Bài học nào cho Việt Nam từ trận hòa Thái Lan?

Nhập cuộc đầy chủ động trong 30 phút đầu tiên và thậm chí sớm có bàn vượt lên dẫn trước nhưng ĐT Việt Nam lại để Thái Lan ghi liên tiếp 2 bàn đầu hiệp 2. Xuyên suốt 90 phút ở lượt đi là cả những điều tích cực lẫn bài học mà thầy trò HLV Park Hang Seo phải đúc rút trước khi trận lượt về bắt đầu.

Khởi đầu với những ý tưởng tốt

Một ngày trước trận chung kết lượt đi giữa Việt Nam và Thái Lan diễn ra, HLV Park Hang Seo tuyên bố ông muốn cùng các cầu thủ giành thắng lợi, nhằm có lợi thế trước trận lượt về trên đất khách diễn ra.

Hội tụ đủ các lý do để phải thắng Thái Lan tại lượt đi, HLV Park Hang Seo đã đưa ra ý tưởng nhập cuộc cho ĐT Việt Nam theo hướng tấn công. 30 phút đầu tiên chứng kiến khối đội hình gồm 3 tuyến của Việt Nam thường đẩy cao lên phần sân Thái Lan. Mục đích hòng vây ráp, giành bóng trong chân đối thủ. Điều này không chỉ khiến “bộ não” Theerathon Bunmathan của Thái Lan không thể dễ dàng tổ chức các đường chuyền vượt tuyến hay đẩy đội bạn phải lui về mà bản thân Việt Nam cũng có thể thường trực tổ chức tấn công hoặc phản công bên nửa sân đối phương.

Song song với đó, HLV Park Hang Seo cũng cho phép Quế Ngọc Hải dâng lên nhiều hơn để hỗ trợ tấn công. Một trong những lần như thế, Ngọc Hải nhận được bóng từ đường chuyền dài của Hoàng Đức, trước khi thực hiện pha kiến tạo cho Tiến Linh băng vào cắt mặt, đánh đầu tung lưới ĐT Thái Lan.

Việt Nam đã chọn cách nhập cuộc tấn công và chủ động gây sức ép trước Thái Lan như vậy. Theo chiều ngược lại, HLV Mano Polking cũng không có lựa chọn nào phù hợp hơn là việc phòng ngự trong giai đoạn đầu trận đấu, nhất là khi ông hướng đến mục tiêu có kết quả hòa ở lượt về. Surachai Jaturapattarapong, cựu tuyển thủ quốc gia Thái Lan và nay là GĐKT của Pathum United phân tích: “Ông Polking chọn cách phòng ngự chặt trên sân nhà và kiên nhẫn chờ đợi Việt Nam phạm sai lầm là một chiến thuật phù hợp, nhất là khi họ không có được nhân sự mạnh (Dangda bị chấn thương - PV)”.

Các trung vệ của Việt Nam như Việt Anh (phải) cần phải chơi tập trung hơn nữa ở lượt về Ảnh: Tuấn Cường

Các trung vệ của Việt Nam như Việt Anh (phải) cần phải chơi tập trung hơn nữa ở lượt về Ảnh: Tuấn Cường

Và những điều đáng tiếc trong hiệp 2

Tuy nhiên trên thực tế, ngay sau khi để Việt Nam ghi bàn, Thái Lan bắt đầu chuyển đổi từ việc phòng ngự sang tấn công ở 15 phút cuối hiệp 1. Sự xuất hiện của Theerathon Bunmathan ở phần sân Việt Nam một cách thường xuyên hơn là khởi đầu cho màn đáp trả của Thái Lan. Để rồi trong 15 phút đầu hiệp 2, Thái Lan có liên tiếp 2 bàn thắng. Điều đáng nói, chủ nhân của 2 pha kiến tạo chính là Bunmathan.

