Bài học kinh nghiệm khi triển khai kinh tế tuần hoàn
Những năm gần đây, tại một số doanh nghiệp, quá trình chuyển đổi sản xuất theo hướng tuần hoàn không còn là lý thuyết, mà đã được áp dụng thực tế và cho ra kết quả cụ thể, với quy mô đầu tư ngày càng gia tăng. Các cuộc ghi nhận từ Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (thuộc VCCI) cho biết, nhiều đơn vị nhận thấy nếu không triển khai kinh tế tuần hoàn, họ sẽ bị bỏ lại phía sau hoặc năng lực cạnh tranh sẽ giảm.
Chuyển đổi sản xuất theo hướng tuần hoàn chỉ là một mắt xích trong lộ trình cắt giảm 20% lượng phát thải của doanh nghiệp trong hai năm sắp tới.
Những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt như cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu… đang ngày một trở nên phức tạp hơn trong bối cảnh chúng ta đang tiếp tục quá trình tăng dân số và đô thị hóa. Cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống kéo theo những hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên, lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước.
Trước thực tế này, nhiệm vụ triển khai nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn sẽ tạo cơ hội lớn cho phát triển nhanh và bền vững; tạo không gian phát triển mới, mở ra cơ hội phát triển đột phá. Để đạt mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam sẽ phát thải ròng bằng 0, Chính phủ đã cụ thể hóa các chương trình hành động bằng Quyết định 687 về phát triển kinh tế tuần hoàn.
Kinh nghiệm từ Đài Loan về công nghiệp xanh và năng lượng tái tạo
Nhìn từ Đài Loan, nơi phải nhập khẩu tới hơn 98% năng lượng (dầu lửa, khí đốt) cũng như phân bón, thức ăn chăn nuôi, và hơn 60% thực phẩm từ nước ngoài…, mô hình kinh tế tuần hoàn của nền kinh tế này được triển khai mạnh mẽ từ trước đại dịch Covid-19, hiện đang chứng tỏ tính hiệu quả và xu thế bền vững đáng học hỏi.
Phó chủ nhiệm Hội đồng Phát triển Đài Loan (NDC), bà Kao Shien-quey, tại cuộc trao đổi cùng các nhà báo Đông Nam Á hồi tháng 6 vừa qua, cho rằng từ thực tế những căng thẳng địa chính trị trên thế giới hiện nay, mọi nền kinh tế đều phải tìm biện pháp tăng cường chuỗi cung ứng.
Vào tháng 5-2020, theo chỉ thị của Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), NDC đã tham vấn các cơ quan hữu quan triển khai 6 ngành công nghiệp chiến lược (cốt lõi) của nền kinh tế, và một trong 6 ngành này là công nghiệp dự trữ chiến lược. Với ngành công nghiệp dự trữ chiến lược, Đài Loan có thể đảm bảo rằng trong tình huống khẩn cấp, hòn đảo vẫn có thể duy trì nguồn cung ứng năng lượng ổn định, thậm chí là cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày.
Bà Kao Shien-quey cho biết Đài Loan cũng phát triển nguồn năng lực sản xuất nội địa. Trong trường hợp không thể triển khai sản xuất nội địa, Đài Loan sẽ tìm cách đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu để đảm bảo sự linh hoạt và giảm thiểu các rủi ro. Khi phải nhập khẩu hơn 98% nguồn năng lượng, để hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, đầu tiên, Đài Loan phải từng bước giảm bớt tỷ lệ nhập khẩu năng lượng. Sau đó, nỗ lực đạt tới cam kết Net Zero về cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính về mức bằng 0.
Đây cũng là lời giải cho việc ngành công nghiệp chiến lược thứ 6 của nền kinh tế Đài Loan ưu tiên cho mục tiêu phát triển công nghiệp xanh và công nghiệp năng lượng tái tạo.
Đài Loan đã công bố mục tiêu hoàn thành cam kết Net Zero vào năm 2050. Điều đó có nghĩa là để đạt được cam kết này, nền kinh tế này phải tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, tối đa hóa tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo trong tổng thể các nguồn năng lượng. Trong một vài năm qua, Đài Loan đã đầu tư mạnh mẽ vào các dự án điện gió ngoài khơi và điện năng lượng mặt trời.
Mục tiêu của Đài Loan là tới năm 2025, lượng năng lượng tái tạo được sử dụng chiếm 20% tổng nguồn năng lượng nói chung, tới năm 2050, tỷ lệ này sẽ tăng lên từ 60%, thậm chí 70%.
Phó chủ nhiệm NDC nhấn mạnh việc sản xuất nội địa các nguồn năng lượng tái tạo này sẽ giúp Đài Loan giảm hẳn mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.
Trong lĩnh vực công nghiệp xanh và công nghiệp năng lượng tái tạo, trong tương lai gần, Đài Loan sẽ xây dựng một khu công nghiệp năng lượng tái tạo và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (R&D), tăng cường an ninh mạng cho các giao dịch chứng nhận năng lượng tái tạo. Mục tiêu của NDC là tạo ra cho Đài Loan vai trò của nhà cung ứng điện gió chủ chốt trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tạo điều kiện để các sản phẩm điện gió nội địa xuất khẩu sang các quốc gia khác.
