Bài học đắt giá cho thể thao Việt Nam

Trong khi ngành thể thao Việt Nam đang nỗ lực tập trung cho công tác huấn luyện chuẩn bị SEA Games 31 và hướng tới vòng loại tranh suất dự Ô-lim-pích Tô-ki-ô năm 2021 thì nhận được tin đáng buồn, tác động không nhỏ tới tinh thần và tâm lý của vận động viên (VÐV) ở các đội tuyển.

Trong khi ngành thể thao Việt Nam đang nỗ lực tập trung cho công tác huấn luyện chuẩn bị SEA Games 31 và hướng tới vòng loại tranh suất dự Ô-lim-pích Tô-ki-ô năm 2021 thì nhận được tin đáng buồn, tác động không nhỏ tới tinh thần và tâm lý của vận động viên (VÐV) ở các đội tuyển.

Ðó là việc mới đây nhất, ngày 23-11, Liên đoàn Cử tạ quốc tế (IWF) đã chính thức công bố án cấm thi đấu đối với hai lực sĩ cử tạ đoạt Huy chương vàng (HCV) Giải vô địch cử tạ trẻ thế giới năm 2019 là Nguyễn Thị Thu Trang (17 tuổi, hạng 45 kg nữ) và Bùi Ðình Sáng (18 tuổi, hạng 61 kg nam) do dính đô-pinh. Cả hai VÐV đều dương tính với chất oxandrolone (chất để phát triển cơ bắp) sau khi bị Tổ chức Phòng chống đô-pinh quốc tế lấy mẫu xét nghiệm cách đây một năm trong quá trình tập huấn do địa phương quản lý, không tập luyện tại đội tuyển quốc gia và không tham gia giải đấu nào. Với kết quả này, hai tài năng trẻ của cử tạ Việt Nam sẽ phải nhận án cấm thi đấu trong bốn năm, bắt đầu từ ngày 27-1-2020.

Trước đó, đầu năm 2019, IWF cũng có án phạt 5.000 USD và cấm thi đấu bốn năm đối với hai VÐV cử tạ khác của nước ta là Trịnh Văn Vinh và Nguyễn Thị Phương Thanh cùng lý do tương tự. Như vậy là trong hơn hai năm, cử tạ Việt Nam đã có tới bốn VÐV bị cấm thi đấu vì sử dụng chất cấm trong thể thao và đang đối diện nguy cơ không được tham dự Ô-lim-pích và các giải đấu quốc tế thời gian tới, trong đó có SEA Games 31 theo quy định của IWF. Ðiều này khiến hai "hy vọng vàng" của cử tạ nước ta là lực sĩ Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên nhiều khả năng không được thi đấu tại Thế vận hội tại Tô-ki-ô trong năm 2021 cho dù đã đạt chuẩn tham dự. Tiền lệ trong khu vực là đội tuyển cử tạ Thái-lan đã bị cấm thi đấu trong ba năm ở các giải quốc tế và không có mặt tại SEA Games 30 và 31 do có nhiều VÐV sử dụng đô-pinh.

Không chỉ Việt Nam và các nước trong khu vực, tình trạng VÐV cử tạ thế giới vi phạm quy định về chất cấm do vô tình hay cố ý ngày càng nhiều đã được IWF cảnh báo đối với liên đoàn cử tạ các nước, đồng thời đưa ra nhiều biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, liên tục trong thời gian dài. Bên cạnh việc giám sát, kiểm tra tại các giải đấu, IWF còn có một danh sách đặc biệt bao gồm VÐV các nước có thành tích thi đấu quốc tế tốt để theo dõi, giám sát phòng chống đô-pinh hằng năm. Họ có thể bất ngờ lấy mẫu xét nghiệm ở bất kỳ thời điểm, không báo trước, kể cả khi không có giải thi đấu để tránh việc tẩy thuốc khi vào giải. Chỉ tính riêng năm nay, đã có 312 VÐV cử tạ các nước được đưa vào danh sách giám sát, trong đó có bảy VÐV cử tạ hàng đầu của Việt Nam từng giành nhiều thành tích đỉnh cao tại các giải thi đấu quốc tế.