Phút 48, anh từ giữa sân thực hiện chuyền vượt tuyến qua đầu hàng phòng ngự Việt Nam, cho Arjvinia ghi bàn. Phút 60, anh trừng phạt thoát mất tập trung của ĐT Việt Nam, với pha chọc khe làm tê liệt 3 trung vệ Việt Nam, trước khi Chamrasamee đánh bại Văn Lâm một lần nữa.

Bunmathan quá hay trong khâu điều tiết bóng. Nhưng điều đó cũng chỉ ra 3 vấn đề của Việt Nam. Thứ nhất, khoảng thời gian 30 phút giữa trận là giai đoạn mà Việt Nam không còn duy trì được áp lực mạnh lên phần sân Thái Lan. Theerathon khi ấy cũng không rơi vào tình thế nhận bóng ở sát vòng cấm đội nhà. Thứ 2, khả năng phòng ngự 1/3 giữa sân của Việt Nam không tốt, dẫn đến việc Theerathon có đủ thời gian và không gian chuyền bóng cho đồng đội ở phía trên. Thứ 3 là khả năng phản xạ, phối hợp bọc lót giữa các trung vệ nhằm tránh những đường chuyền ra sau lưng hàng thủ của Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu Việt Nam gặp những vấn đề như thế. Trong trận bán kết lượt đi trên sân của Indonesia, đoàn quân của HLV Park cũng đã có giai đoạn gặp khó khăn khi đối thủ triển khai những pha bóng tương tự. May mắn rằng khi đó, Indonesia không có 1 tiền vệ đủ sắc và tiền đạo đủ hiệu quả để đánh bại Văn Lâm.

Ông Park nhắc học trò thận trọng

Ở trận đấu với Thái Lan vừa qua, ĐT Việt Nam đã bị vướng vào rất nhiều tranh cãi với cầu thủ Thái Lan. Đặc biệt cuối hiệp 1, khi Theerathon có ý định khiêu khích thì Ngọc Hải, Tiến Dũng đã lao vào tranh cãi. Sau trận, HLV Park Hang Seo đã nhắc học trò cần tỉnh táo tránh rơi vào bẫy khiêu khích của đối thủ để không bị thẻ vàng hoặc bị ức chế. Trận này, Hoàng Đức, Ngọc Hải đã bị nhận thẻ vàng và dù ông Park không hài lòng về công tác trọng tài nhưng nhà cầm quân này cũng kịp chấn chỉnh lại học trò, giữ được cái đầu lạnh trên sân cỏ. Trận lượt về, sức nóng từ khán giả Thái Lan sẽ rất lớn nên ĐT Việt Nam cần cẩn trọng hơn nữa.

Đừng để phụ thuộc vào Tiến Linh

Tiến Linh là chân sút số 1 của ĐT Việt Nam với 6 pha lập công và đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành cầu thủ đầu tiên của Việt Nam sở hữu giải thưởng Vua phá lưới AFF Cup. Ngoại trừ trận hòa 0-0 trước Indonesia ở bán kết lượt đi, chân sút của Bình Dương đều ghi bàn ở tất cả các trận còn lại. Những bàn thắng trước các đối thủ khó như Malaysia, Indonesia và Thái Lan cho thấy năng lực cao của Tiến Linh. Đa phần các pha lập công của tiền đạo này đều có chung một kịch bản là “lật cánh đánh đầu”.

Ở trận gặp Thái Lan, Tiến Linh cũng thực hiện một bàn thắng bằng đầu sau đường chuyền từ cánh phải của Ngọc Hải. Với bản năng sát thủ ấy, tiền đạo này sẽ bị chăm sóc kỹ trong trận lượt về. Trong tình cảnh ĐT Việt Nam cần thắng và cần nhiều bàn thắng nếu hòa thì việc chỉ trông chờ vào một cá nhân thôi là không đủ. Một khi Tiến Linh bị bắt chặt, ĐT Việt Nam cần có những cầu thủ có khả năng bùng nổ khác để chia lửa với Tiến Linh.

Theo Bongdaplus

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/the-thao/bai-hoc-nao-cho-viet-nam-tu-tran-hoa-thai-lan/20230115091732002