Bài học kinh nghiệm đối phó với già hóa dân số
Theo tính toán dựa trên số liệu công bố của Tổng cục Thống kê thì chỉ số già hóa dân số của Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh trong giai đoạn gần đây.
Đến năm 2015, Bệnh viện Lão khoa Trung ương sẽ xây dựng thêm cơ sở 2 tại Hà Nội với quy mô 500 giường bệnh.
Ảnh: Dương Ngọc.
Nếu như năm 1989, chỉ số già hóa dân số Việt Nam là 18,2% thì đến năm 2009, chỉ số này tăng lên gần gấp đôi 35,5%. Đặc biệt trong 3 năm trở lại đây (từ năm 2010-2012), trung bình mỗi năm chỉ số già hóa dân số của Việt Nam tăng thêm 2,4% trong khi mức tăng trung bình năm của giai đoạn 1989 - 1999 là 0,61%; của giai đoạn 1999 - 2009 là 1,12%.
Thách thức cho sự phát triển
Theo dự báo của Liên Hợp Quốc (UN), đến năm 2030, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 12,9% và tỷ lệ này đến năm 2050 là 23%. Nếu chia tốc độ tăng dân số trên 65 tuổi trung bình giai đoạn 2030 - 2035 là khoảng 0,49%/năm thì đến năm 2032 Việt Nam chính thức có cơ cấu dân số già khi tỷ lệ dân số trên 65 tuổi cán mốc 14%.
Như vậy, nếu những dự báo của UN là chính xác thì chỉ sau 20-21 năm Việt Nam sẽ có cơ cấu dân số già, tốc độ già hóa được cho là khá nhanh so với Nhật Bản-một trong những quốc gia có dân số già nhất trên thế giới (mất khoảng 26 năm) hoặc một số quốc gia trong cùng khu vực như Thái Lan, Indonesia (theo dự báo của UN thì mất khoảng 22-23 năm).
Cũng theo kết quả của Điều tra quốc gia về người cao tuổi Việt Nam năm 2011 cho thấy, chỉ có hơn 25,5% người cao tuổi ở Việt Nam sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội, còn lại trên 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất, phải tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình. Chính vì vậy, để đảm bảo cho cuộc sống vật chất của mình, 59% người cao tuổi vẫn phải làm các công việc khác nhau, trong đó đa số làm nông nghiệp. Phần lớn tiền tiết kiệm được người cao tuổi để dành cho công việc khẩn cấp như ốm đau, bệnh tật chiếm tới 67%, tiếp đó dành cho con cháu là 12% và chỉ có 10% là dành cho việc dưỡng già. Sự gia tăng nhanh chóng của người cao tuổi và yêu cầu được chăm sóc, chữa bệnh của người cao tuổi đã và đang gây sức ép lớn lên hệ thống y tế. Theo Điều tra Quốc gia mới nhất về người cao tuổi Việt Nam năm 2011 cho thấy, tuy người cao tuổi ở Việt Nam có tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi), nhưng gánh nặng bệnh tật cũng rất lớn, với khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền.
Mặc dù gánh nặng bệnh tật đối với người cao tuổi Việt Nam là khá lớn khi có tới 95% người cao tuổi có bệnh, tuy nhiên hệ thống cơ sở hạ tầng y tế chưa được phát triển kịp thời với sự gia tăng nhanh chóng và yêu cầu được chăm sóc của người cao tuổi. Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc và khám chữa bệnh cho người cao tuổi ngày một tăng, bên cạnh việc thành lập khoa Lão khoa tại các bệnh viện tỉnh, Bộ Y tế cũng đã phê duyệt quy hoạch phát triển Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Theo đó, đến năm 2015, Bệnh viện Lão khoa Trung ương sẽ xây dựng thêm cơ sở 2 tại Hà Nội với quy mô 500 giường bệnh. Tiếp đó, sẽ thành lập Bệnh viện Lão khoa tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Bài học kinh nghiệm của Nhật Bản
Già hóa dân số là minh chứng rõ rệt về sự phát triển kinh tế xã hội toàn diện của một quốc gia. Tuy nhiên, trước những biến chuyển nhanh chóng của quá trình già hóa dân số cùng với những hệ lụy của quá trình này đến sự phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam cần chủ động có những nghiên cứu kỹ lưỡng, học hỏi kinh nghiệm từ các nước trong cùng khu vực để có những giải pháp toàn diện.
Kinh nghiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến già hóa dân số của Nhật Bản có nhiều hữu ích cho Việt Nam. Nếu như năm 2000 tỷ lệ dân số phụ thuộc của Nhật Bản chỉ là 46,9% thì đến năm 2013 tỷ lệ này đã tăng lên mức 59%.
Trước sức ép lớn đến từ những người phụ thuộc trong đó chủ yếu là người già lên người trong độ tuổi lao động, chính phủ Nhật Bản đã và đang cố gắng đề ra các chính sách duy trì được nhiều người tham gia lực lượng lao động, cải thiện các điều kiện để tăng tỷ lệ sinh. Mục tiêu của Nhật Bản sau 10 năm là tăng tỷ lệ lao động nữ từ 65% đến 72%, tỷ lệ làm việc 60 giờ hoặc hơn/tuần giảm từ 11% đến 6%, tỷ lệ sử dụng các kỳ nghỉ hàng năm tăng từ 47% đến 100%, tỷ lệ nghỉ chăm sóc trẻ em tăng từ 72% đến 80% đối với nữ và 0,6% đến 10% đối với nam giới và số giờ dành cho nam giới để chăm sóc con cái, làm công việc gia đình tăng từ 1 giờ đến 2,5 giờ một ngày.
Bài học thực tiễn của việc thiếu hụt nguồn nhân lực do vấn đề già hóa dân số của Nhật Bản là những kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam hiện nay. Vậy Nhật Bản đã giải quyết vấn đề này như thế nào?
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Statistics Bureau (Tokyo), cứ 5 người già nghỉ hưu thì có 1 người đi làm trở lại, đây là tỷ lệ cao nhất trong khối các nước phát triển. Mặc dù tuổi nghỉ hưu của người Nhật là 60 tuổi nhưng có hơn 5,7 triệu người (20% người về hưu) vẫn tiếp tục làm việc ở độ tuổi quá 65. Theo báo cáo năm 2011 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, đàn ông Nhật thường nghỉ làm ở độ tuổi trung bình 70 và phụ nữ là 67. Trước thực trạng đó, Nhật Bản đang cố gắng nâng tuổi nghỉ hưu cho cả hai giới lên 65 tuổi vào năm 2025. Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản đã ban hành chính sách giới thiệu việc làm tiếp tục cho người cao tuổi và luật về ổn định việc làm cho người cao tuổi để khuyến khích người cao tuổi vẫn có khả năng lao động tìm công việc phù hợp với mình. Chính sách này vừa làm giảm bớt gánh nặng thiếu hụt lao động của Nhật Bản, vừa giúp người cao tuổi phát huy khả năng, kinh nghiệm của mình.
Ths Nguyễn Thanh Vân
(Khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực, Đại học Kinh tế Quốc dân)