Bài học cuộc đời của ông Joe Biden: Khi bị đánh gục phải bật đứng dậy
Giới quan sát cho rằng, cuộc đua lần thứ ba tới Nhà Trắng của ông Joe Biden cũng là cuộc chạy đua bầu cử Tổng thống vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nước Mỹ khi mà đại dịch Covid-19 tấn công, khủng hoảng xã hội, kinh tế, y tế... nặng nề.
Trong khi đó, ông Joe Biden đã thắng Tổng thống đương nhiệm Donald Trump với số phiếu phổ thông cao nhất trong lịch sử - khoảng cách trên 75 triệu phiếu. Nhưng, ông Trump không chịu chấp nhận kết quả ấy và cuộc chiến pháp lý đã được phát động.
Trong tuyên bố chiến thắng, ngày 11/11, trước cử tri ủng hộ, Tổng thống đắc cử Joe Biden đã nói: “Tôi kiên định với cam kết khôi phục lại linh hồn của nước Mỹ, chăm sóc cho mọi người dân Mỹ và hàn gắn những chia rẽ của nước Mỹ trên cương vị Tổng thống”.
Ông Joe Biden tên đầy đủ là Joseph Robinette Biden Jr, sinh ngày 20/11/1942 trong một gia đình gốc Ailen ở thành phố Scranton, bang Pennsylvania. Bố của ông Biden vốn là một đại lý bán ô tô, từng bị phá sản trong thời kỳ suy thoái kinh tế trong thập niên 1950, đành phải đưa vợ con tới thành phố láng giềng Delaware để tìm kế sinh nhai khác.
“Bố tôi thường nói: Joe này, khi bị đánh gục, con phải bật dậy nhé” - Biden kể về bài học đầu đời mà bố dạy cho ông.
1. Suốt nửa thế kỷ trên chính trường Mỹ, ông Joe Biden đã thực hiện “di huấn” của người cha. Ông đã từng bị coi là người “luôn thất bại”, nhưng những lần thất bại đó không làm ông nản chí mà vẫn bước về phía trước. Chính điều đó đã tôi luyện nên phẩm chất can trường và biến ông trở thành một chính trị gia kỳ cựu bậc nhất nước Mỹ.
Nỗi đau rất lớn trong cuộc đời ông Joe Biden đến vào mùa Giáng sinh năm 1972, khi người vợ Neilia 30 tuổi và con gái Naomi mới 13 tháng tuổi thiệt mạng trong một vụ tai nạn thương tâm. Hai người con trai của ông, Joseph “Beau” Biden III và Robert Hunter Biden sống sót trong thảm kịch. Nhưng hơn 40 năm sau, Beau đã qua đời sau khi được chẩn đoán ung thư não.
Khi cả gia đình lâm nạn thì cũng là là lúc Joe Biden khởi đầu sự nghiệp chính trị của mình: Chiến thắng trên đường đua tới Thượng viện Mỹ vào tháng 11/1972.
Ông Biden nói rằng, sự kiện bi thảm đó là đòn chí tử giáng vào ông, “với tôi, cả thế giới đã thay đổi mãi mãi”. Ông cũng cho biết, “tôi đã sống sót qua thử thách trừng phạt đó. Tôi đã vượt qua, với rất nhiều sự ủng hộ, và xây dựng lại cuộc đời mình, gia đình mình”.
5 năm sau thảm kịch, ông Biden kết hôn với Jill Jacobs, đám cưới được tổ chức vào tháng 6/1977 tại Nhà thờ Liên hợp quốc ở New York City và đến năm 1981, Joe Biden đón người con duy nhất của hai người, Ashley Blazer, chào đời.
Những năm tháng tiếp theo, Joe Biden là một chính trị gia vừa bình tĩnh vừa xông xáo. Nhưng sự nghiệp chính trị của ông không phải lúc nào cũng trải hoa hồng. Trước khi trở thành ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ và giành chiến thắng trong mùa bầu cử 2020, ông từng thất bại trong hai cuộc bầu cử, chưa kể có những lần ông dự định ra tranh cử nhưng cuối cùng đã rút lui.
Dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc đời hoạt động chính trị của ông Joe Biden chính là việc ông trở thành Phó Tổng thống 8 năm liên tục (2 nhiệm kỳ Tổng thống của ông Barak Obama). Ở cương vị này, ông Biden là trợ thủ đắc lực cho vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, uy tín chính trị của ông được khẳng định.
Vì thế, trong lần tranh cử này, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn nhận được sự ủng hộ cao của đảng Dân chủ. Và hơn thế nữa, cử tri Mỹ đã bỏ phiếu cho ông với kỳ vọng lớn lao vào kinh nghiệm chính trường ở mức thượng thừa của ông.
Nói về 8 năm làm Phó Tổng thống của ông Biden, ông Obama khẳng định: “Lựa chọn Biden - người từng làm Phó Tổng thống dưới thời tôi là một trong những quyết định tốt nhất tôi từng đưa ra và ông ấy cũng là một người bạn thân của tôi. Tôi tin rằng Biden có đủ những phẩm chất mà chúng ta cần ở một Tổng thống”.
Như vậy, tới lần tranh cử thứ ba (bắt đầu “ý tưởng” từ tháng 4/2019) ông Biden mới trở thành Tổng thống nước Mỹ. Lúc đó ông đã tuyên bố “nước Mỹ đang gặp nguy hiểm và đó là lý do vì sao tôi tuyên bố tranh cử Tổng thống Mỹ”.
Cho tới ngày 11/8/2020, ông Biden quyết định chọn bà Kamala Harris làm liên danh tranh cử Phó Tổng thống. Điều đó được đánh giá là nhãn quan tuyệt vời mà ông Biden có được trong suốt mấy chục năm ròng lăn lộn trong chính trường nước Mỹ.
Trong lần tranh cử và đắc cử lần này, ông Biden tập trung vào việc mối họa của nước Mỹ từ Covid-19, nền kinh tế bế tắc và cách “làm cho nước Mỹ hùng cường trở lại không phải theo cách của ông Trump”. Cùng đó, ông Biden cũng không quên nhắc người dân Mỹ rằng, ông có sứ mệnh hàn gắn rạn nứt trong lòng đất nước để “giấc mơ Mỹ” không bị biến mất.
Trong diễn văn chiến thắng đêm 7/11 (giờ địa phương), ông Biden nói: “Người dân thuộc mọi sắc tộc đã trao chiến thắng cho chúng tôi”, và kêu gọi hàn gắn nước Mỹ sau những chia rẽ: “Hãy trao cho nhau cơ hội. Kinh thánh có nói mùa gieo hạt, mùa gặt hái, mùa chữa lành. Hãy để cho chúng ta thời gian chữa lành”.
2. Trong khi ông Joe Biden tuyên bố chiến thắng và ông Donald Trump không công nhận mình thua, thì trên mạng xã hội lan truyền bức tâm thư viết tay của Tổng thống George H.W. Bush viết cho Tổng thống đắc cử Bill Clinton vào ngày 20/1/1993 nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội.
Nói rõ ra rằng, vị Tổng thống thứ 41 của Mỹ, người không thể tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai sau khi để thua trước Thống đốc Arkansas của đảng Dân chủ trong cuộc tranh cử, đã gửi bức thư chân thành cho ông Clinton vào đúng ngày nhậm chức 20/1/1993. Ông không chỉ đưa ra lời khuyên mà còn bày tỏ sự ủng hộ khi đối thủ thay mình làm ông chủ Nhà Trắng.
