Bài học đắt giá từ những sai lầm
Thời gian qua, nhân dân, đồng chí, đồng đội đã thất vọng khi có nhiều cán bộ chủ chốt vướng vào vòng lao lý trong đó trưởng thành từ những người lính. Nguyên nhân những sai lầm đến từ yếu tố khách quan hay chủ quan thì họ cũng bị xem là những 'người lính gục đầu'.
Niềm tin đến từ gian khó
Tôi tự hào khi được sinh ra trong gia đình, một miền quê là cái nôi của cách mạng, vì thế tôi đã có điều kiện tiếp xúc nhiều với những cựu chiến binh, lão thành cách mạng. Trong chiến tranh họ là anh bộ đội, là người lính xông pha tuyến đầu. Trong thời bình, họ nhiệt tình tham gia công tác xã hội, là một tấm gương sáng cho con cháu học tập còn trong cuộc sống hằng ngày họ vẫn rất đỗi bình thường, giản dị, họ thực sự đúng nghĩa là anh bộ đội cụ Hồ.
Trung tướng Lê Nam Phong – nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 Quân đoàn 4, Tư lệnh Quân đoàn 1, Tham mưa trưởng Quân đoàn 4, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân 2, ông thuộc thế hệ “cây đa cây đề”của thời kỳ đầu cách mạng. Ông tham gia từ chiến dịch Điện Biên Phủ đến chiến trường giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; Chiến trường biên giới Tây Nam; Chiến trường bảo vệ biên giới Tây Bắc… từ một người lính, anh “đại đội trưởng đầu trọc” lên tới hàm thiếu tướng, trung tướng, tư lệnh chỉ huy những trận chiến lớn với những thắng lợi vang dội làm cho những đế quốc hùng mạnh xâm lược nước ta phải run sợ.
Hay như Anh hùng LLVT, Đại tá Nguyễn Đức Hùng (tên thường gọi là Tư Chu), là Chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động Sài Gòn – Gia Định… ông là người tổ chức những trận đánh làm cho đế quốc Mỹ phải hoang sợ như: Đánh cư xá Brink; Khách sạn Caravelle; Trận khách sạn Métropole; Tòa Đại sứ Mỹ lần 1… và Tư Chu cũng là người xây dựng kế hoạch Xtrong Tết Mậu Thân 1968.
Thiếu tướng Lê Phi Long, gần 30 năm làm việc ở Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam, ông tham gia hầu hết các chiến dịch lớn nhỏ, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông được coi là "tướng tham mưu nhà nghề" cạnh những vị tướng tài danh của quân đội ta như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Lê Trọng Tấn...
Ngoài ra, còn có hàng vạn người lính, bộ đội cụ Hồ là tấm gương sáng được nhân dân, đồng đội khắc ghi. Ở họ, điểm tương đồng là phần lớn thoát ly từ những làng quê nghèo, có tinh thần yêu nước. Họ khoác áo màu xanh hy vọng để lên đường tham gia vào các chiến trường, rồi trưởng thành giữa hàng vạn đồng đội. Khi làm chỉ huy nhiều trận tuyến với những chiến thắng vẻ vang nhưng trong cuộc sống họ rất đỗi bình dị. Mà như lời Trung tướng Lê Nam Phong đã nói:“Mình chỉ là một người lính, anh bộ đội cụ Hồ”.
Mỗi lần gặp, Trung tướng Lê Nam Phong luôn nhắc lại câu nói mà trước đó ông đã bao lần ví von giữa nhà báo và người lính, đó là: “Nhà báo là một người lính tiên phong. Nhà báo luôn là người đi đầu. Phải luôn giữ vững tinh thần, lập trường, vững vàng ngòi bút của mình”.
Cuộc sống mẫu mực của họ, luôn được nhân dân và đồng đội kính trọng. Từ việc kính trọng những người lính ưu tú làm đồng bào tăng thêm niềm tin với tất cả những từng khoác áo quân ngũ.
Chiến sĩ không được "gục đầu"
Thời gian qua, cán bộ lãnh đạo cao cấp, nhiều tướng lĩnh, sĩ quan quân đội, công an đã bị kỷ luật, xử lý hình sự….chính điều này đã làm ít nhiều giảm sút sự tin yêu, kính trọng và quan trọng nhất là niềm tin của người dân. Có thể kể ra đây nhiều cán bộ vướng sai phạm, trong quân đội có Đô đốc Nguyễn Văn Hiến - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình; Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo; Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy - Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân khu 9… những người này, phần lớn lỗi vi phạm là thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để xảy ra vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng đất.