Với lệnh cấm này, các VÐV cử tạ nước ta và cả các nhà quản lý, huấn luyện chuyên môn đang chịu áp lực không nhỏ khiến họ không thể chuyên tâm vào tập luyện, thi đấu. Ðiều đó đồng nghĩa với việc mọi công sức đầu tư bấy lâu nay cho cử tạ, một môn thể thao thế mạnh mà chúng ta hy vọng có thể tranh huy chương ở các đấu trường quốc tế sẽ không được đền đáp xứng đáng. Một thế hệ các đô cử đầy tài năng sẽ để lỡ mất những cơ hội khẳng định mình, mang vinh quang về cho Tổ quốc. Quan trọng hơn là những ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ tới hình ảnh, vị thế của một nền thể thao đang từng bước phát triển, vươn tầm châu lục và thế giới, nhất là khi chúng ta đang nỗ lực tổ chức một kỳ SEA Games 31 công bằng, khách quan với các môn thể thao cơ bản Ô-lim-pích.

Không phải đến bây giờ sau vụ việc đáng tiếc đối với các VÐV cử tạ, ngành thể thao mới giật mình nhìn lại. Trước đó, nhiều biện pháp siết chặt công tác phòng, chống chất cấm trong các cấp độ đội tuyển đã được triển khai thực hiện. Ngay từ năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có hẳn một Thông tư quy định về phòng, chống đô-pinh trong hoạt động thể thao. Tuy nhiên, các vụ việc vi phạm vẫn xảy ra mà một phần nguyên nhân là do những biện pháp phòng ngừa, xử lý chưa thật sự mang tính tổng thể, triệt để và còn khá thụ động, thậm chí còn thiếu cả các quy định pháp lý, chế tài xử phạt, kỷ luật các huấn luyện viên, VÐV và đơn vị để xảy ra vi phạm. Nhiều người khi đối mặt với các án phạt đô-pinh luôn lấp liếm rằng do thiếu hiểu biết nên vô tình sử dụng thuốc, thực phẩm... có chứa chất cấm, không theo chỉ định của cơ quan y tế thể thao. Ðó là điều không thể chấp nhận, còn nếu đúng như thế thật thì đó là "lỗ hổng" quá lớn bởi ngành thể thao còn thiếu tính chuyên nghiệp, không làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các quy định phòng, chống đô-pinh của thế giới và Việt Nam, cung cấp thông tin những chất bị cấm hoặc phương pháp bị
cấm trong danh mục cấm hằng năm của Tổ chức Phòng, chống đô-pinh thế giới và kiểm soát các nguy cơ khi sử dụng các chất bổ sung dinh dưỡng.

Theo những người có trách nhiệm của ngành thể thao, cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù chúng ta hiểu rõ sự nguy hiểm của việc sử dụng chất cấm trong hoạt động thể thao và đã xây dựng hẳn một Trung tâm kiểm tra đô-pinh và y học thể thao, nhưng hoạt động còn rất hạn chế vì thiếu kinh phí, không đủ điều kiện kiểm tra đầy đủ và chính xác các VÐV trước khi thi đấu. Những năm gần đây, ngành thể thao thường nói nhiều đến đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho các VÐV, các bộ môn thế mạnh Ô-lim-pích, song đã đến lúc cần định hướng tập trung đầu tư vào những điều kiện thiết yếu, góp phần hỗ trợ các VÐV tập luyện và thi đấu trong môi trường không đô-pinh, được thông tin đầy đủ để đạt thành tích cao một cách đàng hoàng, chân chính.

TIẾN CƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/thethao/bai-hoc-dat-gia-cho-the-thao-viet-nam-626173/