Bài học nuôi dạy con từ phiên tòa nhiều nước mắt
Trước tòa, Dũng khai nhận không mong muốn giết bố, còn người cha (bị con trai đâm nhưng may mắn sống sót) tha thiết xin tòa giảm án cho con.
Tại phiên tòa, đứng ở vị trí bị cáo là người con trai tóc đã điểm bạc đang đối mặt với tội danh giết người. Còn bị hại là người cha đã 76 tuổi gầy yếu, hơn nửa năm trước bị con trai rút dao đâm trúng ngực. Cả hai cha con họ cùng những người thân tham dự phiên tòa đều nhiều lần phải lau nước mắt.
Bị cáo Dũng nói lời ân hận trước phiên tòa
Suốt đời khóc nghẹn vì con
Ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng ông Phạm Gia T. (SN 1946) và bà Nguyễn Thị Th. (SN 1951, cùng trú ở Ứng Hòa, Hà Nội) vẫn chưa có được ngày nào nghỉ ngơi, cũng chẳng mấy khi nở được nụ cười. Bởi đến giờ, ông bà vẫn là lao động chính để tự nuôi bản thân và nuôi người con Phạm Anh Dũng (53 tuổi).
Ở tuổi U60, nhưng Dũng vẫn không nghề nghiệp, không vợ con, sống bám vào bố mẹ. Mà không chỉ phải nuôi ăn ở, ông bà T. còn bị Dũng liên tục “nã” tiền để chơi ma túy, nhậu nhẹt... Cứ không được bố mẹ đưa tiền như ý của mình là Dũng chửi bới, “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với cha mẹ già.
Dũng đã từng nhiều lần vào tù ra tội vì tội trộm cắp tài sản và tàng trữ trái phép chất ma túy. Và cứ mỗi lần Dũng đi trại, ông bà T. lại hàng tháng khăn gói thăm nuôi con, rồi khi con ra trại lại dang rộng vòng tay đón Dũng về chăm sóc. Rồi cái vòng lẩn quẩn bị chính đứa con đẻ mà mình nuôi nấng, hầu hạ chửi mắng, đánh đập vẫn diễn ra đối với cặp vợ chồng già khốn khổ đó.
Ngày 1/12/2020, trước bữa tối, Dũng lại đòi tiền đi mua rượu về uống, nhưng vợ chồng ông T. không đồng ý. Mệt mỏi và bực tức, ông T. mắng Dũng và bị con trai chửi lại.
Rồi Dũng xông vào đập phá mâm cơm, thấy vậy ông T. nói: “Mày không được đập cái gì trong nhà này”. Lập tức, Dũng lao vào tát mấy cái liền vào mặt ông T.
Dù sức yếu, nhưng trước sự láo hỗn cùng cực của thằng con trai, người bố tuổi gần 80 gầy yếu ấy vẫn lao vào vật lộn với Dũng. Thấy vậy, bà Th. đành chạy đến nhà anh Lê Trọng Đạt, Công an viên xã Quảng Phú Cầu để trình báo sự việc.
Được anh Đạt đến hòa giải, Dũng và ông T. không vật lộn nữa, nên anh Đạt về, bà Th. đi xuống bếp. Lúc này, trên nhà còn Dũng và ông T. ngồi đối diện nhau ở bàn uống nước. Dũng lấy phích nước để rót nước uống thì ông T. vẫn trong cơn giận, dùng tay gạt làm rơi phích xuống nền nhà, khiến phích bị vỡ.
Bố con ông T. lại lao vào cãi lộn, Dũng bèn lấy con dao chĩa về phía ông T. đang ngồi, quát: “Ông có tin tôi đâm ông không?”. Ông T. ưỡn ngực, thách con trai: “Mày đâm đi”. Ngay lập tức, nhát dao lún sâu vào ngực ông T.
Thấy máu chảy, Dũng hoảng hốt rút dao ra, còn ông T. loạng choạng đi ra khỏi nhà, hai tay ôm ngực rồi ngã gục ở cổng. Lúc này, Dũng từ trong nhà cùng bà Th. hô hoán để hàng xóm đến đưa ông T. đi viện. Nhát đâm của con trai khiến ông bị gãy xương sườn, tổn thương phổi. Do được cấp cứu kịp thời nên ông không tử vong, bị tổn hại sức khỏe 15%.
Ngày hôm sau, Dũng đến Công an đầu thú.
Cha mẹ già ân hận
Trước phiên tòa, ông T. run run trình bày trong tiếng nấc nghẹn. Ông kể, bao lần bị Dũng chửi, đánh, ông đều khóc nghẹn, nghĩ do số phận hẩm hiu nên con cái mới hỗn hào, vô tích sự.
“
Bi kịch con cái bất hiếu, ngược đãi, tấn công cha mẹ già có phần lỗi của người làm cha mẹ. Trong quan niệm, lối sống của người Việt, cha mẹ trước hết luôn là những người hy sinh vì con cái. Nhưng chúng ta có thể làm tất cả mọi việc vì con cái, chứ không phải nuông chiều, nhẫn nhục, chấp nhận mọi hành vi bất hiếu do con cái gây ra.
Cha mẹ có nhiệm vụ chỉ ra cho con thấy công sức lao động và sự hy sinh lớn lao của cha mẹ là khó khăn, to lớn đến nhường nào, để đứa con không được quen với ý nghĩ, đã là cha mẹ là phải hy sinh và chấp nhận mọi hành động của con cái.
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hạnh
”
Nhưng đấy vẫn là khúc ruột của ông, nên dù đã ở tuổi 76, ông vẫn làm đủ mọi việc để kiếm tiền lo cho con. Ngay trước hôm bị Dũng đâm, ông còn chạy vạy vay được 2 triệu đồng, dự định đưa Dũng đi cai nghiện ma túy. Nào ngờ, sự việc đau lòng đã xảy ra.
Những ngày nằm viện, biết Dũng bị tạm giữ, ông T. vẫn đau đáu lo Dũng sẽ bị xử nặng và mong ngóng đến ngày được nhìn thấy con.
Ngày Dũng bị đưa ra xét xử, vợ chồng ông dậy từ mờ sáng, khuân lỉnh kỉnh bánh, sữa đã chuẩn bị từ tối hôm trước để mang cho đứa con “già rồi vẫn chưa lớn”. Nhìn cảnh ấy, những người tham dự phiên tòa đều cay cay sống mũi.
Tại phiên tòa, ông T. cho biết, hôm ấy, Dũng say rượu nên mới hành xử như vậy.
“Nhiều lần say, nó gí dao vào tôi rồi, nhưng cũng chỉ dọa thôi. Lần này, tôi lại thách nó, ai ngờ nó đâm thật. Là cha, không ai muốn đẩy con mình vào con đường tù tội...”, ông T. trần tình.
Rồi ông tha thiết xin tòa giảm án cho con: “Con tôi có sai thì vẫn là con, tôi mong tòa xem xét giảm hình phạt cho cháu. Việc xảy ra, là do tôi không biết cách giáo dục con...”, ông T. xót xa nói.
Trước tòa, Dũng cũng khai nhận không mong muốn giết bố. Lời nói sau cùng, Dũng khóc, xin lỗi bố mẹ, thừa nhận việc làm của mình là sai, mong HĐXX cho bị cáo mức án thấp để sớm được làm lại cuộc đời.
Thấy con khóc và xin lỗi, người cha già lấy tay chấm nước mắt.
Cho rằng hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng khi phạm tội đối với người nuôi dưỡng, sinh thành... HĐXX tuyên phạt Phạm Anh Dũng 13 năm tù về tội giết người.