Bài học đắt giá sau câu chuyện 'chén vơi, chén đầy'

'Rót rượu phải rót đều tay...' lời nhắc nhở ấy tưởng chừng chỉ là 'vô thưởng vô phạt' trong các cuộc nhậu để thêm phần rôm rả. Chẳng ai ngờ, có lúc nó lại là lý do để các 'đệ tử Lưu Linh' đưa ra so đo tính toán khiến kẻ phải vào tù, người còn lại mang đầy thương tích.

Chúng ta vốn biết, rượu là chất xúc tác có thể khiến những con người xa lạ xích lại gần nhau nhưng rượu cũng chính là tác nhân khiến những người vốn là ruột thịt, bàn bè quay lưng gây thù chuốc oán. Câu chuyện, chê rượu “chén vơi, chén đầy” dẫn đến mâu thuẫn, dùng dao chém hàng xóm suýt bỏ mạng của Lữ Văn Tường (SN 1983, trú bản Tặm, xã Châu Phong, H. Quỳ Châu, Nghệ An) là một minh chứng buồn từ rượu.

Cùng là trai bản Tặm, việc thỉnh thoảng anh em tụ năm tụ bảy chén chú chén anh là chuyện bình thường. Trong mỗi chầu nhậu ấy, những câu chuyện “trên trời, dưới đất” được kể ra làm đề tài cho bàn nhậu thêm nhiều tiếng cười. Cũng có khi đó là những lời tâm sự về công việc, chuyện gia đình của một ai đó cần một lời khuyên từ bạn nhậu... Với họ, rượu chính là gia vị khiến cuộc sống vui vẻ và gắn kết tình anh em trong bản. Cho nên cái việc vì chén rượu có chút không đều tay khi rót khiến Tường và anh Hà Văn Ngọc (1975) xảy ra mâu thuẫn đến chém nhau thực chưa từng có tiền lệ ở bản Tặm.

Cái khác so với các bạn nhậu trong bàn hôm ấy chính là bị cáo Tường và bị hại Ngọc rất thân nhau. Ngoài là hàng xóm, họ còn chính là bạn rượu của nhau, thỉnh thoảng có miếng gì ngon là lại gọi tụ tập ăn uống “chén tạc, chén thù”. Thân thiết với nhau là vậy nhưng không hiểu sao, trong buổi nhậu ngày 30/9/2019, Tường đã mất kiểm soát khi để “rượu uống người”. Để rồi, giờ thì đôi bạn nhậu một thời lại chạm mặt nhau trong tình cảnh trớ trêu chốn công đường.

Sự việc xảy ra khoảng 10 giờ 30 ngày 30-9-2019, Hà Văn Ngọc, bị cáo cùng một số người khác tổ chức ăn uống tại một gia đình trong bản. Trong quá trình uống rượu, Ngọc và Tường tranh cãi vì chuyện rót rượu chén đầy, chén vơi, người uống nhiều, người uống ít. Ngọc nói: “Rót rượu thì rót cho đều nhau, chén vơi chén đầy rứa?”, Tường phản ứng: “Mi không uống thì về đi”. Thấy hai bên cãi nhau có phần kịch liệt, những người cùng nhậu đã can ngăn nên dừng lại.

Bị cáo Lữ Văn Tường tại tòa

Bị cáo Lữ Văn Tường tại tòa

Thấy bàn nhậu không khí ngột ngạt, căng thẳng nên moi người quyết định “giải tán đám đông” sớm hơn mọi khi. Đáng nói, tan tiệc khi mọi người dần ra về thì giữa hai bên lại khích bác nhau tiếp tục “khẩu chiến”. Sẵn có men rượu trong người, lại thấy Ngọc đứng trên cầu thang có những hành động kém văn minh, lời nói thô lỗ với mình nên Tường bực tức quyết đi tìm dao “xử lý”. Mang theo hung khí, Tường leo lên cầu thang thì bị Ngọc đấm. Lúc này thì cơn điên trong người không thể kìm lại, Tường dùng dao chém vào cánh tay, vùng đầu của anh Ngọc, hai bên vật lộn ngã xuống đất. Anh Ngọc được mọi người đưa đi cấp cứu và điều trị với tỷ lệ thương tật là 65%.

Tại tòa, Lữ Văn Tường cho rằng, hành vi của mình gây ra cho anh Ngọc là hoàn toàn sai nhưng vẫn một mực cho rằng bị cáo không phạm tội giết người như cáo trạng truy tố. Tường khai, không chủ đích giết anh Ngọc mà chỉ chém vào người vì tức giận. Bị cáo lý giải: “Nếu bị cáo muốn giết người đã cắt vào cổ chứ không chém ở những nơi khác”. Thậm chí, bị cáo còn khẳng định cơ quan chức năng giám định thương tật bị hại không khách quan và đề nghị tòa giám định lại để “lấy lại công bằng cho bị cáo”.

