Bài học không chỉ cho U23 Việt Nam
Có 4 đại diện Đông Nam Á tại vòng chung kết Giải Vô địch U23 châu Á 2024. Ngoại trừ Malaysia không có gì để học và đáng học thì có quá nhiều điều để bóng đá Việt Nam học hỏi từ sự tiến bộ nhanh của Indonesia và cả của Thái Lan.
Có không ít người cho rằng thành công của bóng đá Indonesia từ vòng loại World Cup 2026 cho đến Cúp U23 châu Á 2024 là nhờ lực lượng cầu thủ nhập tịch. Hiện tượng là đúng nhưng không phải là tất cả.
Tại sao Singapore, sau này là Philippines và rộng ra là Trung Quốc, họ cũng nhập tịch nhiều nhưng do đâu vẫn chưa thành công?
Chiến lược nhập tịch của Indonesia được tiến hành đồng bộ với trẻ hóa lực lượng. Điểm nhấn chú ý ngoài những cầu thủ nhập tịch chất lượng nhưng tuổi xấp xỉ hoặc ngoài 30 thời gian đầu, càng về sau, bóng đá Indonesia chỉ nhập tịch những cầu thủ sinh năm từ 2002 đến 2005, cùng thế hệ với các tài năng trẻ bóng đá nước này đầu tư.
Vào năm 2020, LĐBĐ Indonesia đã trao quyền điều hành các đội tuyển từ trẻ đến quốc gia cho HLV Shin Tae-yong, 50 tuổi, người đã từng dẫn dắt đội tuyển Hàn Quốc đá bại đội tuyển Đức tại World Cup 2018. Bất chấp thành tích ban đầu không được như mong đợi, lãnh đạo LĐBĐ Indonesia vẫn đặt niềm tin và kiên nhẫn với HLV Shin Tae-yong. Như chúng ta đã biết, với thành công gần nhất tại Cúp U23 châu Á 2024, ông Shin đã được kéo dài hợp đồng đến năm 2027.
Với U23 Thái Lan, họ bị loại thậm chí còn ở vị trí cuối bảng. Nhưng U23 Thái Lan tham dự giải với lực lượng gần như là đội hình hai do các cầu thủ tốt nhất không được các câu lạc bộ từ trong nước cho đến nước ngoài đồng ý "nhả quân" cho đội tuyển.
Thai-League 1 và 2, hai giải vô địch quốc gia hàng đầu của Thái Lan vẫn tiếp diễn và không dừng vì các giải trẻ. Ngay cả AFF Cup, được xem như là giải vô địch Đông Nam Á, họ cũng không tập trung toàn bộ sức lực vì các CLB cũng có quyền không cung cấp các cầu thủ cho đội tuyển quốc gia, do AFF Cup không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA.
Thực tế này cho thấy bóng đá Thái Lan muốn tập trung phát triển, nâng cao thương hiệu, uy tín giá trị của Thai-League. Một giải vô địch quốc gia mạnh sẽ có đội tuyển quốc gia mạnh. Các giải bóng đá trẻ quan trọng nhưng bóng đá Thái Lan xem đây là đấu trường cho các cầu thủ trẻ rèn luyện cũng như phát hiện thêm những nhân tố mới.
Kết quả như chúng ta đã thấy, 5 lần tham gia vòng chung kết Cúp U23 châu Á nhưng đội Thái Lan chỉ một lần vượt qua được vòng bảng.
Thành tích này thấp hơn nhiều khi so với Việt Nam: 1 lần á quân và 2 lần vượt qua vòng bảng. Tuy nhiên, thành tích ở cấp đội tuyển quốc gia, Thái Lan vẫn là "anh cả" Đông Nam Á.
Từ thành công hiện tại của Indonesia và thành công trên nền tảng vững chắc của Thái Lan, nhìn lại, bóng đá Việt Nam hiện nay ra sao?
V-League vẫn dừng, nhường chỗ cho các giải trẻ; hệ thống thi đấu bóng đá chuyên nghiệp vẫn "lạ kỳ" với số lượng đội Giải Hạng nhất lại ít hơn V-League. Hậu quả là theo bảng xếp hạng của Teamform.com, chuyên trang đánh giá và xếp hạng các giải vô địch quốc gia cũng như CLB trên khắp thế giới, V-League xếp hạng 34 ở châu Á, kém xa Thai-League 1 đến 17 bậc và thua cả Thai-League 2 là 3 bậc.
Ở môi trường bóng đá Việt Nam, các trọng tài còn chưa mạnh tay, đồng thời do năng lực có hạn đã "tạo điều kiện" cho các cầu thủ Việt Nam quen với lối đá vượt luật. Hậu quả, khi ra đấu trường quốc tế, các cầu thủ Việt Nam ở mọi cấp độ, từ CLB cho đến các đội tuyển quốc gia, thường xuyên bị phạt thẻ đỏ hoặc phạt đền, đặc biệt khi bị công nghệ VAR "soi". Điều này thể hiện rõ trong trận Việt Nam thua Iraq 0-1 ở tứ kết Giải U23 châu Á rạng sáng 27-4.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bai-hoc-khong-chi-cho-u23-viet-nam-196240427202912741.htm