Bài học nào sau vụ cháy quán karaoke khiến 32 người chết ở Bình Dương?

Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương khiến 32 người tử vong lại tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về công tác giám sát, quản lý, vận hành quán karaoke hiện nay.

Nguy cơ cháy ở quán karaoke là rất cao

32 người chết trong vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương hôm qua là một sự việc kinh hoàng, đớn đau. Đó là tổn thất rất nghiêm trọng, khủng khiếp và khó tin.

Theo thông tin mà Báo Sức khỏe và Đời sống đã đưa, quán karaoke bị cháy cao 3 tầng, 29 phòng, có diện tích sàn xây dựng khoảng 1.500 m2, trong đó diện tích cháy khoảng 400 m2, nằm ở khu vực tầng 2, 3. Quán chứa nhiều vật liệu trang trí nội thất và gỗ khiến ngọn lửa bùng phát nhanh và mạnh, dẫn đến hậu quả đau lòng như trên.

Trước đó, cũng đã từng xảy ra nhiều vụ cháy quán karaoke gây hậu quả nghiêm trọng, như vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 13 người tử vong. Gần đây nhất là vụ cháy quán karaoke ở Cầu Giấy khiến 3 chiến sĩ cảnh sát PCCC hy sinh...

Vẫn biết hát karaoke là hình thức giải trí phổ biến tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, loại hình giải trí này vẫn luôn tiềm ẩn những nguy cơ về an toàn cháy nổ. Thiếu tướng Đỗ Minh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an) cho biết, quán karaoke, vũ trường là những tụ điểm tập trung đông người, tuy nhiên những người đến đây thường không nắm rõ những đặc điểm thoát nạn ở khu vực này.

Vụ cháy kinh hoàng quán karaoke ở Bình Dương khiến 32 người thiệt mạng.

Vụ cháy kinh hoàng quán karaoke ở Bình Dương khiến 32 người thiệt mạng.

Trong khi đó những tụ điểm này có số lượng thiết bị điện như âm thanh, ánh sáng... rất nhiều, nguy cơ xảy ra chập cháy điện rất cao. Các tường vách ngăn được thiết kế cách âm, ánh sáng... rất kín và dày chính vì thế thoát khói, thoát khí rất kém, khi xảy ra cháy sẽ tụ khói, tụ nhiệt rất nguy hiểm.

Với đặc thù kết cấu không gian kín, cách âm, nhiều thiết bị điện công suất lớn lại sử dụng các vật liệu dễ bắt lửa, nên khi xảy ra hỏa hoạn sự tàn phá rất lớn, công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn rất khó khăn.

Đại diện Đội PCCC&CNCH (Công an quận Bắc Từ Liêm) cho biết, các cơ sở kinh doanh karaoke trước khi đi vào hoạt động phải đảm bảo đầy đủ các quy định pháp luật về PCCC theo tiêu chuẩn đã đề ra. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều cơ sở chưa đáp ứng được đầy đủ nội dung.

Cụ thể, theo quy định, vật dụng trong quán, vật liệu cách âm là phải làm bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy, hệ thống điện chiếu sáng, điện phục vụ âm thanh phải đảm bảo đi trong ống ghen, không được đấu nối… Tuy vậy, trên thực tế, các quán karaoke thường có không gian hạn chế, vật liệu cách âm và trang trí, khi xảy ra cháy thường sinh ra nhiều khói độc dẫn đến việc tiếp cận cũng như tìm kiếm người bị nạn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, điểm chung của các quán bar, karaoke, khách sạn… đa phần đều được chủ cơ sở thay đổi kết cấu bên trong, cải tạo, sửa chữa và trang trí nội thất thật sang trọng, bắt mắt để thu hút khách hàng. Thêm nữa, hiểm họa từ sự cố chập điện do các quán karaoke thường xuyên sử dụng công suất điện lớn cho hệ thống âm thanh, ánh sáng, biển quảng cáo…

Làm rõ buông lỏng quản lý ở khâu nào

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội chia sẻ với nỗi đau của gia đình những người xấu số vụ cháy karaoke ở Bình Dương. Ông cho biết, khi Quốc hội khóa 14 giám sát tối cao về phòng cháy chữa cháy, đã có Nghị quyết yêu cầu Chính phủ, Bộ Công an, địa phương rà soát, hoàn thiện pháp luật, thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ, đầu tư cho con người và phương tiện phòng cháy.

"Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ở quán karaoke An Phú là bài học đau xót. Cơ quan chức năng sẽ điều tra và tìm nguyên nhân, song một phần lỗi phải từ công tác quản lý nhà nước, thể hiện sự yếu kém", ông Nhưỡng nói.

Về vấn đề xử lý trách nhiệm chính quyền địa phương, ông Nhưỡng cho rằng phải xem lại toàn diện các quy trình, quy định. Người đứng đầu đương nhiên phải chịu trách nhiệm toàn diện, nhưng cần xem xét từng khâu, từng lĩnh vực quản lý chuyên môn để truy trách nhiệm cụ thể.

"Bởi vậy, việc tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường nên được tiến hành thường xuyên chứ không phải sau mỗi vụ hỏa hoạn chết người. Cần cương quyết dẹp bỏ những cơ sở không đủ điều kiện hoạt động, bổ sung thêm những biện pháp đảm bảo an toàn cho khách hát. Nếu không, câu chuyện đau lòng sẽ chưa dừng ở đây…", ông Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm.

Những lưu ý đặc biệt để thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn

Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, khi xảy ra hỏa hoạn, việc đầu tiên là phải thật bình tĩnh, xác định vị trí ngọn lửa và nhanh chóng tìm cách thoát ra bên ngoài. Nếu ngọn lửa ở tầng trên thì tìm cách di chuyển xuống dưới. Nếu xảy ra cháy nổ ở tầng dưới thì phải tìm cách di chuyển lên tầng thượng để không bị ngạt khói và để cho lực lượng cứu hỏa dễ nhìn thấy.

Hãy sử dụng bất kỳ thứ gì thấm nước ướt như khăn, vải, khẩu trang để che mũi và miệng. Khi đó, các vật dụng này có tác dụng như chiếc mặt nạ chống độc giúp tránh ngạt khói và dễ thở hơn. Sau đó, sử dụng một miếng vải lớn như chăn, mềm thấm ướt rồi trùm lên người và di chuyển thật nhanh ra khỏi khu vực cháy. Nếu chẳng may lửa bén vào quần áo, nằm xuống đất và lăn qua lăn lại cho đến khi lửa tắt. Tuyệt đối không vào nhà vệ sinh để tránh trú khi có cháy.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//bai-hoc-nao-sau-vu-chay-quan-karaoke-khien-33-nguoi-chet-o-binh-duong-169220908114304785.htm