“Bill thân mến, khi bước vào văn phòng này ngay bây giờ, tôi vẫn có cảm giác ngạc nhiên và sự tôn kính mà tôi cảm nhận bốn năm trước. Tôi biết ông cũng sẽ cảm thấy được điều đó. Tôi chúc ông sẽ có những niềm hạnh phúc tuyệt vời khi ở đây. Sẽ có những khoảng thời gian khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn khi những lời chỉ trích ông có thể nghĩ là không công bằng. Tôi không phải là một người đưa ra lời khuyên tốt nhưng đừng để những người chỉ trích đẩy ông ra khỏi hướng đi. Sự thành công của ông là sự thành công của quốc gia. Tôi chân thành ủng hộ ông. Chúc may mắn, George” - Tổng thống Bush chia sẻ tâm tư trong bức thư đầy xúc động.
Bức thư được gửi đi sau khi ông Bush có một bài phát biểu thừa nhận thất bại, bày tỏ sự hòa giải và hy vọng vào ngày 4/11/1992, một ngày sau khi các hãng truyền thống lớn tuyên bố ông Clinton là người thắng cử.
Dư luận đánh giá, hành động đó của ông Bush là “văn minh”, cao thượng giống như tinh thần của hai võ sĩ thượng đài trong một trận Boxing, khi mà tiếng còi của trọng tài đã vang lên kết thúc trận đấu.
“Đây là cách chúng tôi và đất nước nhìn nhận điều đó - người dân đã lên tiếng, và chúng tôi tôn trọng sự uy nghiêm của hệ thống dân chủ”, Tổng thống Bush nói trong bài phát biểu thừa nhận thất bại và cam kết sẽ phối hợp với chính quyền tương lại để triển khai quá trình chuyển giao quyền lực một cách “suôn sẻ” cũng như kêu gọi những người ủng hộ ông” tiếp tục ủng hộ Tổng thống mới”.
Tới nay, trong lịch sử nước Mỹ, có 9 vị Tổng thống tại vị thất bại trong cuộc tái tranh cử.
Những cuộc chuyển giao tiếp theo có khi căng thẳng, có lúc ôn hòa. Bây giờ, người ta chờ đợi những động thái chuyển giao của ông Trump sang cho ông Biden. Có lẽ nó sẽ không kém gay gắt như cuộc chạy đua khốc liệt giữa hai ứng viên George W. Bush của đảng Cộng hòa và Al Gore của đảng Dân chủ vào năm 2000, buộc Florida phải kiểm phiếu lại và tình trạng thắng thua chưa phân định kéo dài 36 ngày sau ngày kết thúc bầu cử.
3. Ở Mỹ, hầu như cuộc đua vào Nhà Trắng nào cũng gây tranh cãi. Trong đó có những cuộc tranh cãi rất gay gắt, kéo dài.
Năm 1800, Hạ viện Mỹ phải “ra tay” định đoạt kết quả bầu cử. Đây là cuộc bầu cử diễn ra khi các đảng phái chính trị đầu tiên ở Mỹ đang hình thành. Lúc đó, ông Thomas Jefferson và Aaron Burr - người mà ông chọn là Phó Tổng thống liên danh - đều giành được 73 phiếu đại cử tri do hiểu lầm trong khâu thống nhất ứng viên giữa các đại cử tri đảng Dân chủ - Cộng hòa khi đó. Trong khi đó, đối thủ của ông Jefferson là Tổng thống đương nhiệm lúc bấy giờ John Adams, thành viên đảng Liên bang đối thủ, chỉ giành được 65 phiếu đại cử tri.
Cuối cùng, phải đưa ra Hạ viện để phân định xem ai trong số hai chính khách cùng một đảng là Jefferson và Burr sẽ trở thành Tổng thống. Cuối cùng, ông Jefferson trở thành Tổng thống Mỹ còn ông Burr trở thành Phó Tổng thống.
Đáng chú ý, sau cuộc bầu cử này, Tu chính án thứ 12 ra đời nhằm quy định rằng các đại cử tri bầu Tổng thống và Phó Tổng thống riêng rẽ.
Lần “sửa Hiến pháp” đó được coi là đặt nền móng cho việc bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong trường hợp có tranh cãi thì Tòa án Tối cao liên bang và Hạ viện sẽ phải ra tay.