Với anh Ngọc và những người ngồi chung bàn nhậu hôm ấy, thậm chí là cả người thôn bản Tặm đều coi câu chuyện ngày hôm nay có một cái kết đắng chát. Những tưởng bàn rượu chỉ để vui ai ngờ nó khiến mọi điều trở nên tồi tệ. Anh Ngọc cho biết, từ khi xảy ra sự việc, cuộc sống của gia đình anh hoàn toàn bị đảo lộn. Anh không còn khả năng lao động như trước kia vì thế mọi gánh nặng đều đổ dồn lên đôi vai của vợ. Với những vết chém sâu khiến tay trái của anh đến nay vẫn chưa thể cử động được. Còn tay phải có 1 vết chém ở vai, vẫn làm anh đau nhức thốn tim mỗi khi trái gió trở trời. “Vết thương không những làm sức khỏe tôi bị ảnh hưởng mà còn khiến kinh tế gia đình cũng vì thế mà trở nên kiệt quệ. Tôi từ khỏe mạnh lao động chính nay trở thành gánh nặng của vợ con. Sau 2 tháng nằm điều trị tại bệnh viện đã tiêu tốn hết 70 triệu đồng. Nhưng đến hôm nay, gia đình bị cáo mới bồi thường cho tôi chưa đầy 3 triệu đồng tiền thuốc”, anh Ngọc cho biết.

Đến tòa hôm ấy đi cùng anh Ngọc còn có vợ. Đưa tay chỉ về phía anh Ngọc với vết thương hõm sâu, chị cho hay, ngoài những vết thương ở hai tay, anh còn bị thương nặng ở đầu. Do không có tiền để phẫu thuật ghép xương hộp sọ nên hiện trên đầu anh đang bị khuyết một lõm sâu. Để phẫu thuật phải mất ít nhất 90 triệu đồng, với gia đình chị đó là một số tiền quá lớn. Cho nên, từ cái nghèo của gia đình chị, cộng thêm với cái khốn khó của gia đình bị cáo, việc phẫu thuật cho anh Ngọc chị chỉ biết dừng lại ở “ước mơ”...

Sau khi xem xét toàn diện vụ án, HĐXX TAND tỉnh Nghệ An nhận định việc bị cáo Lữ Văn Tường cầm hung khí đâm chém vào những vùng nguy hiểm như đầu, người, cánh tay của bị hại là có chủ đích giết người. Việc bị hại không chết là nằm ngoài ý muốn của bị cáo. Do đó, Viện kiểm sát truy tố và tòa đưa bị cáo ra xét xử về tội “Giết người” là đúng tội, đúng pháp luật. Với tội “Giết người”, Lữ Văn Tường bị tòa tuyên phạt 12 năm tù. Buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại hơn 120 triệu đồng. Đây thực sự không chỉ là bài học đắt giá cho bị cáo mà còn cho bị hại và những người khi sử dụng rượu bia nhưng không làm chủ được bản thân. Rượu, bia là chủ và người say là nô lệ, vì vậy làm chủ hay làm nô lệ lại hoàn toàn tùy thuộc vào “bản lĩnh” của mỗi người. Đứng để nói ra lời ân hận khi mọi việc đã trở nên quá muộn.

Tường nhanh chóng rời đi khi phiên tòa kết thúc. Trên sân tiếng người tản ra thêm nhốn nháo. Lẫn trong mớ âm thanh chộn rộn ấy, có tiếng khóc phát ra từ người phụ nữ ngồi sụp mặt xuống nền đất. 12 năm người phụ nữ ấy phải đối diện: một cuộc sống nghèo túng, một người chồng tù tội và một khoản tiền “khủng” phải bồi thường cho gia đình bị hại...

Khoảng sân tòa trước đó chị đã đi vào, sao giờ này lại trở nên dài dằng dặc, sâu hun hút và lạnh lẽo đến thế. Rõ ràng nắng đã quá hanh hao nhưng trước mắt chị lại chỉ toàn màu đen kịt. Với chị lúc này, ánh nắng dẫu có chói chang như thế, hơn thế nữa cũng không thể làm sáng lên những tháng ngày nặng trĩu đón chờ phía trước.

Trang Trần

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phong-su/ban-an-luong-tam/bai-hoc-dat-gia-sau-cau-chuyen-chen-voi-chen-day-40369.html