Bài học phòng, chống COVID-19 của Hàn Quốc

Hàn Quốc nằm trong số các quốc gia ngoài Trung Quốc báo cáo về các trường hợp lây lan dương tính COVID-19 sớm nhất. Kể từ khi trở thành tâm dịch, quốc gia này đã sớm có biện pháp khống chế và số lượng các ca nhiễm mới cũng giảm đáng kể. Dưới đây là những gì mà thế giới cần tìm hiểu từ cách ứng phó đại dịch nguy hiểm của người Hàn.

Xét nghiệm toàn dân, nâng cao ý thức tự cách ly

Trong một cuộc họp báo diễn ra ngày 16/3/2020, Tổng giám đốc của WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus lên tiếng lưu ý các quốc gia đang chiến đấu với COVID-19: “Hãy xét nghiệm, xét nghiệm càng nhiều càng tốt".

Ngày 19/3/2020, Anh thông báo các kế hoạch xét nghiệm ít nhất 25.000 người nghi nhiễm COVID-19 mỗi ngày. Tính đến ngày 20/3/2020, nước Anh đã xét nghiệm cho 64.621 người (hơn bất kỳ nước châu Âu nào có thể làm được, ngoại trừ Italy, nhưng vẫn nằm dưới mức theo dõi thực sự về độ mở của đại dịch). Hàn Quốc có thể là một bài học đáng giá. Dịch bệnh bùng phát ở Hàn Quốc cũng như ở Ý, ban đầu chỉ vài trường hợp, nhưng đã nhanh chóng leo thang thành kịch tính. Tuy nhiên, với cách ứng phó của Hàn Quốc, tình hình dịch bệnh ở quốc gia này đã được kiểm soát tốt hơn.

Một đơn vị xét nghiệm virus corona di động ở Hàn Quốc. Ảnh nguồn: Ed Jones / Getty

Một đơn vị xét nghiệm virus corona di động ở Hàn Quốc. Ảnh nguồn: Ed Jones / Getty

Sau khi có những báo cáo đầu tiên về ca nhiễm coronavirus, Hàn Quốc đã giữ cho số lượng người nhiễm mới ở mức thấp (chỉ 30 trường hợp nhiễm được ghi nhận). Đến trường hợp bệnh nhân thứ 31, không chịu đi khám bệnh, không chịu cách ly và trở thành bệnh nhân siêu lây nhiễm. Ngay tức khắc, các Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã thông báo về số lượng 9.300 người đã tham dự các buổi hành lễ tại 2 nhà thờ cùng với “bệnh nhân 31” và 1.200 người khác đang có những triệu chứng như bệnh cúm.

Những ngày sau đó, hàng trăm người đã được xét nghiệm và dương tính với COVID-19. Tính đến 19/3/2020, Hàn Quốc có tổng cộng 8.652 trường hợp dương tính và 94 người chết, nhưng các tỷ lệ đang giảm dần, chỉ 93 trường hợp mới được phát hiện vào ngày 18/3/2020. Trong khi đó, giai đoạn tồi tệ nhất vào cuối tháng 2/2020, giới chức Hàn Quốc đã ghi nhận hơn 900 trường hợp mới mỗi ngày.

Xương sống của sự thành công trong phòng chống dịch COVID-19 của Hàn Quốc là hoạt động xét nghiệm đồng loạt, không chừa một ai, theo dõi nghiêm ngặt việc tiếp xúc và cách ly bất kỳ ai có mang mầm bệnh hoặc tiếp xúc với người tình nghi nhiễm. Đến ngày 19/3/2020, Hàn Quốc đã tiến hành hơn 307.000 đợt xét nghiệm, chiếm tỷ lệ xét nghiệm cao nhất thế giới.

PGS. Michael Mina, tại Trung tâm động lực học bệnh truyền nhiễm (CCDD, Đại học Harvard) giải thích: “Cơ chế xét nghiệm trải rộng của Hàn Quốc là một công cụ cực kỳ giá trị trong việc kiểm soát virus, cũng như hiểu biết và đo lường hiệu quả các phản ứng đang xảy ra. Nó cho phép các cá nhân tự chủ động cách ly để bảo vệ những người xung quanh, bảo vệ chính họ từ những người nhiễm”.

Sự phối hợp phòng dịch và vận dụng phần mềm trên điện thoại thông minh

Để thực hiện xét nghiệm quy mô lớn đòi hỏi phải có sự phối hợp phi thường. Theo đó, tờ Thời báo Phố Wall đã báo cáo rằng Hàn Quốc có đủ năng lực để xét nghiệm hơn 2 vạn dân mỗi ngày tại 633 điểm xét nghiệm trên cả nước. Một ứng dụng điện thoại thông minh (ĐTTM) sẽ cung cấp các bản đồ GPS để theo dõi sự lan truyền dịch bệnh. Các nhân viên y tế dựng lên những lều trắng khổng lồ trên các vệ đường, nơi mọi công dân có thể được xét nghiệm lập tức. Kết quả cũng cực nhanh chóng, có ngay trong vòng 24 giờ.