Lực lượng công an thì có Trung tướng Bùi Văn Thành, Thượng tướng Trần Việt Tân cùng là Thứ trưởng Bộ Công an đã vi phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Trung tướng Bùi Xuân Sơn - cựu Tổng cục phó Tổng cục Hậu cần chịu trách nhiệm về vi phạm, khuyết điểm trong quản lý, sử dụng đất an ninh…
Những cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự như ông Nguyễn Bắc Son; ông Trương Minh Tuấn – nguyên Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Trước lúc chuyển ngành cả 2 đều là ông là sĩ quan, chiến sĩ công tác trong quân đội.
Khi vướng vào sai phạm, những người như thế thường ít thanh minh. Có lẽ họ nhận ra được, sau sai phạm là phải nhận một mức án hoặc một mức kỷ luật nhất định, nhưng điều đầu tiên đối với một người xuất thân từ chiến sĩ quân nhân là cảm giác hổ thẹn với đồng bào, nhân dân, với người thân và đặc biệt là hổ thẹn với các đồng đội của mình, người từng nằm gai nướng mật, sát cánh trong gian khổ.
Không thanh minh nhiều cho sai phạm của bản thân, tại phiên tòa chiều 19/5, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến nói: “Bị cáo được đào tạo 9 năm ở nước ngoài về chỉ huy quân sự, còn chưa từng một ngày được đào tạo quản lý kinh tế, nhất là quản lý đất đai”.
Câu nói này có nhiều nghĩa, nhưng ai hiểu nó thì rất xót, bởi trong đó có hàm chứa niềm tin vào những người lính tham mưu. Nếu không tin vào sự tham mưu thì đâu có ai chấp nhận một công việc mà mình không hay biết. Người chỉ huy quân sự cần niềm tin, tin vào tổ chức, tin vào cấp dưới của mình. Trong lĩnh vực kinh tế cũng thế, dù không được đào tạo về quản lý, kinh tế nhưng phải có niềm tin vào bộ phận tham mưu chuyên ngành.
Tuy nhiên, nếu đặt trọn niềm tin vào bộ phận tham mưu để lơ trách nhiệm thì hậu quả rất khó lường. Điển hình như trường hợp ông Đỗ Ngọc Điệp – nguyên là Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết (Bình Thuận) vừa bị kỷ luật vì thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Xuất thân từ một người lính, nên khi chuyển ngành công tác, ông Điệp luôn tỏ rõ quan điểm trung thành với Đảng, tận tụy với nhân dân, dù ở lĩnh vực nào ông cũng luôn nỗ lực, cố gắng phấn đấu, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
Trên cương vị Phó bí thư, Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết từ năm 2016 – 2018, ông Đỗ Ngọc Điệp đã ký phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của 3 xã Thiện Nghiệp, Phong Nẫm và Tiến Lợi không đúng với quy hoạch sử dụng đất được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt; Trực tiếp ký 32 quyết định và liên đới trách nhiệm khi còn giữ chức vụ Phó Chủ tịch đãvký 100 quyết định; Để cấp phó phụ trách và một số cán bộ, công chức được phân công phụ trách lĩnh vực đất đai cố ý, tùy tiện làm trái quy định, vi phạm pháp luật đất đai, đến mức khởi tố, bắt tạm giam.
Nói về những chuyện đau buồn nêu trên, Trung tướng Lê Nam Phong chia sẻ, các đồng đội, những người lính, hiện đang công tác trong ngành hay đã chuyển ngành, dù ở cương vị nào cũng nên xem đây là bài học kinh nghiệm xương máu, là sự cảnh tỉnh trong quá trình lãnh đạo điều hành công việc của mình.Hãy xem đây là bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc trong cuộc đời tham gia cách mạng, tránh làm ảnh hưởng đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và uy tín của chính bản thân mình. Khi đã là một chiến sĩ thì không được "gục đầu”.
Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/bai-hoc-dat-gia-tu-nhung-sai-lam-47000.html