Bài học kiên nhẫn từ Indonesia
Thua đậm Australia 0-4 và dừng bước ở vòng 1/8, nhưng đây là kỳ Asian Cup thành công nhất của Indonesia trong lịch sử 5 lần tham dự vòng chung kết (VCK) khi lần đầu tiên vượt qua vòng bảng, lại nhờ chiến thắng đầu tiên trong suốt 7 năm qua trước đội tuyển Việt Nam (ĐTVN).
Sau thất bại ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022 (thua ĐTVN cả 2 trận với tỷ số 1-3 và 0-4), cuối năm 2019, Indonesia bổ nhiệm HLV người Hàn Quốc từng giúp đội tuyển Hàn Quốc đánh bại ĐKVĐ Đức 2-0 tại World Cup 2018 với mong muốn sẽ vượt mặt người đồng hương Park Hang-seo ở Đông Nam Á. Nhưng đến hiện tại, khi bản hợp đồng 4 năm sắp kết thúc, HLV Shin Tae-yong vẫn chưa mang về danh hiệu nào cho bóng đá Indonesia, dù ở cấp độ đội tuyển quốc gia, U.23 hay U.19.
Sau 2 trận vòng loại World Cup 2026 thua Iraq 1-5 và hòa Philippines 1-1, trước khi đến Qatar, Indonesia có chuyến tập huấn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả toàn thua cả 3 trận giao hữu (thua Libya 0-4 và 1-2, thua Iran 0-5) khiến niềm tin vào đội nhà và uy tín của ông Shin càng xuống đáy. Đây là cách chuẩn bị tồi tệ khi VCK Asian Cup 2023 đã đến rất gần. CĐV Indonesia nổi giận. Tài khoản mạng xã hội của cầu thủ gốc Hà Lan vừa nhập tịch Justin Hubner bị tấn công khi trận đầu tiên khoác áo Indonesia, vào sân ở hiệp 2, trung vệ này đã mắc sai lầm dẫn đến 2 bàn thua. Nhiều bình luận cho rằng Hubner chỉ là cầu thủ dưới trung bình, nhưng vì sao Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) vẫn cố gắng nhập tịch.
Tiền đạo trẻ Marselino Ferdinan cũng chịu búa rìu dư luận: “Cậu ta chơi quá tệ, thậm chí không đủ thể lực dù mới 19 tuổi”; “Không biết Marselino đang ở đâu trên sân, cậu ta không dám cầm cả bóng”; “Mắc hội chứng ngôi sao, anh ta thi đấu ngày càng tệ”…, hàng loạt chỉ trích cầu thủ từng được coi là thần đồng bóng đá của Indonesia.
Đỉnh điểm là lời kêu gọi sa thải HLV Shin Tae-yong, và cũng như HLV Troussier của ĐTVN, ông vẫn khẳng định các học trò “đang tiến bộ”.
Nhưng vào giải là một Indonesia hoàn toàn khác. Chính Marselino là người ghi bàn vào lưới Iraq, còn Hubner được đẩy lên tiền vệ là một trong các cầu thủ xuất sắc nhất. Với HLV Shin, PSSI càng đắc ý với sự tin tưởng, kiên nhẫn của mình trong 4 năm qua: “Đánh giá sự thành công của HLV không phải là những danh hiệu, mà là màn thể hiện cùng sự cải thiện của các cầu thủ”. Dư luận Indonesia lập tức xoay chiều, đưa đội nhà lên mây xanh. Liệu VFF có “can đảm” kiên nhẫn với HLV Troussier - chỉ có chưa đầy 1 năm cùng ĐTVN - như PSSI?
Một yếu tố giúp Indonesia lột xác là chất lượng cầu thủ nhập tịch. Khác với trước đây, các ngoại binh châu Âu, châu Phi đá thuê ở các CLB trong nước được “hợp thức hóa” để khoác áo đội tuyển nên đều lớn tuổi và khó “vì màu cờ sắc áo”, gần đây PSSI nhắm đến các cầu thủ có dòng máu Indonesia đang chơi bóng ở nước ngoài và còn trẻ. Trong 7 cầu thủ nhập tịch của Indonesia ở Asian Cup 2023, có đến 6 “Indo kiều”, 5 đang thi đấu tại châu Âu và 4 gương mặt mới 20-21 tuổi (đều đá chính).
Còn trẻ hơn cả ĐTVN, Indonesia có độ tuổi trung bình thấp nhất ở Asian Cup 2023 với chỉ 24,8 tuổi, có tới 11/26 cầu thủ U.23. Nhưng họ chơi chững chạc và lì lợm, chẳng khác nào đã chơi bóng lâu năm. Đây là thành quả của công tác đào tạo và sử dụng cầu thủ trẻ trong nhiều năm qua. Nhắm đến VCK U.20 World Cup 2021 là chủ nhà, HLV trưởng Shin Tae-yong được giao dẫn dắt luôn đội U.20. Dù giải sau đó bị hủy vì đại dịch Covid-19 nhưng chính lứa trẻ này năm ngoái đã mang về tấm HCV SEA Games cho Indonesia sau 32 năm và giờ nhiều nhân tố đã là tuyển thủ quốc gia vừa đánh bại ĐTVN.
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/the-thao/202401/bai-hoc-kien-nhan-tu-indonesia-dbe5761/