 Điện thoại thông minh ở Hàn Quốc được cài các bản đồ GPS (định vị) chỉ cho người dân biết rõ các địa điểm nào đang có người dương tính với Covid-19 để biết mà tránh. Ảnh nguồn: WSJ

Điện thoại thông minh ở Hàn Quốc được cài các bản đồ GPS (định vị) chỉ cho người dân biết rõ các địa điểm nào đang có người dương tính với Covid-19 để biết mà tránh. Ảnh nguồn: WSJ

Ông Kee Park giải thích: “Sự phản ứng nằm ở chỗ người Hàn Quốc vận dụng công nghệ rất khéo léo. Họ rất giỏi trong việc tạo ra những thứ tốt nhất cho cộng đồng sử dụng. Hàn Quốc là một trong những quốc gia “thần tốc” nhất, nơi mọi người dân đều sử dụng ĐTTM cho mọi nhu cầu của họ. Ngay cả chính phủ nước này cũng dùng ĐTTM không chỉ để theo dõi mà còn gửi đi các cảnh báo kiểu như “Chú ý, có các bệnh nhân COVID-19 trong vùng lân cận của quý vị”.

Chế độ chăm sóc sức khỏe của người Hàn Quốc là một hệ thống thanh toán đơn hiệu quả, được chuẩn bị nghênh đón bệnh dịch. Trước đó, vào năm 2015, Hàn Quốc đã thất bại trong việc dự báo chính xác Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS). Hậu quả là 186 người mắc bệnh, 38 người chết. Tỷ lệ tử vong này còn cao hơn bất kỳ nước nào khác ngoài vùng Trung Đông. Sau phản ứng của WHO đối với dịch MERS ở Hàn Quốc, người Hàn đã chú ý quan sát các trường hợp nhiễm trùng hô hấp, theo dõi nhanh việc sản xuất các bộ xét nghiệm và trang bị cho các bệnh viện với những đơn vị kiểm soát nhiễm trùng cùng các áp suất phòng âm. Chao đảo với dịch COVID-19, đại đa số người Hàn cũng thường xuyên rửa tay, ở yên tại nhà và sẵn sàng đi xét nghiệm nếu có yêu cầu. PGS.Michael Mina khẳng định: “Việc xét nghiệm kiểu này rất thành công và ngăn ngừa sự lan truyền và lây nhiễm bệnh. Chiến dịch lớn nhằm kiểm tra xem người dân có biết tình trạng của họ không để từ đó hành động thích hợp”.

Hệ thống giám sát thân nhiệt để kịp thời phát hiện ra các cá nhân bị tình nghi nhiễm bệnh ở sân bay, nhà ga tại Hàn Quốc. Ảnh nguồn: NBC San Diego

Hệ thống giám sát thân nhiệt để kịp thời phát hiện ra các cá nhân bị tình nghi nhiễm bệnh ở sân bay, nhà ga tại Hàn Quốc. Ảnh nguồn: NBC San Diego

Ông Kee Park nhấn mạnh: “Từ sau thất bại về cách xử lý dịch MERS, chính phủ Hàn Quốc cùng Bộ Y tế và phúc lợi xã hội nước này cùng hiểu rằng “không đi theo vết xe đổ” và "hành động ngay tức thì” nên đã nhanh chóng phát triển bộ kit xét nghiệm. Một phần quan trọng của xét nghiệm này là tìm và cô lập những người mang mầm bệnh nhưng không để lộ triệu chứng trước khi họ lan truyền bệnh cho người khác.

Mặc dù tỷ lệ tử vong ở Hàn Quốc do dịch COVID-19 là 0,6%, nhưng một nghiên cứu mới đã cho thấy rằng cứ 10 trường hợp thì có 5 trường hợp không bị phát hiện do không có triệu chứng rõ. PGS.Martin Hibberd, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Trường nhiệt đới và vệ sinh London, cũng đồng tình: “Nếu mọi người ở yên trong nhà và không đi ra ngoài thì sẽ cắt đứt đường lây bệnh hoặc xác định chính xác ai đó dương tính và cách ly họ thì cũng là một cách hiệu quả”.

Phan Bình

((Theo wired, 21/3/2020))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/the-gioi-hoc-duoc-gi-tu-bai-hoc-chong-covid-19-cua-han-quoc-n170829.html