi từ sơ đồ 4 hậu vệ sang 5 hậu vệ. Trên thực tế, ngoài điểm nhấn này, các học trò của ông cũng thực hiện chức năng phòng thủ rất tốt trên sân.
Đầu tiên, họ gây áp lực rất tốt ở hai biên. Đây là một điểm cơ yếu vì ĐT Việt Nam thường triển khai bóng từ các trung vệ và tiền vệ trung tâm sang hai hành lang trước khi kết nối với tuyến trên cùng.
Không thể tấn công trực diện, Việt Nam chỉ có thể luân chuyển bóng để đẩy hệ thống của đối thủ xuống và tiến đến gần vùng cấm địa. Tại khu vực này, Việt Nam có thể tấn công biên rất tốt khi Hoàng Đức, Tuấn Anh thay nhau hỗ trợ chồng biên, tấn công vào khoảng trống sau lưng hậu vệ biên của đối thủ khi anh này rời vị trí.
Dù vậy, các pha bóng xuống đáy biên kể trên vẫn không tạo được nhiều nguy hiểm do Indonesia luôn có lợi thế đáng kể về số lượng người trong vùng cấm địa.
Những điểm Việt Nam cần cải thiện
Khi Việt Nam đang triển khai bóng ở gần vòng tròn giữa sân, hàng thủ Indonesia luôn lùi khá sâu. Điều này rất khác với cách Malaysia triển khai. Hàng thủ của Malaysia dâng cao hơn. Điểm mạnh của cách vận hành đó là họ ở gần hàng tiền vệ và thu hẹp cự ly giữa hai tuyến phòng ngự. Nhưng điểm yếu là họ phải bỏ lại khoảng trống sau lưng. Các chân chuyền của Việt Nam đã liên tục khai thác điều này bằng những đường bóng bổng nhắm vào sau lưng hàng hậu vệ.
Indonesia thì khác. Họ hy sinh khoảng trống giữa hai tuyến bù lại là phòng ngự tốt khoảng trống sau lưng. Chiến thuật không có cái nào "hơn" cái nào, chỉ có phương pháp phù hợp hơn mà thôi. Vô tình, cách phòng thủ của Indonesia làm lộ ra điểm mà Việt Nam còn cần phải cải thiện.
Theo thống kê, Hoàng Đức đã thực hiện tổng cộng 6 đường chuyền xuyên tuyến ở trận này. Vấn đề nằm ở chỗ những pha bóng ấy đều khiến Việt Nam bộc lộ điểm yếu trong hình khối đội hình. Công Phượng thường xuyên rơi vào tình cảnh không nhận được sự hỗ trợ, bởi các đồng đội còn lại hầu hết đều đứng khá xa tuyến đầu nói chung và vị trí của Phượng nói riêng.
Bản đồ các pha tấn công bóng sống của ĐT Việt Nam đã mô tả rất rõ ràng thực trạng rằng chúng ta không thể tạo ra sóng gió ở trung lộ, mà chủ yếu chỉ có thể dựa vào các pha đánh biên. Và như đã phân tích, các pha bóng này cũng thiếu hiệu quả khi số lượng nhân sự không đủ.
Câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có quá thận trọng? Hay nói cách khác là không đủ sự tự tin, liều lĩnh? Một điểm mâu thuẫn cần chỉ ra nằm ở vị trí của Vũ Văn Thanh, Nguyễn Phong Hồng Duy. Cả hai đều tham gia nhiều vào các pha tổ chức tấn công nhưng trên thực tế không hề xuất hiện ở những tình huống kết thúc.
Lý do là bởi họ giữ vị trí khá thấp. Họ tham gia vào các pha triển khai từ tuyến dưới chứ ít xuất hiện trên cao. Và khi đã dâng cao thì lý do thường là do pha tấn công đang diễn ra trên cánh của họ. Nếu không phải bóng đang lăn ở đó, họ cũng chưa có ý thức tiến lên để hỗ trợ.
Hình ảnh trên là một khoảnh khắc điển hình, diễn ra thường xuyên và thường trực trong gần như mọi trận đấu của Việt Nam. Khi bóng lăn ở cánh phải, Nguyễn Phong Hồng Duy quay về và hơi bó vào trong.
Chọn vị trí như thế, Duy sẽ ở trong một khu vực an toàn hơn, sẵn sàng lui về hỗ trợ phòng thủ nếu đội mất bóng.
Tuy nhiên, cái được không ăn thua là bao so với những cái mất. Trước hết, hậu vệ phải của Indonesia không có bất kỳ vấn đề gì cần phải bận tâm, anh cứ mạnh dạn bó vào trong và để ý Phan Văn Đức. Hàng thủ của Indonesia vì vậy không hề bị kéo giãn (chưa nói đó là một hàng thủ 5 người).
Cách chọn vị trí của Duy cũng đồng nghĩa rằng trung vệ lệch trái Bùi Tiến Dũng không còn nhiều vai trò nào khác ngoài đứng yên ở tuyến dưới. Lựa chọn này thực tế là không cần thiết khi Indonesia chỉ có duy nhất một tiền đạo phía trên. Việc cả Thành Chung lệch phải, Quế Ngọc Hải chính giữa và Tiến Dũng lệch trái đều đứng thấp canh chừng là không cần thiết.
Duy cần đứng cao hơn, mạnh dạn hơn. Một khi Hồng Duy giữ được vị trí ngoài biên, hậu vệ phải của Indonesia sẽ rơi vào trạng thái bối rối khi một mình "kèm" hai người là Hồng Duy và Văn Đức. Nếu trung vệ của Indonesia cũng để ý Văn Đức, hàng thủ của Indonesia sẽ bị kéo giãn. Kể cả không tham gia vào pha bóng, Hồng Duy thực tế đã hỗ trợ tấn công cho pha bóng đang lăn ở cánh bên kia.
Cần nhấn mạnh rằng đây chỉ là một trong rất nhiều ví dụ dễ thấy được trên sân. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Hồng Duy.
Cơ hội để cải thiện
Nếu gặp chủ nhà Singapore hoặc kình địch Thái Lan, Việt Nam có lẽ không rơi vào thế trận này. Nhưng ở lượt đấu cuối, Campuchia rất có thể là câu chuyện tương tự dù HLV Keisuke Honda có tuyên bố chơi chủ động trước mọi đối thủ.
Đó sẽ là cơ hội để cải thiện cho thầy trò Park Hang-seo. Tuyển Việt Nam là một đội bóng mạnh trong tầm khu vực và chúng ta nên có những điều chỉnh nhỏ sao cho phù hợp với đặc điểm ấy.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bai-hoc-cho-tuyen-viet-nam-post1283667.html