Phục hồi kinh tế đi cùng mục tiêu phát triển bền vững
Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7 tháng 6 năm 2022. Quyết định này đã khẳng định chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Theo nhiều chuyên gia, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh phải xử lý một loạt thách thức, Chính phủ Việt Nam cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai một số nhóm giải pháp về đổi mới tư duy lãnh đạo quản lý và năng lực điều hành kinh tế.
Theo đó, rào cản lớn nhất thực hiện kinh tế số, chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn không phải là vốn, công nghệ mà chính là nhận thức của người lãnh đạo. Việc chuyển sang nền tảng số và kinh tế tuần hoàn đồng nghĩa với chuyển đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, chuyển đổi trình độ và kỹ năng của người lao động.
Ngoài ra, đã có nhiều khuyến nghị về việc Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý tạo khuôn khổ pháp luật đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Chúng ta đang cần phải nhìn nhận nghiêm túc hơn về yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sức chống chịu của chuỗi cung ứng…; trong đó, việc thúc đẩy việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp và hướng đi quan trọng phù hợp với định hướng mà nhiều quốc gia trên thế giới đang tiếp cận và chuyển đổi.
Cùng với đó, hợp tác quốc tế có vai trò rất quan trọng, nhằm tiếp cận, ứng dụng và làm chủ khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế tuần hoàn. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thực hiện dự án kinh tế tuần hoàn là rất cần thiết.
Trong buổi họp báo liên quan đến Chính sách hướng Nam mới (New Southbound Policy) với các nhà báo Đông Nam Á vào tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan, ông Jaushieh Joseph Wu, cũng cho biết Việt Nam và Đài Loan là hai nền kinh tế năng động, đã và đang vươn lên mạnh mẽ ở khu vực châu Á. Có thể thấy, nền kinh tế hai bên có nhiều đặc điểm tương đồng, mỗi nền kinh tế đều sở hữu những thế mạnh riêng. Chính vì vậy cả hai hoàn toàn có thể hợp tác để học hỏi, bổ trợ lẫn nhau để cùng phát triển, đặc biệt là trong hành trình phát triển nền công nghiệp xanh vốn được xem là xu thế tất yếu và là mục tiêu mà mọi nền kinh tế trên thế giới đang hướng đến.
Hiện nay, Đài Loan có chính sách ưu đãi về thuế đối với ngành công nghiệp xanh. Ngoài ra, chính phủ Đài Loan cũng tích cực thực hiện các chính sách phi kinh tế như thúc đẩy phát triển và nghiên cứu công nghệ và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Nền kinh tế này đã tập trung mở rộng nhu cầu thị trường nội địa, thúc đẩy đầu tư công nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và thành lập chuỗi công nghiệp năng lượng tái tạo hoàn chỉnh. Hàng năm, chính phủ Đài Loan cung cấp nguồn ngân sách và trợ cấp cho các mô hình hệ thống năng lượng tái tạo khác nhau.
Đối với Việt Nam, nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đối với các sản phẩm hàng hóa chính là đạt các tiêu chí môi trường và nhiều tiêu chí khác trong sản xuất.
Tại hội thảo “Kinh tế tuần hoàn hướng tới bảo vệ môi trường và xanh hóa các ngành kinh tế” do Viện Địa lý nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức tại thành phố Hải Phòng vào tháng 6 vừa qua, TS Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn, cho biết ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt.
Chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn là một cách tiếp cận hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, khẳng định quyết tâm giảm rác thải nhựa. Để giảm rác thải nhựa, theo TS Nguyễn Song Tùng, Việt Nam cần quản lý theo chuỗi giá trị của nhựa, bắt đầu từ khâu thiết kế, kiểm soát nguyên liệu đầu vào; đẩy mạnh bảo vệ môi trường trong giai đoạn sản xuất, thương mại và tiêu thụ; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, vật liệu đóng gói…
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng về cơ bản, mô hình kinh tế tuần hoàn được thực hiện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ các doanh nghiệp đóng vai trò chính.
Trong bối cảnh mở cửa và hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Do vậy, việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đối với các sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng hóa xuất khẩu vào EU, Mỹ, Nhật Bản… chính là đạt các tiêu chí môi trường và nhiều tiêu chí khác trong quá trình sản xuất.
Để phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới, các đại biểu đề xuất, về ngắn hạn, Việt Nam cần đưa các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống, sớm xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn để lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên.
Về dài hạn, hệ thống pháp luật có liên quan cần lồng ghép tư duy kinh tế tuần hoàn để hoàn thiện pháp luật về đầu tư công để hướng đến thúc đẩy mua sắm công “xanh”, hệ thống pháp luật về thuế, phí bảo vệ môi trường hướng đến điều chỉnh hành vi của người sản xuất, tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường…
Đặc biệt, hệ thống pháp luật cần phát huy vai trò kiến tạo của Chính phủ trong điều hành, hoạch định chính sách nhằm kích các tổ chức, cá nhân đổi mới, sáng tạo, áp dụng giải pháp kinh tế tuần hoàn vào quá trình thiết kế, sản xuất, phân phối, tiêu dùng, quản lý chất thải để tạo vòng lặp tuần hoàn.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bai-hoc-kinh-nghiem-khi-trien-khai-kinh-te-tuan-hoan/