Bài học kinh doanh 'xương máu' mà tỷ phú CEO của Instacart rút ra được sau 20 start-up thất bại
Ở tuổi 33, ứng dụng giao hàng tạp hóa mang tên Instacart của người sáng lập Apoorva Mehta có giá trị lên tới 17,7 tỷ USD.
Instacart là một công ty của Mỹ điều hành dịch vụ giao hàng và nhận hàng tạp hóa tại Hoa Kỳ và Canada. Công ty cung cấp dịch vụ của mình thông qua một trang web và ứng dụng di động. Dịch vụ này cho phép khách hàng đặt hàng tạp hóa từ các nhà bán lẻ đối tác của Instacart.
Instacart đang có một năm phát triển vượt bậc. Vào tháng 4 năm 2020, Instacart có tháng hoạt động đầu tiên có lãi, một điều ngày càng hiếm thấy ở Thung lũng Silicon trong nền kinh tế như hiện nay. Và quan hệ đối tác chiến lược của Instacart cũng thành công liên tiếp. Trong quý 3 năm 2020, ứng dụng giao hàng này đã thêm các gã khổng lồ bán lẻ Sephora và Bed Bath & Beyond vào danh sách đối tác chiến lược.
Nhờ các vòng đầu tư bổ sung vào năm 2020, giá trị của ứng dụng Instacart đã tăng hơn gấp đôi, khiến người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Apoorva Mehta trở thành tỷ phú khi mới 33 tuổi. Nhưng trước khi thành lập ứng dụng giao hàng tạp hóa khổng lồ, Mehta đã nhiều lần thất bại. Điều gì khác biệt trong cách tiếp cận Instacart của anh ấy đã khiến công ty phát triển vượt bậc?
Chuỗi 20 start-up thất bại liên tiếp trong 2 năm
Bắt đầu kinh doanh cần có sự gan dạ. Ngoài việc phải vượt qua áp lực từ những con số thống kê ảm đạm cho thấy 20% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại trong năm đầu tiên và 50% thất bại trong vòng 5 năm, là một doanh nhân khởi nghiệp đòi hỏi phải có đam mê, động lực, thử nghiệm nhiều và học hỏi từ sai lầm.
Vốn là một kỹ sư phần mềm, Mehta đã rời bỏ sự nghiệp của mình tại Amazon để khám phá tinh thần kinh doanh của bản thân. Vị CEO nhận thấy thách thức của văn hóa khởi nghiệp là đòi hỏi trí tuệ và sự gan dạ nên đã dành một năm để xây dựng một nền tảng mạng xã hội dành riêng cho luật sư.
Tuy nhiên, dự án đầu tay của Mehta đã thiếu đi yếu tố quan trọng nhất là niềm đam mê. Trong một cuộc phỏng vấn với Los Angeles Times vào năm 2017, Mehta chia sẻ rằng "Khi tôi về nhà, tôi sẽ không nghĩ về điều đó vì tôi không thực sự quan tâm đến giới luật sư." Nếu bạn cũng đang cảm thấy như vậy về công việc kinh doanh của mình hãy thay đổi điều gì đó ngay lập tức.
Vị doanh nhân San Francisco Mehta tìm về đam mê nấu ăn của bản thân và chợt nhớ lại sự bất tiện khi phải chạy quanh thị trấn để chọn một số nguyên liệu đặc biệt. Cứ như vậy, một ý tưởng kinh doanh mới đã ra đời.
Thời gian là một yếu tố quan trọng
Ý tưởng kinh doanh của Instacart không có gì mới và thậm chí đã từng là mô hình kinh doanh của các công ty giao dịch công khai trong quá khứ. Nhưng cách người tiêu dùng làm quen với thương mại điện tử trên điện thoại thông minh đã tạo ra một cơ hội lớn.
Mehta đã nghiên cứu sâu rộng sự thành công và thất bại của Webvan, một công ty giao hàng tạp hóa đã leo lên mức định giá 1,2 tỷ USD sau khi IPO năm 1999. Chưa đầy ba năm sau, công ty đó phá sản.
Tuy nhiên, lần này đã khác. Sau khi quan sát sự gia tăng ổn định của Uber tại San Francisco, Mehta nhận ra rằng khách hàng ngày càng cảm thấy thoải mái hơn với các giao dịch dựa trên ứng dụng. Và thời điểm dịch bệnh là khoảng thời gian thích hợp để một thương hiệu mới bước vào và vươn lên dẫn đầu. Mehta đã xây dựng nguyên mẫu của Instacart trong khoảng một tháng và thậm chí anh ấy còn tự mình giao hàng tạp hóa ngay từ những ngày đầu để tìm ra bất kỳ điểm nào chưa phù hợp khiến khách không hài lòng.
Cách phát triển ý tưởng kinh doanh để thành công
Niềm đam mê là yếu tố quan trọng đối với bất kỳ thành công nào khi khởi nghiệp, nhưng điều quan trọng là bạn phải biết thị trường của mình và đảm bảo rằng bạn không tạo ra thứ mà không ai muốn. Dưới đây là một số cách để cải thiện cơ hội thành công của bạn.
Nhận sự thật tàn khốc: Khi muốn nhận phản hồi về một ý tưởng kinh doanh, điều tồi tệ nhất bạn có thể làm là hỏi mẹ hoặc một nhóm bạn xem họ nghĩ gì. Tìm kiếm phản hồi thực tế từ những người mua tiềm năng.
Nắm bắt xu hướng thị trường: Điều mà bạn biết không quan trọng, vấn đề là khi nào bạn biết về điều đó. Việc luôn cập nhật các xu hướng và công nghệ cho ngành tương ứng của bạn có thể giúp bạn luôn dẫn đầu.
Suy nghĩ về lý do doanh nghiệp của bạn tồn tại: Làm thế nào để doanh nghiệp này cải thiện thế giới? Có tầm nhìn và sứ mệnh rõ ràng cho mục đích kinh doanh của bạn sẽ trở thành nguồn năng lượng tái tạo và nguồn cảm hứng khi thời điểm khó khăn.
Theo Mehta, “Lý do để thành lập công ty là mang lại sự thay đổi mà bạn rất tin tưởng cho thế giới này.” Hãy luôn tìm kiếm cơ hội trên thị trường và ý tưởng kinh doanh thành công tiếp theo của bạn sẽ xuất hiện trước khi bạn biết điều đó.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/bai-hoc-kinh-doanh-cua-ty-phu-ceo-instacart-23690.html