Bài học đắt giá của thanh niên trẻ trong một lần đánh nhau

Mỗi lần mẹ vào thăm, Vũ Hữu Quyết, SN 1996 ở trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì (Hà Nội ) lại khóc vì ân hận. Thương mẹ đường xa vất vả, Quyết hiểu đằng sau lời dặn dò và cái cười động viên của mẹ là biết bao nhọc nhằn và đau khổ của đấng sinh thành khi thấy con trai vừa bước vào tuổi trưởng thành đã đằng đẵng trong tù.

“Giá như ngày đó tôi biết nghe lời bố mẹ, đừng đi chơi đêm, tụ bạ với bạn bè mà học lấy một nghề để sau này tự lập thì chắc chắn đã không có ngày hôm nay, phải sống trong này như bây giờ”, kẻ vò đầu khổ sở tỏ ra ân hận ấy là phạm nhân Vũ Hữu Quyết, sinh năm 1996, ở Ba Vì, Hà Nội. Quyết đang cải tạo bản án 18 năm tù về tội giết người. Nam phạm nhân này đang cải tạo ở đội chăn nuôi.

Đêm đi chơi định mệnh

Dáng nhỏ nhắn nhưng ăn nói lưu loát nên vừa bước chân vào phòng, còn chưa ngồi xuống ghế, Quyết đã mau mắn: “tội của em xử quá nặng”. Hỏi anh ta nếu đổi đi tù với một mạng người thì cái nào hơn, Quyết im lặng.

Quyết sinh ra trong một gia đình có bố mẹ làm công nhân. Tuy nhiên do mải chơi nên sau khi không thi đỗ vào THPT, Quyết ở nhà. Bố mẹ khuyên nên theo học tại trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện để có kiến thức, sau này đi học lấy một cái nghề lập nghiệp nhưng Quyết không chịu. Hỏi vì sao lại không đi học, Quyết bảo thực ra ngày đầu cũng có đi học nhưng sau đó thấy không khí học tẻ nhạt, nhiều bạn nếu không trốn tiết học thì coi việc đến trường là để trưng diện, giao lưu đàn đúm nên Quyết nghỉ. Chưa đủ tuổi đi làm, Quyết ở nhà chơi và quán điện tử là nơi anh ta thường xuyên lui tới để giết thời gian.

Những chú lợn do phạm nhân Vũ Hữu Quyết chăm sóc nằm phởn phơ sau khi ăn no

Những chú lợn do phạm nhân Vũ Hữu Quyết chăm sóc nằm phởn phơ sau khi ăn no

“Em cũng mấy lần vào phố tìm việc làm nhưng chẳng việc nào phù hợp cả. Không học thức như em chỉ có làm chân trông xe, chạy bàn tại các quán ăn mà những công việc đó thì em không muốn”, Quyết tâm sự. Nam thanh niên này thừa nhận không phải vì lười làm mà vì sợ chạm mặt người quen, nhất là các bạn từng học phổ thông, giờ đang học ở các trường Đại học.

Theo lời Quyết kể thì không phải ngày nào anh ta cũng đi chơi mà chỉ khi nào trong túi có tiền mới dám ra quán. Những khi không có tiền, Quyết nằm dài ở nhà xem tivi. Đôi lúc chăm lên, Quyết cũng đỡ đần bố mẹ những việc lặt vặt trong gia đình để em gái chuyên tâm học hành. Quyết bảo nhiều lúc nhìn em gái say sưa học bài, anh ta cũng chạnh lòng và thầm thấy tiếc cho bản thân mình.Hỏi về tội lỗi của mình, Quyết bảo đó là một tai nạn “duyên số” không thể tránh khỏi. “Tôi đi chơi điện tử, thấy có đám đánh nhau thì ghé vào. Mục đích là để xem thôi nhưng khi biết đối phương là người xã khác đánh nhau với thanh niên xã mình thì tôi cũng nhảy vào cuộc”, Quyết kể.

Hỏi Quyết đã làm gì khi đó, nam thanh niên này xòe đôi bàn tay nhỏ nhắn: “tôi nhặt gạch ném họ”.

Hậu quả của vụ xô sát ấy là một người thiệt mạng còn Quyết và những người tham gia chịu mức án từ 11 năm đến chung thân trong đó Quyết bị 18 năm tù. Tuy nhiên, để có mức án này, Quyết đã phải sống hai năm trong trại tạm giam để cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xem xét. Sau 2 năm tạm giam và qua 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, với mức án không thay đổi, Quyết về trại giam Thanh Phong cải tạo.

Nhắc đến tội lỗi của mình, Quyết tỏ ra ân hận. Anh ta bảo giá như tối hôm đó không đi chơi thì đã không ra nông nỗi này. Rồi Quyết lại bảo rằng không có ý định giết người mà chỉ là “đánh hôi”, là tham gia cho vui thôi chứ đâu biết lại gây hậu quả nghiêm trọng. “Tối đó về nhà ngủ, em không có cảm giác bất an hay lo lắng gì cả. Sáng hôm sau còn đi chơi bình thường cho đến trưa thì thấy mấy chú công an xuất hiện. Em tưởng họ vào nhà mình làm gì chứ đâu ngờ để bắt em”, Quyết nhớ lại.

