Bài học chống lũ

Trận lụt lịch sử do cơn bão số 3 gây ra đã đi qua, để lại bao đau thương cho người dân các tỉnh miền Bắc. Mặc dù đã nỗ lực hết mình nhưng sức tàn phá của cơn bão đã để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản. Từ trận lũ này, rất nhiều bài học kinh nghiệm quý giá để ứng phó với bão lụt được rút ra nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Người xưa có câu “Nhất thủy nhì hỏa” để nói lên sức tàn phá của giặc nước và giặc lửa. Do vậy, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống lụt bão, trong đó ý thức trách nhiệm của mỗi hộ gia đình góp phần vào hiệu quả chung của cả hệ thống chính trị. Thực tế cho thấy trong nhiều trận “đại hồng thủy” mà người dân Tuyên Quang đã trải qua, như năm 1971, 1986, 2001... đã khẳng định điều đó.

Tuy nhiên, sau trận lũ lịch sử này, chúng tôi đã tiến hành khảo sát hàng loạt các hộ dân chịu hậu quả nặng nhất tại phường Tân Quang, Phan Thiết, Minh Xuân... về sự chủ động phòng chống lũ thì đều nhận được câu trả lời là do chủ quan. Họ cứ nghĩ rằng do có hồ thủy điện Tuyên Quang, Chiêm Hóa tích nước nên mực nước sẽ không thể dâng cao như vậy. Đúng, nếu không có hồ thủy điện tích nước thì trận lũ năm nay sẽ khủng khiếp hơn những gì chúng ta đã được chứng kiến.

Nhớ lại thị xã Tuyên Quang xưa, trước mỗi mùa mưa bão, người dân ai nấy đều chủ động phương án sẵn sàng chống lũ. Gia đình ai ở vùng ngập lụt cũng đều có thuyền, bè, dự trữ lương thực, thực phẩm; có phương án vận chuyển đồ đạc; sẵn sàng di tản đến vị trí an toàn... Các xã có tuyến đê xung yếu cũng đều chuẩn bị phương án và tinh thần hộ đê bất cứ lúc nào.

Đã hơn 20 năm qua, người dân thành phố Tuyên Quang nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung được sống trong cảnh bình yên trong mỗi mùa mưa bão nhờ có thủy điện nên lơ là, chủ quan, phản ứng chậm với tình huống thiên tai xảy ra. Nhiều hộ dân ngồi nhìn khối tài sản lớn bị hư hại mà nước mắt lưng tròng sau khi nước rút rồi tự trách bản thân quá thờ ơ với cảnh báo về lũ lụt. Nhiều chủ hộ vẫn đi chơi, đi xem nước lên, khi về đến nhà thì gặp cảnh nước dâng quá nửa tầng 1 nên không cứu vãn được gì nữa.

Từ xa xưa cha ông ta đã chú trọng tinh thần hộ đê để bảo vệ thôn xóm, sự sống còn của người dân. Các triều đại phong kiến, trong các bộ luật đã ghi rõ vai trò quan trọng của người dân trong công tác hộ đê. Sau khi chính quyền cách mạng về tay nhân dân, đầu năm 1946, Bác Hồ về thăm thị xã Hưng Yên đã đặc biệt nhấn mạnh việc đắp đê là trách nhiệm của mỗi người dân để không còn lo xảy ra lũ lụt.

Bác Hồ cũng đã viết rất nhiều thư gửi đồng bào các tỉnh có đê căn dặn “Mùa nước lũ sắp đến... đồng bào trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã bắt đầu đắp đê và chuẩn bị hộ đê... Đánh giặc để giữ làng, giữ nước. Đắp đê, hộ đê để bảo vệ mùa màng... Mấy năm trước, chúng ta đã thắng giặc lụt. Năm nay chúng ta cũng quyết thắng giặc lụt. Tôi kêu gọi đồng bào và bộ đội ra sức giữ vững đê điều”. Từ tinh thần đấy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã về Tuyên Quang, Phú Thọ chỉ đạo khắc phục ngay sự cố đê điều do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây ra. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước căn dặn người dân trong việc bảo vệ đê điều là bảo vệ cuộc sống của chính mình.

Tôi sinh ra ở vùng hạ huyện Sơn Dương, nơi có tuyến đê nối dài với các xã vùng trung của huyện và các xã thuộc tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Những triền đê dài miên man, đẹp như tranh vẽ, nơi các bà, các mẹ tần tảo sớm khuya gánh lúa, gánh nước từ sông về nhà. Nơi lũ trẻ chúng tôi thả diều trong mỗi chiều hè.

Con đê như một biểu tượng văn hóa của làng quê, hiền hòa là thế mà mỗi khi có lũ nó như bức tường thành vững chãi bảo vệ xóm làng. Vậy nên người dân quê tôi khi mùa lũ đều hò nhau đi hộ đê, cả làng thức trọn nhiều đêm canh đê trong những ngày mưa bão. Hàng nghìn bao tải đất, đá được chuẩn bị sẵn sàng vá đê khi có sự cố. Nhiều người còn lấy thân mình làm lá chắn be nước tràn vào đê. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, tinh thần ấy phải tiếp tục được khơi dậy.

Trong bão lũ, tình dân tộc, nghĩa đồng bào lại được cháy lên, nhân rộng bằng những hành động chung tay giúp đỡ người bị nạn nhưng khó lòng bù đắp được những mất mát, đau thương do thiên tai gây ra. Do đó, kinh nghiệm muôn đời nay của cha ông ta để lại là luôn đề cao cảnh giác, không chủ quan trước nguy cơ bão lũ, diễn biến khó lường của thời tiết. Bởi nếu từ mỗi gia đình không chủ động, thiếu cảnh giác sẽ gây nên những hậu quả khôn lường.

Bài học được rút ra là nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống lũ từ mỗi gia đình, xóm phố để góp sức cùng cả hệ thống chính trị giữ gìn cuộc sống luôn bình yên.

Thành Công

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/bai-hoc-chong-lu-198298.html