Theo lời anh ta thì trong thời gian gần 2 năm tạm giam, Quyết đã rất hoang mang, lo lắng. Nhất là khi biết trong nhóm thanh niên bị đánh có một người chết thì Quyết tỏ ra ân hận. Quyết bảo dù chưa một lần nhìn thấy nạn nhân, cũng chưa từng nói chuyện nhưng chắc chắn là người đó cũng tầm tuổi Quyết. Và mỗi lần nhận được quà của cha mẹ gửi vào, đọc thư mẹ viết với những lời nhắn nhủ, động viên, Quyết lại chạnh lòng nghĩ đến người xấu số, giờ này chắc chắn bố mẹ người đó rất đau khổ. “Ngày bị bắt em vừa bước qua tuổi 18, đang định qua tết sẽ xin đi học”, Quyết kể. Theo lời anh ta thì trong khoảng mấy năm ở nhà, có đôi lần Quyết cảm thấy chơi mãi cũng chán nên quyết định đi xin việc. Bố mẹ bảo nghĩ xem nên học lấy một nghề để sau này cuộc sống ổn định hơn. Quyết nói dự định của mình muốn đi học lái xe và được cả nhà đồng ý. Tuy nhiên, vì còn nấn ná chuyện giao du với bạn bè nên Quyết xin bố mẹ để qua tết sẽ nộp hồ sơ đi học. Ai ngờ cái đêm đi chơi cách đây 5 năm, đúng vào dịp trung thu ấy đã đưa cuộc đời Quyết rẽ sang một hướng khác.

Quyết tranh thủ ra vườn rau giúp các phạm nhân trong đội

Quyết tranh thủ ra vườn rau giúp các phạm nhân trong đội

Mong người thân tha thứ

Cải tạo ở đội chăn nuôi, công việc của Quyết là chăm sóc đàn lợn khoảng 30 con của phân trại. Ngày nào cũng vậy, sau khi cùng các phạm nhân trong đội ra nơi sản xuất, Quyết vệ sinh chuồng trại, dùng vòi nước tắm cho đàn lợn rồi quay về nấu cám lợn. Khi có người mang rau đến, Quyết thái nhỏ sau đó trộn đều vào cám rồi bưng ra đổ cho lợn ăn. Đợi khi lợn ăn xong nằm nghỉ, Quyết thu dọn rồi ném cho chúng một ít rau xanh rồi về lán nghỉ. Công việc buổi chiều cũng diễn ra như buổi sáng. Quyết bảo ngày đầu nhìn đàn lợn cũng thấy nản nhưng làm nhiều rồi lại thấy thích vì không gian thoáng đãng và cơ bản là những lúc rảnh rỗi, anh ta lại tranh thủ cùng anh em trong đội kiếm mớ rau hoặc ra đồng bắt con cua, con cá cải thiện bữa ăn. “Khẩu phần ăn thì theo qui định rồi nhưng khi thấy chúng tôi bắt được cá cua hoặc hái mớ rau về, quản giáo cũng đồng ý cho nấu ăn. Cán bộ chỉ cấm những chất lên men như nước hoa quả ủ thôi ”, Quyết kể.

Nói về gia đình, giọng Quyết bỗng dưng trầm xuống. Anh ta bảo mỗi năm bố mẹ cũng vào thăm vài lần, lần nào cũng mang cho ít thực phẩm khô. “Nhìn bố mẹ mỗi năm một già đi, tóc bạc, da mồi em thấy mình có lỗi lớn lắm. Em chưa giúp được gì cho bố mẹ mà còn làm mọi người khổ thêm cả về tinh thần lẫn vật chất”, Quyết bộc bạch.

Đã đành mỗi người mỗi tội, đều phải chịu trách nhiệm trước việc làm của mình song Quyết vẫn thấy cay nơi sống mũi, nhất là mỗi lần được gặp bố mẹ mà chưa lần nào bị quở trách hay có một câu nặng lời. Quyết bảo thà bố mẹ cứ mắng chửi có khi anh ta thấy nhẹ lòng hơn là phải nhìn thấy ánh mắt đau khổ của cha mẹ.

Bố mẹ làm công nhân, Quyết là con lớn trong nhà nhưng vừa chớm tuổi trưởng thành, còn chưa đỡ đần được gì cho bố mẹ đã phạm tội. Ở nhà còn em gái nữa, theo lời Quyết năm nay đang học cấp ba. Quyết kể rằng người em gái này có vào thăm anh một lần và cô bé chỉ biết đứng khóc thút thít vì thương anh. Thấy em gái như thế, Quyết ngượng không sao cất lên lời cho dù trong lòng rất muốn nói một câu gì đó để em yên tâm.

Dường như chưa dứt ra được những dòng suy nghĩ về gia đình, Quyết ứa nước mắt: “Em không muốn nói từ giá như vì việc gì đã xảy ra không thể quay ngược lại. Chỉ trách mình không sớm nghe lời cha mẹ nhưng giờ chỉ còn cách là cố gắng cải tạo để sớm được giảm án, sớm trở về báo hiếu cha mẹ”. Theo lời Quyết thì từ ngày vào trại giam, năm nào anh ta cũng được xếp loại khá và nếu năm nay tiếp tục giữ xếp loại khá thì sang năm, anh ta sẽ trong diện được xét giảm án. Nói về dự định của mình ngày ra trại, Quyết bảo cũng có nhiều ý tưởng nhưng không biết sau này ra trại có còn phù hợp với thời cuộc không nên không muốn thổ lộ ra mà để “nghiên cứu và điều chỉnh”. Mối bận tâm lớn nhất của anh ta lúc này là làm sao lao động tốt, không xảy ra sơ xuất để sớm được giảm án.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bai-hoc-dat-gia-cua-thanh-nien-tre-trong-mot-lan-danh-nhau-162678.html